Ký sự "Thành phố hồi sinh": “Vắc-xin” yêu thương không ngừng lan tỏa

11/11/2021 - 07:52

PNO - Thành phố hồi sinh mang một không khí tươi sáng, lạc quan bởi những nhân vật được đề cập trong ký sự đã vượt qua thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến COVID-19.

Tiếp nối những phim tài liệu về dịch COVID-19 như Ranh giới, Ngày con chào đời, Bình yên con nhé, Chuyện ở thành phố thức, VTV lại mang đến cho người xem một phác họa khác về cuộc sống nơi tâm dịch TP.HCM sau khi nới lỏng giãn cách thông qua 10 tập Thành phố hồi sinh (15 phút/tập, phát trên VTV lúc 7g30 từ thứ Hai đến thứ Sáu). 

Không còn lấy đi nhiều nước mắt khán giả, Thành phố hồi sinh mang một không khí tươi sáng, lạc quan hơn bởi những nhân vật được đề cập trong ký sự đã vượt qua thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến COVID-19, đang từng ngày nỗ lực thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”.

Vẫn là những nhân vật từng được các phim trước đề cập như người lao động, lực lượng y bác sĩ, tình nguyện viên, trẻ em, doanh nhân, nhưng đạo diễn - quay phim Nguyễn Hoàng Long đã cố gắng tìm góc khai thác mới, những câu chuyện mới để vẫn toát lên tinh thần “vắc-xin” yêu thương chính là chìa khóa chiến thắng dịch bệnh. 

Cảnh sản phụ vượt cạn trong sự giúp đỡ của những người không quen biết trên chuyến tàu về quê khiến người xem cảm nhận “vắc-xin” yêu thương vẫn lan tỏa
Cảnh sản phụ vượt cạn trong sự giúp đỡ của những người không quen biết trên chuyến tàu về quê khiến người xem cảm nhận “vắc-xin” yêu thương vẫn lan tỏa

Đó là tâm tư của đội ngũ y bác sĩ trước khi trở về nhà sau mấy tháng sát cánh cùng TP.HCM chống dịch, là chuyện về những tình nguyện viên tôn giáo vẫn ở lại các bệnh viện để tiếp tục giúp y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, về đội ngũ truy vết nhưng không phải tìm F0 mà là tìm người nhà bệnh nhân, hay chuyện các F0 trở thành tình nguyện viên sau khi đã khỏi bệnh. 

Nghe trăn trở của bác sĩ Vũ Xuân Tùng - Phó Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình - về việc giá như đoàn mình đông hơn để có thể giúp được nhiều bệnh nhân hơn; hay tâm sự thật lòng của giảng viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam Nguyễn Minh Nam, rằng đây là chuyến đi học hỏi được rất nhiều điều; người xem càng cảm thấy trân trọng và biết ơn những gì lực lượng tuyến đầu đã làm cho người dân thành phố. Bởi như bác sĩ Vũ Xuân Tùng, khi vào TP.HCM chống dịch, con anh chỉ mới chào đời được 10 ngày. Sau 81 ngày đêm vất vả trở về, anh phải cách ly tập trung hai tuần nữa, thế là ngót nghét 100 ngày mới gặp được con. 

Ống kính máy quay cũng hướng đến các thai phụ, sản phụ, trẻ mồ côi, nhưng câu chuyện không còn quá bi thương như trong Ranh giới, Ngày con chào đời, Bình yên con nhé nữa, mà “có hậu” hơn, vì tất cả họ đều nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền, cộng đồng. Hình ảnh các hành khách không ai bảo ai, tự rút ít tiền túi giúp sản phụ Nguyễn Thị Nhâm bất ngờ sinh con khi đang trên tàu về quê (tập 6 Chuyến tàu yêu thương) khiến người xem xúc động. Chị là công nhân ở Đồng Nai, một mình về quê sinh nở, trong khi chồng vẫn ở lại Đồng Nai làm việc. Trở dạ khi không có người thân bên cạnh, nhưng chị không cô đơn, vì nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người không quen biết trên tàu. 

Trailer Thành phố hồi sinh:

 

 

Chia sẻ cảm xúc khi thực hiện những thước phim trong Thành phố hồi sinh, đạo diễn - quay phim Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Vì công việc, năm nào tôi cũng vào TP.HCM, nhưng quãng thời gian từ ngày 25/7 đến 15/10 tác nghiệp tại đây, tôi cảm nhận rõ hơn về sức sống mạnh mẽ của thành phố, thông qua những nhân vật mà tôi gặp gỡ, ghi hình. Dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của mọi người, dù giàu hay nghèo, dù là người lao động hay chủ doanh nghiệp, nhưng tất cả đều có tinh thần vượt khó đáng nể, và niềm tin mãnh liệt vào sự hồi sinh. 

Nhân vật tôi ấn tượng nhất là anh Nguyễn Văn Khoe, ngụ ở xóm trọ Xuân Hà (P.16, Q.8). Vợ chồng Khoe thất nghiệp do dịch bệnh, phải trải qua 123 ngày giãn cách không có thu nhập. Nhìn giọt nước mắt rơi trên gương mặt một thanh niên trẻ khỏe như Khoe, không ai có thể cầm lòng.

Có nỗi đau nào hơn khi mình có sức khỏe, khao khát được lao động, nhưng vì dịch bệnh nên đành bất lực. Mười tập phim là những câu chuyện không dễ nói hết bằng lời, về những khó khăn mà dịch bệnh để lại, nhưng tinh thần vượt khó là truyền thống của người Việt. TP.HCM trong khó khăn sẽ càng hồi sinh mạnh mẽ, tôi tin như vậy”. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI