Mới vừa lên sóng hai tập, chương trình Kỳ tài thách đấu (KTTĐ) đã gây khó chịu vì không thấy kỳ tài, chỉ thấy… kỳ kỳ.
Được Việt hóa từ Ching roy ching lan - Wow Wow Wow của Thái Lan, KTTĐ chủ yếu khai thác khả năng ứng biến của các nghệ sĩ để tạo ra tiếng cười. Nhưng tiếng cười ở KTTĐ mùa 2 đang trở nên nhảm và nhạt.
|
Đàn ông có bầu - tiểu phẩm hài “kỳ cục” của Kỳ tài thách đấu |
Bốn nghệ sĩ chính xuyên suốt chương trình gồm Chí Tài, Việt Hương, Trấn Thành và Trường Giang. Còn lại là 60 khách mời gồm những nghệ sĩ nổi tiếng ở các lĩnh vực hài kịch, phim, ca nhạc, cải lương…
Ngoài phần biểu diễn của những tài năng đặc biệt về võ thuật, xiếc… thì phần lớn thời lượng chương trình là sự phối hợp ngẫu hứng giữa khách mời và chủ nhà trong các trò chơi vận động, biểu diễn tiểu phẩm.
Với kết cấu đó, tên gọi “Kỳ tài” của chương trình đã có phần kỳ. Qua hai tập đầu, không biết kỳ tài là ai trong số bốn nghệ sĩ chính ở trên và các khách mời Nam Em, Hải Triều, Huỳnh Lập, Thanh Hằng, Lê Giang, Hoàng Sơn?! Dù kỳ tài chưa thể nhận diện, cảm giác khó chịu đã xuất hiện ngay sau phần giới thiệu - khán giả cảm giác như đang xem các nghệ sĩ đùa giỡn với nhau hơn là xem một chương trình truyền hình. Mạnh ai nấy nói cười, nhảy nhót, ca hát chế lời… vô tội vạ.
Tất nhiên, theo định dạng, nghệ sĩ có thể thoải mái trò chuyện nhằm mang cảm giác gần gũi, chân thật đến cho người xem. Bản thân nghệ sĩ, khi diễn theo lối ứng biến, đôi khi do cao hứng, có thể sẽ khó làm chủ cảm xúc.
Nhưng, nếu nghệ sĩ thiếu bản lĩnh tự tiết chế thì host - người cầm trịch chương trình - phải kiểm soát dung lượng và điều hướng các cuộc đối thoại, tung hứng ấy. Đội ngũ đạo diễn, biên tập cũng cần khống chế để mọi thứ không đi quá đà. Chương trình được quay hình, phát lại nên việc thẩm định, chọn lọc chi tiết để dàn dựng và đưa lên sóng là điều quan trọng và hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Tất cả những điều này gần như đã bị bỏ quên ở KTTĐ. Những cuộc đối thoại vô thưởng vô phạt cứ thế tuôn ra. Nghệ sĩ nghĩ gì nói nấy, thích gì làm nấy, kể cả lê lết trên sàn hay vạch áo phơi bụng trên màn hình - những thứ ngay cả xuất hiện ở chốn hậu trường cũng đã có phần khó coi.
Chuyện Trường Giang xin Chí Tài đôi giày nhưng không được, trong khi Chí Tài lại tặng giày cho Nam Em; chuyện Trấn Thành và Hari Won từng bị phát hiện khi đi ăn khuya ở Q.6… cũng có thể thành đề tài để các nghệ sĩ, diễn viên tranh luận, “chặt chém” nhau. Thậm chí việc một diễn viên móc điện thoại vờ gọi điện và gọi tên người yêu cũ của diễn viên vừa kết hôn cũng được đưa lên sóng truyền hình thì có vẻ khán giả đang bị xem thường quá mức.
Ngay cả những phần thi thố cũng đặt người chơi vào tình huống phải nói những câu “khó đỡ” như: “Nụ hôn đầu đời của chị là người đàn ông mấy tuổi?”, “Ba người đàn ông nào em hôn trước khi em lấy chồng?”, “Kể ba người con gái trước khi em lấy vợ”, “Em đã ngoại tình bao nhiêu lần?”…
Chưa hết, ở tập 2, ngay cả host Trường Giang cũng quá lố khi lấy việc phẫu thuật thẩm mỹ của diễn viên Lê Giang làm tâm điểm gây cười. Hết hỏi Lê Giang đã phẫu thuật thẩm mỹ những bộ phận nào, Trường Giang lại “móc máy” Lê Giang phản ứng chậm do bị gây mê nhiều lần khi phẫu thuật và lặp đi lặp lại hai chữ “hàng giả” khi đối thoại hoặc nhắc đến Lê Giang.
Sự dễ dãi trong xây dựng chương trình càng khó chấp nhận hơn ở phần phối hợp biểu diễn tiểu phẩm. Dẫu khách mời lẫn người chơi chính đều là những tên tuổi ít nhiều đã có chỗ đứng trong lĩnh vực biểu diễn, các tình huống hài đưa ra vẫn cứ nhạt nhòa, nghệ sĩ như đang giỡn nhiều hơn diễn.
Đỉnh điểm của sự khó chịu là tiểu phẩm đàn ông mang bầu ở tập 2 - vợ chồng chửi mắng nhau mày-tao-mi-tớ loạn xạ. Phản cảm hơn, việc đòi hỏi chuyện vợ chồng khi một người đang mang bầu lại được nhai đi, nhai lại trên sóng truyền hình.
Nhiều lần, khi bị khán giả phản ứng trước những trò lố - hậu quả của việc cho phép nghệ sĩ “ứng biến” nhằm tạo tiếng cười, các nhà sản xuất luôn “rút kinh nghiệm”, hứa sẽ “kiểm soát kỹ hơn để không lặp lại những điều từng bị khán giả phản ứng”. Nhưng rồi mọi việc vẫn xảy ra, bằng cách này hay cách khác trước sự chán ngán của khán giả.
Tiếng cười luôn là món ăn tinh thần cần thiết cho cuộc sống, nhưng khi nhiều đơn vị đang cố tìm những hướng đi mới, cho ra đời những chương trình hài có chất lượng và nghiêm túc hơn thì tiếng cười ở KTTĐ lại quá dễ dãi.
Kiểu chương trình hài tương tác đến nay đã khá nhiều trong khi các nghệ sĩ khách mời quanh quẩn chỉ chừng đó tên tuổi, trách sao nghệ sĩ không tự bào mòn, “cào cấu” chính mình và khiến sự kỳ cục ngày càng “nặng đô”.
Dù theo định dạng nào đi nữa, Kỳ tài thách đấu là chương trình được xây dựng để phát sóng cho hàng triệu khán giả, không phải chốn “trà dư tửu hậu” để bày biện những cuộc đối thoại, các trò nghịch ngợm theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa thiếu kiềm chế của nghệ sĩ.
Quân Nguyễn