“Kỹ sư” nấu cơm nhà mình

07/02/2023 - 11:31

PNO - Ba tôi chữa được nồi cơm sống, chữa cơm bị khê nên ông tự nhận mình là “kỹ sư” nấu cơm.

Dạo này, ở nhà tôi, người đảm nhận việc nấu cơm là ba. Cơm ba nấu luôn đổ vừa lượng nước, hiếm khi bị nhão, bị khô. Ba còn chữa được nồi cơm sống, chữa cơm bị khê nên ông tự nhận mình là “kỹ sư” nấu cơm. Lần đầu nghe “chức danh” ấy, cả nhà đều bật cười.

Chuyện là, cái nồi cơm điện đột nhiên trở chứng, nấu nhiều một chút sẽ tự động bật lên. Cứ mười bữa tôi vào nấu là hết chín bữa cơm sống, hạt gạo nở sượng. Tôi gọi với lên “cơm sống rồi ba ơi”.

“Kỹ sư” nấu cơm sẽ có mặt cùng với tô nước nóng và đôi đũa, ba đổ tô nước vào nồi cơm, xới đều lên, bật lại chế độ nấu rồi đậy kín. Cơm sẽ chín, tuy hơi ướt. Bữa đó cả nhà ngồi ăn cơm vui vẻ và nghe “kỹ sư” kể lại chiến công đã chữa nồi cơm sống thế nào. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Shutterstock

Tôi là con gái lớn nên kỷ niệm về ba mẹ luôn nhiều và sâu sắc hơn mấy đứa em. Ba tôi chăm vợ, chăm con khéo léo, kỹ càng, đầy yêu thương và nhẫn nại. Hồi đó, mỗi lần mẹ sinh em bé, ba là người đi chợ, nấu ăn. Nhắm mắt mường tượng, tôi vẫn nhớ mùi vị món đậu hũ chiên của ba. Ba chiên giòn đậu hũ rồi bỏ đường vào đảo nhanh, thêm xíu nước mắm, đậu giòn, ngọt, ăn bắt cơm vô cùng. Tôi và em trai vừa ăn vừa sợ hết.

Nghĩ lại, chuyện bếp núc, hình như tôi học từ ba nhiều hơn từ mẹ. Ba luôn dạy làm gì cũng phải khoa học, phải vận dụng “trí não”.

Ví dụ như nhóm lửa, ba chỉ cách nhóm làm sao để lửa đỏ nhanh mà không bị khói làm cay mắt, không sử dụng chất đốt hay chất làm mồi độc hại. Ba làm mẫu rồi dặn, con phải chẻ củi ra thật nhỏ, đặt một thanh củi vừa theo chiều ngang để làm đế, sau đó xếp những thanh củi nhỏ lên trên theo đường chéo, tiếp đến là những thanh củi lớn hơn. Lửa sẽ bén từ thanh củi nhỏ và lan dần lên củi to; khoan chất củi vào nhiều quá, sẽ gây bí, phải có độ thông thoáng thì lửa mới bắt nhanh.

Nấu ăn, phải lựa món nào nấu mất thời gian thì nấu trước, trong thời gian chờ đợi, ta sẽ chuẩn bị các món tiếp theo. Mùa đông nấu món nào trước món nào để bữa cơm dọn ra vẫn đủ độ nóng và ngược lại, mùa hè ưu tiên nấu canh trước để tới bữa dọn cơm, canh nguội dễ ăn…

Ba mẹ tôi là dân buôn bán nhưng không làm ăn kiểu bất chấp để có lợi nhuận. Ba luôn được mọi người tôn trọng nhờ uy tín và hiểu biết. Tôi để ý thấy trong xóm hay họ hàng nội ngoại, nếu có việc gì quan trọng hoặc liên quan đến cúng bái, lễ nghĩa, mọi người sẽ hỏi ý kiến ba tôi. Ba cũng hài hước, vui vẻ, nói chuyện cuốn hút, có chiều sâu. Em út, cháu chắt trong gia đình, hễ có chuyện chi khúc mắc đều ới ba để tâm sự, tìm lời khuyên. 

Ba coi trọng tri thức nên luôn khuyến khích việc học tập của 6 chị em tôi, luôn muốn con cái học hành đến nơi đến chốn. Dẫu tính cực kỳ tiết kiệm, nhưng nếu liên quan đến học hành của chúng tôi thì ba sẽ không tiếc. Nhớ hồi đó, chuyện mua sắm dường như xa xỉ, tôi xài chiếc cặp từ lớp Một tới lớp Năm, tới khi cũ nát không thể khâu vá được mới thôi.

Thế nhưng, ba sẵn sàng ra tận Đông Hà, ghé nhà sách lớn nhất lúc đó, mua những cuốn sách tham khảo, sách nâng cao cho chúng tôi. Ba bảo kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là căn bản, muốn giỏi hơn thì phải tìm hiểu thêm những dạng sách này. Ba học chỉ tới cấp II, thời đó cũng chẳng có mạng internet, không ai chỉ dạy bày vẽ nhưng tư tưởng của ba về việc học đã tiến bộ như vậy. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik

Tính tiết kiệm là nhược điểm nhưng cũng là ưu điểm của ba. Câu bất hủ của ba mà tôi hay nhắc đến mức bạn tôi cũng thuộc là “con người sống phải chân phương, bề ngoài không quan trọng, quan trọng là cái tâm tốt và phải có trí tuệ”.

Nhà tôi từ xưa đến giờ hiếm khi sắm đồ mới. Ba tôi khéo léo, có thể sửa chữa mọi đồ đạc trong nhà. Ở kho hàng phế liệu của mẹ, ba tận dụng xe đạp cũ mà người ta bán, từ 4, 5 chiếc xe cũ, ba sẽ lắp ráp, sửa lại thành một chiếc xe hoàn thiện.

Nhiều món đồ trong nhà đang xài đều là đồ “lắp ráp” như thế. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ nghe ai chê ba tôi ở nết ăn nết ở, có chăng là “phản ánh” sự tiết kiệm và nghiêm khắc mà thôi. 

Có nhiều chuyện cảm động về ba mà tôi được nghe từ người khác. Về hỏi lại, ba bảo chuyện cũ thì nhắc làm chi con. Tôi tôn trọng và xúc động, bởi đó là những câu chuyện ba cứu giúp người. Tuổi thơ khốn khó và buổi lập thân vất vả đã hình thành nên tính cách của ba bây giờ.

Hiểu được điều đó, tôi càng thương ba hơn. Lúc nào, tôi cũng tự hào và thấy mình may mắn, bởi là con gái của ba, tự hào là con gái của “kỹ sư” nấu cơm. 

Diệu Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI