Kỳ thị bao trùm cộng đồng LGBTQ+ châu Phi

10/01/2024 - 17:03

PNO - Dù bị dư luận quốc tế lên án gay gắt, luật chống đồng tính đã nhận được sự ủng hộ ở nhiều nước tại châu Phi.

Một ngày cuối tháng 10/2023, khi đang mua sắm, Arianna - một phụ nữ chuyển giới ở Uganda - nhận được cuộc gọi cảnh báo rằng hàng xóm của cô đã xem một video TikTok đưa tin sai sự thật rằng cô đã ép 1 nam thanh niên uống một loại thuốc hoóc môn. Khi cô về nhà, một đám đông giận dữ đang tụ tập bên ngoài. “Khi vừa nhìn thấy tôi, họ bắt đầu túm lấy, đánh đập và hét lên rằng tôi cần phải chết. Điều duy nhất tôi nhớ tiếp theo là việc mình đã tỉnh dậy trong bệnh viện" - Arianna kể.

Arianna tại ngôi nhà an toàn cùng 20 người chuyển giới khác ở ngoại ô Kampala, Uganda - Nguồn ảnh: The Guardian
Arianna tại ngôi nhà an toàn cùng 20 người chuyển giới khác ở ngoại ô Kampala, Uganda - Nguồn ảnh: The Guardian

Arianna bị đánh đập đến mức hôn mê suốt 2 tuần. Hiện cô đang ở nơi được xem là "ngôi nhà an toàn" cùng với 20 người chuyển giới khác tại ngoại ô Kampala, Uganda. Đó là một không gian chật chội với những tấm nệm trải khắp sàn phòng ngủ. Những người sống ở đây cố gắng tránh sự chú ý của bên ngoài và nói chuyện nhỏ nhẹ để không khơi dậy sự nghi ngờ của hàng xóm. “Chúng tôi không có tự do. Tôi không thể đi chợ, không thể làm việc vì nếu ra ngoài, tôi sẽ trở thành mục tiêu tấn công" -  Arianna nói.

Cộng đồng LGBTQ+ từ lâu đã phải đối mặt với sự lạm dụng và tấn công ở Uganda - quốc gia được xem là có luật chống người đồng tính hà khắc nhất thế giới. Sự kỳ thị, quấy rối tăng vọt kể từ khi Tổng thống Yoweri Museveni ký một dự luật chống người đồng tính vào tháng 5/2023. Ngoài việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội “đồng tính luyến ái nghiêm trọng” còn có các điều khoản phạt tù chung thân và yêu cầu công dân phải thông báo cho cảnh sát nếu họ nghi ngờ ai đó “có ý định phạm tội đồng tính luyến ái”.

Ruthra - một người chuyển giới - nói luật này không chỉ khuyến khích những người kỳ thị người đồng tính thoải mái tấn công người LGBTQ+ mà không bị trừng phạt. Các thành viên của cộng đồng LGBTQ+ bị nhiễm HIV và các bệnh khác không còn được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vì các bác sĩ sợ điều trị cho họ. Saida Nakilima - luật sư của Diễn đàn Xúc tiến và Nhận thức nhân quyền (HRAPF) - cho biết: “Những người LGBTQ+ chưa bao giờ được bình yên ở Uganda và đạo luật này đã bật đèn xanh cho các cuộc tấn công của những người kỳ thị người đồng tính”. 

Vụ mới nhất xảy ra vào ngày đầu năm mới 2024 khi một người đồng tính trẻ tuổi - Steven Kabuye - bị những kẻ đi xe máy tấn công bằng dao. Trước khi được đưa đến bệnh viện, Kabuye đã quay lại cảnh mình nằm trên đường, cẳng tay bị chém và lưỡi dao vẫn còn cắm vào bụng.

Dù bị dư luận quốc tế lên án gay gắt, luật chống đồng tính đã nhận được sự ủng hộ ở những nơi khác tại châu Phi. Tháng trước, Tổng thống Burundi ông Évariste Ndayishimiye nói rằng những người đồng tính nên bị vây bắt và ném đá. Quốc hội Ghana đang tranh luận về dự luật có mức án 10 năm tù đối với những người ủng hộ quyền LGBTQ+.

Ở Kenya, Tổng thống William Ruto đang tranh cãi với tòa án tối cao về phán quyết cho phép các nhà hoạt động đăng ký hợp pháp các nhóm LGBTQ+. Năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ các nhà hoạt động ở Zambia vì ủng hộ quyền LGBTQ+, trong khi những người đồng tính nam ở Ethiopia phải đối mặt với các cuộc tấn công bạo lực trong bối cảnh hàng loạt video lăng mạ trên TikTok kêu gọi lột trần, đánh đòn và thiêu sống người đồng tính.

Các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo châu Phi đã nhiều lần coi đồng tính luyến ái là sản phẩm du nhập của phương Tây, không phù hợp với các giá trị truyền thống của họ. Chính điều này đã khiến những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ luôn phải sống trong sợ hãi.

Vinka - một phụ nữ chuyển giới - đã bị hàng xóm đánh đập vào tháng 7/2023. Cô trốn đến một ngôi nhà an toàn vào tháng Tám, nhưng một đám đông đã phát hiện ra ngôi nhà và mang theo dây thừng, xăng để đốt nơi này, bắt ép mọi người đến đồn cảnh sát. Vinka sau đó phải ngồi tù 1 tháng, nơi cô bị các tù nhân khác cưỡng hiếp tập thể nhiều lần. Đó là lần thứ bảy cô bị giam giữ.

Năm nay 23 tuổi, ước mơ của Vinka là học xong phổ thông và theo học ngành tâm lý tại trường đại học, nhưng sự kỳ thị nặng nề cứ đeo bám cô. “Chúng tôi bị đối xử như thể chúng tôi chẳng là gì cả. Nhưng tôi cũng là con người mà" - Vinka nói. 

Thu Thanh (theo The Guardian, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI