May mắn vì… không bằng ai!
Cho đến lúc này, dù phạm vi sản xuất đã được mở rộng từ vùng ven biển cho đến tận miền Tây Nguyên đất đỏ, nhưng cả hai loại gạo từng đoạt giải “Gạo ngon thế giới” là ST24 và ST25 chẳng những không giảm giá mà còn tăng lên và luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Điều đó một lần nữa minh chứng cho giá trị cũng như tầm nhìn xa của kỹ sư Hồ Quang Cua trong định hướng nghiên cứu, lai tạo giống là phải “thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon” cách nay hơn 30 năm.
|
Kỹ sư Hồ Quang Cua (bìa trái) nhận danh hiệu Anh hùng Lao động |
Nhắc lại thành tựu này, ông khiếm tốn: “Trong cuộc sống, đôi khi trình độ của mình không bằng ai lại là một may mắn. Chẳng hạn như lúc Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế muốn chuyển giao một số giống lúa đột biến từ tia phóng xạ Gama nhưng không có viện, trường nào nhận. Khi họ mang đến Sóc Trăng thì chúng tôi nhận, dù lúc đó chưa biết nhận để làm gì. Nhưng về sau mới thấy, đây chính là một trong số những vật liệu lai rất quan trọng”.
Công trình lúa thơm ST cũng bắt đầu bằng sự may mắn khi ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp trong quần thể lúa VD20 hạt tròn vào một buổi sáng cuối năm 1996. Bằng đôi mắt nhà nghề, ông biết ngay đó là những cá thể đột biến quý hiếm, rất có giá trị cho việc lai tạo sau này. Và ông đã lai tạo thành công giống lúa thơm không quang cảm vào năm 1997.
Ông thật lòng rằng, nhóm của ông rất may mắn khi có được sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Đặc biệt giai đoạn 1992, khi mà vấn đề an ninh lương thực đang được đặt lên hàng đầu, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn ủng hộ công việc của nhóm.
Lại thêm may mắn nữa là trong quá trình làm luận văn tiến sĩ chuyên ngành di truyền phân tử, anh Trần Tấn Phương - một thành viên của nhóm - đã có cơ hội tiếp nhận các nguồn gen hương cốm từ các giống lúa miền Bắc để kết hợp với hương dứa của giống KDM giúp tạo ra những giống lúa ST có hương vị đặc trưng riêng, mà đỉnh điểm hiện nay là giống ST24 và ST25 được các đầu bếp nổi tiếng thế giới công nhận là có sự khác biệt hoàn toàn với giống KDM.
Trở về từ Philippines trong ánh hào quang “Gạo ngon nhất thế giới”, một lần nữa ông lại nhắc đến 2 chữ “may mắn”: “Trong cuộc sống ai cũng có khát vọng, cũng có đam mê, nhưng không phải ai cũng có được may mắn để biến khát vọng và đam mê đó thành hiện thực như chúng tôi”.
Mở lối đi mới
Trong một môi trường thuận lợi như đã nói, nhóm nghiên cứu của ông đã tự tin cho công việc của mình. Bởi vậy, những lời khuyến cáo của một số nhà khoa học đầu đàn về “khả năng thành công thì ít, mà rủi ro trên thị trường thì nhiều” thì ông và các cộng sự chỉ xem đó là động lực để đi đến cùng.
Sự tự tin đó còn đến từ việc ông đã tìm ra lời giải cho thắc mắc bấy lâu: sở dĩ giống lúa thơm của Việt Nam lai tạo từ trước đến giờ vẫn không thể cạnh tranh được với giống KDM của Thái Lan là do chúng ta chỉ thực hiện phương pháp lai đơn giữa một giống lúa thơm với những giống lúa có phẩm chất thấp, nên thế hệ con cháu của chúng không thể có chất lượng bằng hoặc cao hơn giống bố mẹ. Vậy là nhóm nghiên cứu của ông quyết định chọn phương pháp lai phức dù khó khăn hơn, mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí.
Ông nhớ: “Lúc đó thiếu nhiều thứ lắm, nhưng cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì mượn tạm. Chẳng hạn như tiêu chí về lúa giống thì mình “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan. Công việc ngày càng tiến triển, đến nay chúng tôi đã có được bộ sưu tập giống rất dồi dào, trong đó, ngoài 2 giống ST24 và ST25 đang được thị trường tiêu thụ mạnh còn có 2 giống được sử dụng như thực phẩm chức năng là ST đỏ và ST tím”.
Về giống ST3 đỏ, tại hội thảo xây dựng thương hiệu cho lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ở Cần Thơ vào tháng 4/2008, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Luật - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - từng nói: “Phải thừa nhận giống ST đỏ rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt. Đây cũng là giống gạo thơm ngon trong số những loại gạo ngon trên thế giới”.
Từ năm 2003, với các vật liệu di truyền quý hiếm như Khao Dawk Mali, Hoa sữa, ST1, ST3 và sau này là ST5, Basmati, nhiều tổ hợp lai đã được tiến sĩ Trần Tấn Phương thực hiện với các giống lúa có nguồn gốc đột biến bằng chiếu xạ. Đến năm 2007, Sóc Trăng lần lượt phóng thích các giống lúa đỏ, tím, trắng thơm ngon từ những vật liệu di truyền quý hiếm này.
|
Công việc chọn lọc dòng thuần là rất quan trọng và luôn được kỹ sư Hồ Quang Cua trực tiếp thực hiện |
Nông dân, thị trường và thương hiệu
Rất am hiểu tính nết của nông dân và thị trường, nên trước khi trồng trình diễn để nông dân chọn lựa một giống lúa thơm nào đó, ông Cua đều có mẫu gạo xay xát sẵn để doanh nghiệp xác định phẩm chất, giá trị và giá cả. Các thông tin này cũng sẽ được cung cấp cho nông dân, giúp họ giải bài toán kinh tế khi chọn giống.
Còn đối với những người làm chính sách, để họ an tâm về vấn đề an ninh lương thực và sẵn sàng ủng hộ, trong nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thơm, ông luôn định hướng nâng cao năng suất song song với chất lượng. Nhờ vậy, hiện nay các giống lúa thơm Sóc Trăng đều là giống lúa cao sản, có tính thích nghi cao với điều kiện biến đổi khí hậu nên việc phát triển dễ dàng, thuận lợi.
Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa thơm ST ở ven biển ĐBSCL và một số vùng ở Tây Nguyên phát triển rất nhanh nhờ lợi nhuận. Vụ đông xuân vừa qua, hầu hết diện tích lúa ST trên đất nuôi tôm các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu đều trúng mùa, giúp nông dân đạt lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha trở lên. Mức lợi nhuận này, trước nay, dù có mơ người trồng lúa cũng không dám nghĩ tới.
Anh Huỳnh Văn Mực - ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, một người đã gắn bó với giống lúa ST - cho biết: “Từ khi có giống ST5 của kỹ sư Hồ Quang Cua tới giờ gần như khó có giống nào chen chân vô vùng lúa - tôm này được, kể cả giống lúa lai, năng suất cũng không vượt qua. Riêng vụ đông xuân vừa rồi, nhờ trúng mùa, lại trúng giá nên số người đạt lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha không ít”.
Giống lúa ST5 giờ không còn sản xuất, nhưng mỗi khi nhắc đến giống lúa này, ông Cua luôn dành một tình cảm đặc biệt: “Việc phóng thích kịp thời giống ST5 vào năm 2005 rất có ý nghĩa, giúp khôi phục lại mô hình lúa - tôm và giúp nông dân vượt qua được giai đoạn khó khăn vì tôm chết hàng loạt. Cũng chính giống lúa này đã giúp giá gạo xuất khẩu của nước ta có lúc vượt lên mức 900 USD/tấn”.
Bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi
Ông Cua luôn tâm niệm, thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng, muốn có thì phải kiên trì hoạt động không mệt mỏi. Sự kiên trì đó được ông và các đồng nghiệp thể hiện không chỉ bằng hàng chục giống lúa thơm mang tên ST có năng suất, chất lượng, giá trị cao, mà còn ở công tác thông tin tuyên truyền về yếu tố xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhằm xây dựng thương hiệu, tạo tiếng thơm cho địa phương.
Thành công của gạo ST25 tại đấu trường quốc tế không chỉ là thành quả của sự đam mê, khát vọng đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa, mà còn ở định hướng đúng đắn ngay từ những ngày đầu nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự. Và theo ông, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi là nâng cao giá trị và xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam.
Chuyện của hạt gạo ST bây giờ không còn là của riêng nhóm nghiên cứu hay của tỉnh Sóc Trăng, mà là câu chuyện của cả ngành lúa gạo Việt Nam, nếu muốn hạt gạo Việt đi xa hơn và tạo lập được thương hiệu.
An Xuyên
Kỳ tới: Thành “tỉ phú lúa” từ đất phèn