Trong con hẻm phía sau chợ Lạc Quang, NSƯT Ngọc Dung đứng hơi khom người, nheo nheo mắt nhìn vào chiếc ô tô vừa đỗ lại. Phía trong này, NSND Kim Cương và NSND Bạch Tuyết từ tốn bước ra. Nhận ra hai vị khách quý, nữ nghệ sĩ “chủ nhà“ cuống quýt chạy đến, rồi chợt khựng lại như vừa sực nhớ ra điều gì. Cái ôm sắp sửa cũng ngưng lại. Họ đang gặp nhau giữa mùa COVID-19. Ngọc Dung hồ hởi chào “cô Hai“, “cô Ba“, rồi cập rập dẫn đường sang một con hẻm nhỏ hơn, vào nhà mình.
NSƯT Ngọc Dung nhất mực kính cẩn trước hai “cây đa cây đề“ NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết
Nhà của NSƯT Ngọc Dung là điểm đến đầu tiên của hai nữ Nghệ sĩ nhân dân trong chuyến thăm nom, tặng quà các nghệ sĩ hát bội đang gặp khó vì dịch bệnh. Căn nhà không xập xệ, nhưng buồn. Bốn bức tường phủ một màu trầm của nước sơn lâu ngày. Lúc này là buổi sáng. Nhưng chiếc bóng đèn treo trên thanh sắt tạm bợ bắt từ cửa sổ chĩa về hướng giữa phòng khách làm người ta liên tưởng đến một căn nhà thiếu sáng vào ban đêm. Bên thanh sắt, ngay góc cửa sổ là bức hình cũ, chụp NSƯT Ngọc Dung trong vai Điêu Thuyền, vở Phụng Nghi Đình. Thấy khách chăm chú, vị chủ nhà ngước lên giải thích: “Ảnh này Dung hóa trang tại nhà rồi chụp lại làm kỷ niệm thôi“.
Những xúc động lao xao buổi đầu gặp gỡ đã qua ngay khi NSND Bạch Tuyết hỏi: “Dung ở nhà lâu ngày vậy có nhớ nghề không?”. Nữ nghệ sĩ hát bội lừng danh quay sang sốt sắng: “con nhớ lắm cô!”. Lúc này, mọi người mới thực để ý cách xưng hô giữa NSƯT Ngọc Dung với hai vị. Khoảng cách tuổi tác giữa họ không quá xa. Giới nghệ sĩ sân khấu xưa nay vẫn nhất mực kính cẩn trước hai “cây đa cây đề“ Kim Cương, Bạch Tuyết.
Giống như nghệ sĩ Ngọc Điệp, trong cuộc hạnh ngộ thứ hai của buổi sáng này, bộc lộ: “Hôm Tết con xuống nhận quà thấy hai cô Bạch Tuyết, Kim Cương mà không dám lại chào“. Thế nhưng, cả cái cung kính tiền bối lẫn thái độ “biệt nhỡn liên tài“ có lẽ cũng không chi phối vào cái lối gọi “cô” xưng “con” tự nhiên như hơi thở đó. Vừa hay, Ngọc Dung nhoài người về phía Bạch Tuyết, nói: “Con quen xưng con từ hồi Lan Huệ sầu ai rồi, giờ bạc đầu cũng phải gọi cô xưng con thôi“.
Nghệ sĩ Kim Cương từng nhắc đến cơn cớ của những buổi gặp mặt của chuyến đi hôm đó: “dịch bệnh này cả thế giới đều khó khăn, nhưng có lẽ nghệ sĩ là khó khăn gấp bội, vậy nên nghe báo Phụ nữ mời cùng đi thăm và tặng quà cho các nghệ sĩ hát bội là tôi giơ hai tay hưởng ứng liền“. Nói là vậy, nhưng đối diện nhau, họ chỉ bừng lên cái cảm hứng chưa từng gián đoạn với những mảng miếng, lớp diễn. Vừa vào căn nhà trọ chật chội với mấy chiếc ghế nhựa xếp sẵn ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12; NSND Kim Cương hồ hởi khoát tay về phía vị chủ nhà, nói: “Thôi, đào chính ngồi đi đã!”. Nghệ sĩ Ngọc Điệp cũng hết bối rối.
Đào chính Ngọc Điệp hạnh ngộ cùng NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết
Chuyến thăm để chia sẻ khó khăn, nhưng lại như một chuyến “lưu diễn“ vào quá khứ, lên sân khấu, “du hành“ khỏi những khốn khó đang bị nhân lên bởi dịch bệnh. Lúc đó, tư gia tạm bợ không khiến nghệ sĩ Ngọc Điệp ngượng ngùng nữa, chị đang là “đào chính“. Cũng như NSƯT Ngọc Dung thoắt biến thành “bé Cẩm Tú” của Lan Huệ sầu ai khi sốt sắng hỏi NSND Bạch Tuyết: “Cô có nhớ hồi mình diễn bé Cẩm Tú với Lan không, hồi đó diễn trên sân khấu hai mẹ con ôm nhau khóc quá trời. Rồi tại sao mà đến khi diễn xong, ra cánh gà rồi hai cô cháu vẫn ôm nhau khóc. Sao mình khóc vậy cô?”. Bạch Tuyết nhớ rõ mồn một: “Tại hồi đó thấy con nhỏ xíu mà diễn khóc quá trời, cô thương quá nên ra tới cánh gà còn ôm khóc, rồi con khóc theo…”.
Chuyện xưa khiến NSND Bạch Tuyết tâm đắc bật ra một câu khen ngợi: “Ngọc Dung múa Lục Vân Tiên rất đẹp. Là múa, không phải hát bội đâu nha!”. Bất ngờ, nữ NSƯT đứng thoắt dậy, vào vai lão bà lúc giáp mặt Lục Vân Tiên: “Ô, nói vậy người đây là…”. “Lão bà“ thoắt cái bước sang đứng đối diện, vào vai Lục Vân Tiên, tay múa chân đi. “Dạ kính thưa lão mẫu/ Như tôi đây là Quốc trạng nguyên nhung bình phiên đại soái/ Ra biên quan phục mạng triều đình/ Xua quân dốc lòng trừ giặc Ô Qua/ Đem lại cho thứ dân một cuộc sống an hòa/ Vừa ra đến biên thùy đụng ngay đại binh của giặc/ Trống đánh chiên khua trận chiến lở đất long trời”.
Một Ngọc Dung ra bộ chuẩn từng lời văn, linh hoạt và khoan thai, uy nghiêm và dày dạn của sân khấu Việt như hiện ra mồn một giữa căn nhà cũ kỹ, với những di vật của nghề còn kính cẩn treo đây đó trên tường. Bạch Tuyết đứng lên, lấy giọng mềm mại pha vài phần ảo não: “Lục Vân Tiên…!“. Ngọc Dung lập tức da diết một giọng nam trầm: “Kiều Nguyệt Nga…!”. Vở cải lương tiếp diễn xuất thần khi Bạch Tuyết say sưa: “Trên đường thiên lý gặp nạn tai…”.
NSND Bạch Tuyết và NSƯT Ngọc Dung vào vai Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên ngay giữa “sân khấu” đời thường - ảnh: Tam Nguyên
Những gì đang diễn ra giữa những nghệ sĩ đang tìm đến để hỗ trợ nhau, chỉ khiến người ta nhớ đến một thời hoa mộng của sân khấu. Khi đó, Ngọc Dung 13 tuổi đã theo đoàn Dạ Lý Hương, được “cô Bạch Tuyết“ (khi ấy cũng chỉ hai mấy tuổi), kẻ cho từng cái chân mày, búi cho từng kiểu tóc. Khi ấy, “Bạch Tuyết đang còn đi học thì đã nghe trên đài tiếng tăm lừng lẫy của Kim Cương“. Họ đã nhìn nhau để yêu, để sống với nghề. Lúc này, nhìn Ngọc Dung diễn, NSND Kim Cương vẫn giữ giọng nói chân thành của một người chị: “Ngọc Dung hát vầy mới là hát cải lương. Các em trẻ sau này ra bộ không còn chuẩn, họ quơ tay quá nhiều…”.
Rồi trong một câu chuyện nghề nghiệp đang quá hào hứng, NSND Kim Cương đưa tay sờ lên mái tóc: “Mấy nghệ sĩ mình là vậy, dù tóc có bạc hết, mọi thứ già đi, thì nhắc tới nghề vẫn cứ sôi nổi, còn con tim vẫn cứ 18 tuổi“...
Thương bù lại những tình thương đời thường
Lúc sắp rời khỏi nhà nghệ sĩ Ngọc Điệp sau câu chuyện nghề liên tục được gợi lại, NSND Kim Cương như sực nhớ mà quay sang hỏi Ngọc Điệp: “Con trai Điệp có còn đánh trống ở nhà hát không?”. Ngọc Điệp bình thản nói: “Nay nhà hát đóng cửa, nó cũng nghỉ, về đi làm hồ ở bển đó cô“. Nghệ sĩ Ngọc Điệp chỉ tay về phía trước nhà, như thể con trai bà đang phụ hồ ở đâu cánh đó. Trong căn nhà thuê mỗi tháng 3 triệu đồng, cái giọng bình thản của bà như gợi về một thực tế trớ trêu của những nghệ sĩ sân khấu. Tình yêu nghề giúp họ thăng hoa cống hiến, nhưng lắm khi không cứu được họ khỏi cái nghèo.
Cái điềm tĩnh đó tôi từng nghe trong giọng kể của ông Đoàn Văn Minh - chồng NSƯT Ngọc Khanh. Chúng tôi vào đến ngôi nhà của hai vợ chồng ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi sau khi đi bộ qua một cánh đồng. Căn nhà nhỏ xíu, nằm giữa ruộng rau muống. Từ trước hiên, căn nhà đã bộc lộ màu sắc sân khấu trên những chiếc mũ mão xếp chồng lên nhau. Một mảng vải được căng hai đầu, lấp lánh kim sa hạt lựu đang đính dở - nhìn như một mảnh của chiếc áo tuồng. Đó, là sản phẩm từ “nghề tay trái“ của gia đình này. Còn thực tế, là cả vợ chồng, con cháu của NSƯT Ngọc Khanh đều theo nghề hát bội.
“Bà bầu Ngọc Khanh“ là một trong những bà bầu hát bội hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn, với Đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh. Thế nhưng, khi tôi hỏi “sao cô chú lại chọn sống ở xa thành phố thế này“, ông Đoàn Văn Minh bình thản nói: “Xưa ở quận 1 lận. Mà rồi bán nhà, ra quận 8 ở. Cách đây 8 năm hai vợ chồng bán tiếp nhà quận 8, dạt về chỗ này. Hồi đó bán nhà, là để nuôi nghề hát bội“.
Niềm vui sum họp trong ngôi nhà của NSƯT Ngọc Khanh - ảnh: Tam Nguyên
Phải “bán nhà làm hát bội“ có lẽ là chuyện thường, nên khi nghe nói có NSND Kim Cương và NSND Bạch Tuyết đến thăm, NSƯT Ngọc Khanh bỏ tên mình ra khỏi danh sách nhận hỗ trợ. Đến khi các nghệ sĩ trong đoàn ý kiến, chị mới lại đưa tên mình vào. Gia đình có 3 người con và cháu ngoại, cháu dâu theo nghiệp diễn viên. Người vợ làm “bầu“ từ năm 1990, từ dạo đó, người chồng cũng theo nghiệp, đảm nhiệm hậu đài. Bao nhiêu năm tháng đi ngược về xuôi, diễn không biết bao nhiêu đình chùa, lễ hội, có ngày chạy 4 “show“ ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu… Ngày rảnh, cả nhà bắt tay làm trang phục, mũ mão bỏ mối cho Chợ Lớn. Tất bật thế, mà vẫn nghèo.
Đối diện hai “đàn chị“ trong nghề, NSƯT Ngọc Khanh nói: “Hai cô lặn lội xuống tới đây thăm, con thiệt không biết lấy gì để cảm ơn. Nghề của tụi con chủ yếu có được một mùa tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư âm lịch. Năm nay dịch bệnh vầy thì bó tay. Tụi con cũng làm trang phục thủ công để bỏ cho chợ Lớn, nhưng cửa hàng cũng đóng cửa. Từ Tết đến giờ, có gì bán được con cũng đem ra bán dần mới có cái mà nuôi gia đình…”. NSND Bạch Tuyết nói: “Người ta nói một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ đó em. Các em khó khăn thì chị em trong nghề không ai vui vẻ được…”. Nói đến đây, nữ nghệ sĩ lại rưng rưng. Nén cơn xúc động, bà nói thêm: “Nghề của mình cũng như mọi thứ trên đời này. Con nước cũng có nước ròng, nước lớn. Quan trọng là tinh thần mình thế nào trong kỳ nước ròng, để vượt qua mà đến được với mùa nước lớn, em ơi!”.
Chuyện nghề rồi cũng như chuyện đời. Cuộc gặp gỡ giữa các kỳ nhân giữa mùa dịch bệnh như đồng hiện tất cả những “gương mặt” đời sống trong một người nghệ sĩ. Có đam mê, khao khát, quyết liệt, và có cả trắc ẩn, hoài nghi, do dự… Ở đó, những nghệ sĩ đàn chị chân thành chỉ có thể xác quyết lại một niềm tin (ở cả đời và nghề), bằng chính những năm tháng mình đã sống và “tiền trạm“. Chị em nghệ sĩ ngồi lại với nhau, khi thân tình đến tận cùng, vẫn bật ra những tâm sự đời thường. Gương mặt sân khấu và gương mặt cuộc đời không phủi bỏ nhau. Người mẹ ôm đứa con khóc thảm như kịch bản, vẫn còn tức tưởi khóc ngoài cánh gà khi cả hai chỉ còn là những người bạn diễn. Tiếng nói đời thường đã cất lên đâu đó, vô tình thôi, giữa họ. Cái đời thường quý giá đến mức, khi đã bôn ba hết đời với nghề, NSND Kim Cương phải bật ra trong tiếng khóc nghẹn: “Sao khán giả không thương nghệ sĩ như người bình thường. Nếu vậy, nghệ sĩ đâu đến nỗi khổ?”.
Những cử chỉ thân tình phải tiết chế giữa mùa dịch bệnh. Nhưng đến cuối buổi, các nghệ sĩ chủ nhà phải xin phép để được siết tay NSND Kim Cương và NSND Bạch Tuyết trong cuộc hạnh ngộ bất ngờ - ảnh: Tam Nguyên
Buổi trưa từ biệt gia đình NSƯT Ngọc Khanh, NSND Kim Cương vội vào xe trước, rồi một mình khóc nghẹn. Lúc chạm mặt chúng tôi, bà nói: “Cô cứ muốn làm gì đó cho anh em nghệ sĩ. Họ rất hiếm có những tình cảm đời thường. Khán giả yêu quý họ trên sân khấu, nhưng có khi gặp nhau ngoài đời thường lại không dám chào - vì ngại.
Mình phải làm sao để các nghệ sĩ sống được như một người bình thường, được yêu thương bình thường trong cuộc sống quá ngắn ngủi này”. Nói đoạn, bà lau nước mắt rồi bằng một giọng bình tĩnh hơn, bà thả ra một câu: “Thương nghệ sĩ lắm! Sau năm tháng, nghề cũng không còn sắc sảo, mọi thứ già đi, nhưng trái tim của họ vẫn cứ như ngày đầu, vẫn say mê, vô tư, vẫn sẵn sàng cháy hết mình như ngày đầu…”.
Có lẽ, những nỗi niềm này là lý do mà chị Hai Kim Cương và chị Ba Bạch Tuyết có mặt ở nơi này, để thương bù lại cái tình thương đời thường vốn thiếu khuyết ở những “đàn em“...
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.