Kỳ thi bảo chứng cho sự sẵn sàng trước những thử thách tương lai

07/07/2021 - 06:41

PNO - Kỳ thi không đơn giản chỉ đơn thuần kiểm tra trí tuệ học sinh. Nó phải giúp đánh giá toàn bộ quá trình hoàn thiện bản thân của một con người.

Hôm nay 7/7, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã chính thức diễn ra đợt 1 trên toàn quốc, hơn một triệu thí sinh đang bước vào thử thách đầu tiên với hai môn ngữ văn và toán. Do ảnh hưởng bởi COVID-19, có hơn 11.500 em tại 39 tỉnh, thành trong cả nước phải tham dự đợt 2. Riêng TP.HCM, trong đợt 1 có khoảng 88.000 học sinh lớp 12 bước vào 155 hội đồng thi, và khoảng 1.200 em phải chờ đợt thi thứ 2.

Rõ là một kỳ thi quá đặc biệt. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức khó lường, người lớn vô cùng lo lắng và chuẩn bị mọi biện pháp bảo đảm an toàn, cũng như đắn đo trước những hậu quả khi quyết định tổ chức kỳ thi, hơn ai hết, phụ huynh và các em học sinh hiểu một cách rõ ràng về sự kiện mang tính bước ngoặt đời mình.

Thông qua cha mẹ, phần lớn thí sinh tại “tâm dịch” TP.HCM đã thể hiện nguyện vọng được thi ngay trong đợt 1. Trước đó, nhiều cô cậu học trò đã nhắn tin cho nhau, dự đoán đề thi ngữ văn liệu sẽ có một câu bình liên quan đến COVID-19? Đại dịch chắc chắn đã mang đến quá nhiều diễn biến khác nhau trong tâm trạng của mọi người. Trong đó, người trẻ đã phải sớm đứng trước những câu hỏi về cuộc nhân sinh, đặc biệt là trong những tháng ngày thực thi giãn cách xã hội. Vì vậy nếu sự kiện COVID-19 thực sự xuất hiện trong đề thi, nhiều người bày tỏ cảm giác háo hức muốn biết suy nghĩ của con em mình sẽ thể hiện như thế nào trong phần bài làm, về một vấn đề mang tính thời cuộc như vậy. Các dữ kiện trên một lần nữa cho thấy, đại dịch gieo bao đau thương, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều thứ trở về đúng ý nghĩa: vì sao nó tồn tại? 

Ai trong chúng ta cũng có những trải nghiệm “đau thương” khi bước chân vào phòng thi. Ngồi vào chiếc bàn có số báo danh của chính mình, trước mặt là tờ giấy trắng, lòng bàn tay chúng ta ướt đẫm mồ hôi chờ đợi những câu hỏi khó nhằn và đầy thử thách… 

Cảm giác khi đó khiến mọi người chợt “tâm đắc muộn màng” lời khuyên của thầy cô, rằng “bản thân một kỳ thi không quan trọng bằng cả quá trình học tập”. Người ta sử dụng các kỳ thi để dạy học sinh các phương cách trở thành “người học tốt”. Thế hệ học trò bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hôm nay đã có sự chuẩn bị đó. “Bóng ma” COVID-19 cho các em cơ hội thực hành đòi hỏi thật của một kỳ thi suốt thời gian ôn tập trong điều kiện giãn cách xã hội, xen lẫn sự nơm nớp hoãn thi do biện pháp “phong tỏa” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Một lần nữa, các kỳ thi không đơn giản chỉ đơn thuần kiểm tra trí tuệ học sinh. Khoa học giáo dục tiên tiến với quan điểm một kỳ thi phải giúp đánh giá toàn bộ quá trình hoàn thiện bản thân của một con người. Ngoài kiến thức tổng quát, nhận thức xã hội của học trò ngày càng được đánh giá cao. Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 năm nay trao cơ hội thể hiện triết lý đó cho cả ngành giáo dục. Phần các em học sinh tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, sự tự tin bước vào kỳ thi với tất cả nhiệt huyết nhằm bảo đảm thành công trong công tác thi cử và phòng, chống dịch bệnh đã chứng minh những sự chuẩn bị tinh thần, ôn luyện tốt trước kỳ sát hạch.

Trên hết, từ sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, tất cả học sinh càng thấu hiểu rằng, bất kỳ kết quả nào cũng không thể quyết định 100% cuộc đời hoặc khả năng thật của mỗi người. Việc các em can đảm trải qua những ngày tháng ôn tập thấp thỏm và bước vào kỳ thi căng thẳng hơn bất cứ kỳ thi nào trước đây, càng cho thấy giá trị của các công dân tương lai: không hoảng sợ và sẵn sàng cho những thử thách phía trước! Vượt lên cả điểm số và kết quả tuyển sinh dẫu có thế nào, thì trước hết các em đã thực sự vượt qua chính mình. Và đó mới chính là điều kiện cần để những cánh cửa đại học, hoặc những “lối rẽ vào đời” khác thênh thang mở ra.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI