Kỳ thi THPT quốc gia 2016: "Điệp khúc" chất lượng chấm thi

20/04/2016 - 14:18

PNO - Thay qua đổi lại, nhưng những rối rắm trong thi cử vẫn chưa thể giải quyết căn cơ.

Với phương thức tổ chức các cụm thi liên tỉnh, ở mùa thi đầu tiên của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia vào năm ngoái, thí sinh (TS) phải di chuyển tới các cụm thi rất xa nếu muốn dùng kết quả thi để xét tuyển vào Đại học - Cao đẳng (ĐH-CĐ). Năm nay, Bộ GD-ĐT đổi nhiệm vụ “đi xa” về cho các trường ĐH. Các trường ĐH phải về các địa phương cách từ vài chục đến vài trăm cây số để tổ chức thi và mang bài thi về trường chấm. Thay qua đổi lại, nhưng những rối rắm trong thi cử vẫn chưa thể giải quyết căn cơ.

"Khan" giáo viên chấm thi

Không nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu, sở dĩ Bộ phải nắm lấy việc tổ chức kỳ thi và ủy quyền cho các trường ĐH (chủ yếu là trường ĐH công lập có tên tuổi) thực hiện là vì không tin vào kết quả tổ chức thi và chấm thi của các địa phương.

Nhưng các trường ĐH chỉ có thể khắc phục khó khăn ở nơi xa để tổ chức thi trong khoảng bốnnăm ngày, chứ không thể thực hiện cả khâu chấm thi trong nhiều ngày với “bộ sậu” cả trăm con người. Thuê giáo viên (GV) sở tại chấm thi thì các trường lại sợ họ chấm “nương tay cho gà nhà”. Cho nên phương án của các trường trong kỳ thi năm nay là mang bài thi về “đại bản doanh” của mình tại các thành phố lớn để chấm. Nhưng, trong cùng thời điểm mà nhiều trường ĐH đều chấm thi thì lấy đâu ra cho đủ thầy cô để làm công tác này?

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay phụ trách cụm thi Tây Ninh với khoảng 9.000 TS dự thi. ThS Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Tuyển sinh của trường, cho biết: trường sẽ mang bài thi về chấm tại trường vì phương án di chuyển giám khảo và cả hội đồng chấm tới tỉnh rất bất tiện. Lực lượng chấm thi dự kiến gồm 60% giảng viên của trường và 40% GV phổ thông của hai sở GD-ĐT TP.HCM và Tây Ninh. Ngay từ lúc này, trường đã phải “đặt hàng” trước.

Ky thi THPT quoc gia 2016:
Năm nay các trường ĐH phải về các địa phương để tổ chức thi và mang bài thi về trường chấm

Cụ thể, môn văn sẽ cần khoảng 30 GV, hai môn sử và địa cần 10 người, khoảng 60 người chấm môn toán. Tuy nhiên, rất đáng lo cho môn sử và địa, vì Trường không có GV môn này, phải phụ thuộc hoàn toàn vào GV phổ thông, nhưng sợ cùng thời điểm trường nào cũng “mượn” người thì sẽ rất khó.

Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM phụ trách cụm thi tại Đồng Nai với khoảng 13.000 TS và khoảng 65.000 bài thi (trung bình mỗi TS dự thi năm môn). Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự tính dùng chủ yếu lực lượng chấm thi là giảng viên của trường và GV phổ thông TP.HCM. Nếu chủ động bố trí đủ lực lượng GV TP.HCM chấm thì trường sẽ không mời GV các tỉnh khác.

Tương tự, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức thi cho khoảng 12.000 TS tại Gia Lai (khoảng 60.000 bài thi), cũng lên phương án mời GV THPT của TP.HCM tại Q.9, Q.Thủ Đức… chấm thi.

Tại hội nghị các trường ĐH chủ trì cụm thi phía Nam vừa qua, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, băn khoăn cho khâu chấm thi, nhất là môn văn, vì số lượng bài thi môn tự luận này rất nhiều, trong khi trường lại hoàn toàn không có GV môn này. Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, nếu để địa phương nào tự chấm cho địa phương đó thì chắc chắn không thể nào thoát khỏi “chủ nghĩa địa phương cục bộ”, nên Bộ GD-ĐT cần ra quy định là GV tại khu vực nào thì không được chấm bài cho TS khu vực đó, nhất là với môn văn.

Ngay cả dùng GV địa phương để chấm thi như Trường ĐH Tây Nguyên (chủ trì cụm tại Đăk Lăk) cũng không hết mối lo về đội ngũ giám khảo. Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, than: “Năm nay, Đăk Lăk có hai cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm do Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì. Việc cử GV chấm thi do sở GD-ĐT phụ trách, chắc chắn Sở sẽ ưu tiên chọn GV tốt để chấm cho cụm địa phương trước. Chúng tôi rất quan ngại chất lượng GV chấm thi. Bộ GD-ĐT cần có cách để đội ngũ chấm thi tương đối đồng đều ở hai cụm, tăng cường chất lượng chấm thi”.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, muốn kết quả kỳ thi THPT sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ được công bằng thì khâu chấm thi cực kỳ quan trọng. Nếu được Bộ GD- ĐT cho phép, các trường ĐH không sử dụng GV phổ thông của địa phương tham gia chấm thi tại chỗ. Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Tiền Giang khẳng định, nếu không sử dụng GV địa phương chấm thi thì lấy đâu ra người chấm!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI