Kỳ thị người gốc Á là vấn đề toàn cầu

25/03/2021 - 17:30

PNO - Tội ác gần đây ở Mỹ là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng kỳ thị người châu Á ngấm ngầm bấy lâu trên khắp thế giới.

Theo Stop AAPI Hate, có 3.795 vụ bạo lực chống người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương xảy ra ở Mỹ từ ngày 19/3/2020 đến 28/2/2021 - Ảnh: AFP
Theo Stop AAPI Hate, có 3.795 vụ bạo lực chống người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương xảy ra ở Mỹ từ ngày 19/3/2020 đến 28/2/2021 - Ảnh: AFP

Sau vụ xả súng ở Atlanta, Mỹ hồi giữa tháng Ba (trong đó, 6/8 người chết là phụ nữ Mỹ gốc Á), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 22/3 đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng bạo lực đối với người châu Á trên toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cái cớ sai lầm từ dịch bệnh

Vụ nổ súng làm dấy lên nỗi lo sợ của cộng đồng người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương, nhất là từ khi đại dịch bùng nổ. “Thế giới đã chứng kiến ​​những vụ tấn công chết người khủng khiếp, đe dọa bằng lời nói và thể xác, bắt nạt trong trường học, phân biệt đối xử ở nơi làm việc, kích động thù hận trên các phương tiện truyền thông và các nền tảng mạng xã hội cũng như ngôn ngữ kích động của những người có quyền lực” - Farhan Haq, phát ngôn viên LHQ, nói. Ông cũng cho rằng, ở một số quốc gia, phụ nữ châu Á đã trở thành mục tiêu tấn công “ưu tiên”.

Trong chuyến thăm đến Atlanta vào ngày 19/3, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu người Mỹ cùng nhau chống lại sự thù hận: “Sự căm thù không thể có bến đỗ ở Mỹ. Nó phải dừng lại. Tất cả chúng ta cùng nhau dừng nó lại”. Phó tổng thống Kamala Harris đã gắn hành động bạo lực mới nhất với lịch sử phân biệt chủng tộc lâu đời ở Mỹ. Bà ví tình trạng này hệt như việc nhắm vào người Hồi giáo sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. 

“Phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ và nó đang tồn tại. Chứng bệnh bài ngoại luôn xảy ra. Phân biệt giới tính cũng tương tự như vậy. Chúng tôi sẽ không im lặng hay khoanh tay đứng nhìn. Chúng tôi sẽ chống lại bạo lực, phân biệt đối xử ở bất kỳ nơi đâu và bất cứ thời khắc nào” - bà Harris tuyên bố.

“Stop Asian Hate” ngay tại châu Á

Ông Curtis S.Chin - cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á - nói, nếu theo dõi mạng xã hội thì hashtag #StopAsianHate có mức độ liên quan trên toàn cầu. Sự căm ghét sản sinh ra bạo lực không chỉ là lời nói, thể chất nhằm vào người nhập cư hoặc người lao động nhập cư mà còn chống lại các nhóm thiểu số về chủng tộc, tôn giáo. “Họ bị xem là những “người khác vĩnh viễn”, bất kể gia đình đã chuyển đến bao nhiêu thế hệ. Vụ giết chết tám người tại ba tiệm spa ở Atlanta chỉ là một ví dụ mới nhất về tính bạo lực mà tôi vừa nêu” - ông nói.

Đại dịch COVID-19 là cái cớ cho tình trạng kỳ thị người gốc Á bùng phát - Ảnh: EAP
Đại dịch COVID-19 là cái cớ cho tình trạng kỳ thị người gốc Á bùng phát - Ảnh: EPA

Một báo cáo gần đây của tổ chức Stop AAPI Hate cho hay, đã ghi nhận 3.795 vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương tại nước này từ ngày 19/3/2020 (thời điểm WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu) đến ngày 28/2 năm nay. Riêng từ đầu năm 2021, tổ chức trên đã ghi nhận hơn 500 vụ. Các thành phố ở Canada, Úc và châu Âu cũng đã báo cáo sự gia tăng các vụ bài xích người châu Á. Theo số liệu của cảnh sát Vancouver, tội phạm bạo lực chống người gốc Á tăng từ vài chục vụ vào năm 2019 lên 142 vụ năm 2020, tương đương 717%.

Sau cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd hồi 2020, phong trào Black Lives Matter đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới nhằm phản đối sự tàn bạo của cảnh sát vì động cơ chủng tộc. Vì vậy, vụ tấn công người gốc Á mới đây cho thấy sự cần thiết phải ngăn chặn “hội chứng” căm thù người châu Á không chỉ ở Mỹ hay châu Âu.

Shibani Mahtani - Giám đốc văn phòng tờ Washington Post tại Hồng Kông - chia sẻ, các ca nhiễm COVID-19 đã tạo ra làn sóng phân biệt chủng tộc tại “kinh đô thế giới” ở châu Á. Bà Mahtani mô tả trải nghiệm của người Nepal và các dân tộc thiểu số Nam Á bị người dân ở Hồng Kông cho là mất vệ sinh và vô trách nhiệm vì thói quen ăn uống của mình. “Các tài xế giao hàng, người phục vụ, giúp việc nhà đã phải gánh chịu hậu quả của đại dịch” - Mahtani viết.

Tuy nhiên, không riêng gì Hồng Kông, ở các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia, cũng có tình trạng định kiến ​​và phân biệt đối xử với người lao động nhập cư. Theo ông S.Chin, sự căm thù người châu Á đã có từ lâu: “Khi vi-rút COVID-19 đang có xu hướng giảm dần, có lẽ còn một loại vi-rút khác nguy hiểm không kém, đó là vi-rút gây thù hận và bạo lực. Nó cần bị ngăn chặn”. 

 Nam Anh (theo Reuters, Nikkei Asia)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI