Kỳ thi lớp Mười: Duy trì làm gì nữa!

18/06/2018 - 16:00

PNO - Hầu hết các nền giáo dục trên thế giới, kỳ thi lớp Mười đã bị xóa sổ từ hơn nửa thế kỷ trước. Trước năm 1975, ở miền Nam cũng đã bãi bỏ kỳ thi này.

Trong tuần qua, nhiều học sinh ở Hà Nội và TP.HCM đã trải qua kỳ thi vô cùng khốc liệt: thi vào lớp Mười. “Khốc liệt” là bởi kỳ thi này còn khó hơn thi đại học và số sĩ tử bị gạt ra sau cuộc thi ở mỗi địa phương lên đến hàng vạn.

Ấy vậy mà ở Hà Nội, người ta còn quyết định từ năm sau sẽ áp dụng ba môn thi bắt buộc là toán, văn và môn tự chọn là một trong hai bài thi tổ hợp (ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân hoặc ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học). Nghĩa là trên thực tế, học sinh sẽ phải học và thi tới sáu môn.

Ky thi lop Muoi: Duy tri lam gi nua!
Phụ huynh căng thẳng chờ con em thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: Phùng Huy

Thật là quá áp lực! Điều này dự báo phong trào luyện thi lớp Mười sẽ nở rộ. Học sinh rồi sẽ đắm đuối trong các lò luyện thi, thậm chí phụ huynh sẽ cho con luyện thi từ lớp đầu cấp để mua lấy chút yên tâm.

Vấn đề là tại sao phải duy trì kỳ thi lớp Mười căng thẳng như vậy mà không nghĩ đến những cách làm khác, chẳng hạn đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giúp học sinh có nhiều lựa chọn trong học tập, giảm áp lực thi cử?

Từ năm 2006, Quốc hội đã quyết định bỏ kỳ thi THCS vì thấy kỳ thi này không còn cần thiết và chỉ gây căng thẳng, tốn kém cho xã hội. Sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, ngành giáo dục cả nước phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá học sinh một cách chặt chẽ cho từng năm học, để làm cơ sở xét công nhận tốt nghiệp cũng như tuyển chọn vào lớp Mười công lập.

Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh kỳ thi lớp Mười chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, không phải đánh giá năng lực toàn diện; việc thi tuyển, nếu có, phải tổ chức nhẹ nhàng, không căng thẳng, tốn kém.

Như vậy, nếu các trường THCS làm tốt công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh hằng năm, việc xét tuyển vào lớp Mười sẽ trở nên đơn giản chứ không cần quá căng thẳng với nhiều môn thi. Hầu hết các nền giáo dục trên thế giới cũng đều chọn cách làm này và kỳ thi lớp Mười đã bị xóa sổ từ hơn nửa thế kỷ trước. Trước năm 1975, ở miền Nam cũng đã bãi bỏ kỳ thi này.

Thế nhưng đến nay, nhiều địa phương ở nước ta vẫn duy trì kỳ thi lớp Mười với lý do “nếu không tổ chức thi thì các em không chịu học, kết quả ngày càng sa sút”. Cách nói này cho thấy chúng ta đang hiểu rất lệch lạc rằng, học để thi chứ không phải “học để biết, để làm, để chung sống và để khẳng định mình” như UNESCO đề xướng.

Trọng Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI