Một lần nữa, kết quả chấm thi hé mở bức tranh dạy - học - thi lịch sử trong trường phổ thông có vấn đề.
80-90% thí sinh dưới trung bình
Kết quả thi của học sinh (HS) Đà Nẵng mới công bố không khả quan: văn, toán, lý, địa chỉ có 50-60% bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên. Các môn hóa, ngoại ngữ, sinh, tỷ lệ bài thi đạt từ điểm 5 chỉ ở mức 27,1-48,19%. Nhưng “đau” nhất là môn lịch sử khi có đến 90% thí sinh của Đà Nẵng điểm dưới trung bình.
|
Thí sinh tranh luận sau một buổi thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: P.Huy |
Ngay ở TP.HCM, kết quả cũng “thảm” không kém: 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên. Điều này có nghĩa là hơn 80% thí sinh dưới trung bình.
Tổng số thí sinh dự thi môn sử ở An Giang cao nhất trong tất cả các môn ở cả hai tổ hợp bài thi khoa học xã hội và khoa học tự nhiên với gần 9.000 em. Nhưng kết quả có chừng 2.500 thí sinh đạt điểm trên trung bình, còn lại đều có điểm thấp hoặc rất thấp.
Kết quả môn lịch sử ở Đồng Nai còn “thảm hại” hơn với 87,24% bài thi điểm dưới trung bình, một tỷ lệ rất thấp và cách xa so với các môn khác.
Phải hơn 10 năm kể từ cuộc vận động “hai không” của ngành giáo dục, chúng ta mới lại chứng kiến những điểm số thấp kỷ lục từ kỳ thi quy mô quốc gia. Sửng sốt, phập phồng lo lắng là tâm trạng của phụ huynh lẫn các trường đại học khi đón nhận kết quả thi trong những ngày này. Cha mẹ lo con rớt, còn trường đại học băn khoăn không biết sẽ phải hạ ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển đến đâu để thí sinh có đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Kết quả tất yếu
Dù kết quả như vậy, nhưng nhiều giáo viên cho biết họ đã dự đoán được. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, tỏ ra bình thản: “Đề thi năm nay không khó nhưng kết quả này không làm tôi bất ngờ. Các em chọn thi sử không phải vì yêu thích hay vì nhu cầu xét tuyển đại học mà vì không có khả năng thi tự nhiên nên chọn xã hội. Trong ba môn của bài thi khoa học xã hội, giáo dục công dân và địa lý dễ kiếm điểm hơn nên các em tập trung lấy điểm, chỉ cần đảm bảo lịch sử không bị điểm liệt (1 điểm) là đủ”.
Thầy Đăng Du chỉ ra vấn đề: “Nguyên nhân lớn hơn là sự chênh lệch giữa học và thi. Nội dung chương trình và giáo viên vẫn dạy như cũ, trong khi cách ra đề trắc nghiệm lại đòi hỏi thí sinh vừa nhớ khái quát vấn đề vừa nắm được chi tiết sự kiện. Đó là chưa kể chương trình môn lịch sử hiện quá nặng, dàn trải với cả giáo viên, chứ đừng nói là HS”.
Cô Nguyễn Thị Kim Quyên, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Du, khẳng định: “Khi tôi thấy đề cho 40 câu hỏi trắc nghiệm phải giải quyết trong 50 phút là đã đoán được kết quả như thế nào rồi. Đề thi quá nặng, ngoài sử Việt Nam qua các giai đoạn còn có sử thế giới, từ chương trình lớp 11 đến lớp 12. Chúng ta thay đổi cách thi nhưng chương trình vẫn hàn lâm, vẫn nặng thì e HS sẽ ngày càng sợ môn sử”.
Thầy Du cho rằng, Bộ GD-ĐT đang làm khó người học khi đổi mới phần ngọn (tức phần thi) trước, trong khi lẽ ra phải đổi mới chương trình, viết lại sách giáo khoa cho gần gũi, giảm tải chương trình, thay đổi cách dạy trước.
Cớ sao, môn lịch sử?
PGS-TS Ngô Minh Oanh (Trường đại học Sư phạm TP.HCM) từng chứng minh sau nhiều lần đổi mới thì số lượng bài học đã tăng lên, số trang trong sách giáo khoa lịch sử bậc THPT cũng dày thêm. Đã vậy, nói như PGS Hà Minh Hồng (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử còn dàn trải và sa đà vào các số liệu và các chi tiết kiểu như ngày, giờ, diễn biến, ý nghĩa, các bài học... làm cho HS rất khó nhớ, khó thuộc, ngán học, sợ học, thậm chí ghét cả môn học này.
Để giảm tải cho HS, trước các kỳ thi, giáo viên thường chọn lọc và ôn cho HS những nội dung có tính trọng tâm, giúp HS dễ thuộc, dễ nhớ. Nhưng năm nay, đề ra lại không theo hướng học thuộc lòng mà đòi hỏi HS phải nắm sự kiện, biết khái quát và liên hệ với những sự kiện khác. Sự đổi mới này khiến các thí sinh chới với.
Cũng phải nhìn nhận thực tế là số HS chọn học môn lịch sử để lấy điểm vào đại học không nhiều (nếu không muốn nói là rất ít) vì khối C (khối thi có môn lịch sử) không có nhiều lựa chọn ngành nghề như các khối khác. Thêm nữa, việc thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp như hiện nay (50% điểm học bạ lớp 12 và 50% điểm thi) đã dẫn đến hiện tượng giáo viên và các trường THPT tìm cách “đẩy” điểm học bạ lên cao. Điều này đã vô tình làm cho HS vốn đã thờ ơ với môn lịch sử càng thêm thờ ơ.
Nhiều nhà sử học, các chuyên gia giáo dục cho rằng, để hấp dẫn HS học lịch sử không quá khó. Cái khó là chúng ta không chịu nghĩ, không chịu tìm cách thể hiện những bài học lịch sử sao cho nó lôi cuốn HS.
Không còn mưa điểm 10
Khác với hiện tượng “mưa điểm 10” của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, năm nay điểm 10 xuất hiện ít hơn. Tại TP.HCM, có 20 điểm 10 môn ngoại ngữ và 19 điểm 10 môn giáo dục công dân, trong khi chỉ có một bài thi đạt điểm 10 môn toán. Tương tự, Lai Châu và Phú Thọ mỗi tỉnh cũng có một điểm 10 môn toán. Ngoài ra, Phú Thọ còn có thêm 1 điểm 10 môn hóa, trong khi năm 2017 có đến 21 điểm 10. Tại Hải Dương cũng chỉ có một điểm 10 môn hóa.
Trong khi đó, ở kỳ thi năm 2016, chỉ năm địa phương là TP.HCM, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Đà Nẵng, số điểm 10 lên tới 999. Riêng TP.HCM có 453 bài thi đạt điểm 10.
|
Tiêu Hà - Minh Nhật