PNO - PN - Chuyện “lệch pha” trong đào tạo - sử dụng đã được cảnh báo từ nhiều năm, nhưng vì không được khắc phục nên hiện đã đến mức báo động.
ĐÀO TẠO “LỆCH PHA”
Có thể thấy rất rõ sự “lệch pha” trong cơ cấu đào tạo lao động khi chỉ tiêu tuyển sinh bậc học ĐH-CĐ hàng năm luôn cao hơn chỉ tiêu bậc TCCN, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Cụ thể, năm 2010, tổng chỉ tiêu tuyển ĐH- CĐ trong cả nước là 498.000 thì chỉ tiêu vào TCCN là 460.000; năm 2012, chỉ tiêu ĐH-CĐ tăng lên 576.000 thì chỉ tiêu TCCN giảm còn 420.000; năm 2013 chỉ tiêu ĐH-CĐ tiếp tục tăng lên 642.600 thì chỉ tiêu TCCN vẫn “ổn định” như năm 2012.
Trên thực tế, sự lệch pha còn khủng khiếp hơn, vì số lượng HS phổ thông ngày càng giảm (năm 2011 có 1.045.500 thí sinh (TS) dự thi tốt nghiệp THPT, năm 2012: 963.570, năm 2013: 946.000 TS) và không phải HS nào sau tốt nghiệp THPT cũng tiếp tục con đường học hành. Năm 2012, chỉ tiêu vào hệ TCCN là 420.000 nhưng hệ này chỉ tuyển được 251.202 TS. Năm nay, số TS dự thi tốt nghiệp THPT trong cả nước là 946.000, nhưng chỉ tiêu vào ĐH-CĐ chính quy là 642.600. Nếu cộng cả hệ ĐH-CĐ ngoài chính quy (số lượng thường bằng 50% hệ chính quy) thì sẽ không còn TS cho trường TCCN và TC nghề (gọi chung là trường nghề). Vì vậy, có thể thấy trước, việc tuyển sinh vào các trường nghề năm nay sẽ còn “te tua” hơn.
Không chỉ có Bộ GD-ĐT “cổ vũ” cho giáo dục ĐH mà các trường THPT cũng đang cố “đẩy” tỷ lệ HS đậu ĐH cao lên bằng mọi giá, xem đó là cách khẳng định “đẳng cấp” của trường mình. Từng có chuyện phụ huynh bức xúc vì con họ muốn thi vào trung cấp nghề nhưng nhà trường lại ép thi ĐH để tăng tỷ lệ đậu ĐH!
Không chỉ giữa các bậc học mà giữa các ngành nghề trong cùng một bậc đào tạo cũng có sự lệch pha rất lớn. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong tổng số HS đang theo học TCCN, số theo học ở lĩnh vực sức khỏe, kinh doanh và quản lý chiếm đến 55%, trong khi ở lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ chỉ chiếm 17%, đào tạo giáo viên là 14%. Các lĩnh vực như môi trường, sản xuất và chế biến, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ khoảng 1%. Tại một hội thảo bàn về đào tạo nhân lực cho ngành y tế TP.HCM được tổ chức vào giữa tháng Năm vừa qua, một thông tin đáng báo động đã được đưa ra: có đến 50-60% HS tốt nghiệp ở hai ngành y sĩ đa khoa và điều dưỡng, trong đó có cả SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, không tìm được việc làm, hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, có 50% lao động là SV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ khó xin việc làm. Chỉ số nguồn cung lao động có trình độ ĐH hiện chênh lệch cao hơn so với cầu là 30%; nguồn cung có trình độ CĐ cao hơn cầu là 14%.
Sự “lệch pha” trong tuyển sinh đào tạo và hướng nghiệp cho HS đã giải thích vì sao các trường nghề ngày càng thiếu người học, trong khi thị trường lao động lại thiếu người làm thợ. Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường nghề bức xúc: “Bộ GD-ĐT chỉ có “kế” chứ không “hoạch” gì cả! Cứ như thế này, chẳng chóng thì chầy, các trường nghề sẽ phải đóng cửa. Tổn thất lớn nhất là chẳng bao lâu nữa, đất nước phải gánh chịu một thị trường lao động què quặt, không có người làm thợ”.
Nhân lực nhiều ngành nghề của hệ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề như: cơ khí, điện, điện lạnh... đang rất cần cho thị trường lao động - Ảnh: P.Huy
CẦN CHIẾN LƯỢC QUẢNG BÁ GIÁO DỤC NGHỀ
Làm gì để giải quyết sự mất cân đối về số lượng giữa các bậc đào tạo là câu hỏi cần phải được giải quyết cấp bách. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - nói: “Dù chúng ta có kêu gọi các em vào học nghề nhiều đến đâu thì cũng không bằng Bộ GD-ĐT điều chỉnh chút xíu chỉ tiêu”. Một ý kiến thật xác đáng! Cứ hình dung, nguồn TS tốt nghiệp THPT là một chiếc bánh cho tất cả các bậc đào tạo, khi miếng bánh của ĐH-CĐ to ra thì miếng bánh của các trường nghề tất nhiên phải nhỏ lại. Năm nay, Bộ tăng chỉ tiêu cho ĐH-CĐ thêm 11%, tương đương với 66.600 chỉ tiêu, thì các trường nghề sẽ mất đi chừng ấy nguồn tuyển. Vì thế, ông Tuấn cho rằng, phải thay đổi cơ cấu đào tạo, trong đó đào tạo nghề nghiệp phải được coi trọng.
Bên cạnh việc cơ cấu, điều quan trọng là phải làm cho HS, phụ huynh và cả xã hội hiểu được tầm quan trọng của việc học nghề. Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM - nói: “Ở nước ta, ai cũng hiểu điều đó. Ta cũng đã có tầm nhìn, đã làm nhưng không quyết liệt”. Cụ thể, theo định hướng phân luồng thì sau bậc THCS sẽ có 30% HS theo học nghề, nhưng trên thực tế thì gần như 100% HS THCS học tiếp lên THPT để thi vào ĐH-CĐ. Một số ít HS học lực yếu, chấp nhận rẽ sang trường nghề, thì lại bị “làm khó” khi quy định bắt phải học văn hóa còn khó hơn cả học phổ thông (học toán đạo hàm bậc 2 so với đạo hàm bậc 1 ở phổ thông). Liên thông là chính sách nhằm thu hút HS vào học nghề nhưng lại bị thay đổi giữa dòng.
Mặt khác, để HS, phụ huynh và xã hội quan tâm hơn đến việc học nghề, nhất thiết phải có một chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và hướng nghiệp đúng đắn, thiết thực. Ông Đỗ Hữu Khoa - Hiệu trưởng Trường trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, Chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp TP.HCM - cho rằng, phải có những thay đổi về chương trình để người học nghề có thể học được một cách dễ dàng và hiệu quả; chương trình dạy nghề cần có tính liên thông ngay từ bậc THCS với THPT và sau THPT; không chỉ liên thông xuôi mà còn phải tính đến cả liên thông ngược để các cử nhân, thạc sĩ quay lại học những kiến thức về nghề liên quan mà họ thấy cần và chưa được học; phải sắp xếp và hiện đại hóa các trường nghề theo xu hướng của thế giới, để người học nghề có khả năng đi làm thuê ở nước ngoài.
Trong một lần tiếp xúc với phóng viên Báo Phụ Nữ, giáo sư Andreas Foeldenyi - Giám đốc điều hành của Trung tâm Giới thiệu giáo dục Thụy Sĩ (Centre for Swiss Education) tại TP.HCM cho biết: tại Thụy Sĩ có 80% HS sau THCS rẽ sang chương trình đào tạo nghề nghiệp, gọi là “chương trình đôi”. Giáo sư Andreas nêu kinh nghiệm: “Nếu ta cứ quảng bá cho ĐH thì mọi người sẽ đổ vào ĐH, dù họ thích làm nghề. Muốn cho HS quan tâm đến mảng giáo dục nghề nghiệp thì phải có chiến lược quảng bá cho nó. Tại Thụy Sĩ, các ngành nghề đều được tôn trọng như nhau và đều do nhà nước quảng bá. Triết lý để Thụy Sĩ lập ra chương trình “giáo dục đôi” là: nếu tất cả đều học cử nhân thì sẽ không có ích gì cho đất nước, không hỗ trợ được gì cho thị trường lao động, nhiều cử nhân sẽ phải quay lại học nghề bởi không có nền kinh tế nào lại cần toàn bộ lao động có trình độ cử nhân! Làm tốt mảng giáo dục nghề nghiệp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội”.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.