Ký sự: Biển Đông - Vầng trăng trên sóng

02/09/2016 - 08:29

PNO - Bây giờ họ đối mặt với mênh mông biển, ngoài sức mạnh ý chí thép, họ đâu có cố làm mất đi nỗi ưu tư trong đôi mắt khi nghĩ về đất liền. Tổ quốc gọi tên họ và họ lên đường.

Ky su: Bien Dong - Vang trang tren song
Ảnh: CTV

Không ai có thể chối bỏ rằng, họ cũng có cha mẹ, anh em, người yêu, có quê hương, có bao toan lo và mơ ước. Bây giờ họ đối mặt với mênh mông biển, ngoài sức mạnh ý chí thép, họ đâu có cố làm mất đi nỗi ưu tư trong đôi mắt khi nghĩ về đất liền. Tổ quốc gọi tên họ và họ lên đường.

Trường Sa, ở đó, những người lính như vầng trăng trên sóng…

Cuối cùng tôi cũng “lọt” xuống xuồng cao tốc đi đảo Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, khi loa phóng thanh xướng không có tên tôi và một số đồng nghiệp, vì xuồng không thể chở hết. Từ xa, đảo như cục tẩy trên cái nền bảng là biển. Gần hơn chút nữa, đảo lại như nắm đấm quyết liệt vung lên. Áp sát, đảo như ngôi nhà đủ cho vợ chồng và hai đứa con được cha mẹ cho ra riêng trên mảnh đất ông bà.

Chưa bao giờ tôi nhận được nụ cười và cái bắt tay thân tình, chặt ấm như tan ra từ cán bộ chiến sĩ khi tôi nhảy lên cầu tàu đảo. Ánh mắt xôn xao mừng rỡ của họ lây sang tôi, khiến ngực như nghẹn. Tôi đang đứng trên đảo chìm, được xây dựng trên rạn san hô. Khó nói hết kỳ công của người lính hải quân trần mình trên sóng xây những đảo thế này, chỉ biết rằng, mỗi cột mốc trên biển, dù rộn rã tiếng cười của bộ đội và ngư dân quây quần hay thăm thẳm vài ba người lính, thì trên hải đồ, vẫn là một ký hiệu sống động mang gương mặt của quốc gia, mà chỉ cần xê dịch một chút, là cương thổ lãnh hải Tổ quốc dậy sóng.

Tôi bao phen chạm vào cột mốc biên giới chốn rừng sâu, nhưng không thấy lành lạnh, bởi rừng gần gũi hơn, vì đó là đất liền. Còn ở đây, chỉ có những vòng tay đàn ông kết với nhau, chỉ có ánh nhìn đàn ông chạm nhau, và sắt thép, bê tông. Ba chú chó không bật tiếng sủa, hết phóng xuống nước để tắm, rồi lên nằm ngay công sự thân thiện nhìn khách.

Ky su: Bien Dong - Vang trang tren song

***

Thiếu úy Lê Mạnh Hùng quê ở Ninh Bình, trải lòng, rằng 31 tuổi anh mới có vợ, con được 16 tháng. Anh từng ở các đảo An Bang, Phan Vinh B, mới sang Len Đao được ba tháng. Anh kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc từ đất liền đi đảo An Bang vào tháng 6/2006. 25 ngày lênh đênh trên biển, sóng to quá, nằm bẹp trên tàu. “Tầm tháng 9-11, thường có sóng lớn, nước hất vào chỗ anh em mình đang đứng đây là tầng hai vì không có bậc che chắn. Bão thì đóng kín cửa nếu không muốn bước ra là bị quăng ngay xuống biển”. Rồi anh xoay chuyện: “Ở đây rau cũng đủ dùng, cá tươi không thiếu đâu anh”.

Tôi lên sàn trên cùng, ở đó đồng nghiệp đang vây quanh anh lính trẻ măng Mai Đức Thành đang ôm súng đứng gác. Nhìn Thành sạm đen, mặt vuông vức, trong bộ đồ lính thủy đánh bộ, tôi mường tượng một cây cọc cứng cáp. Thành quê Hải Hậu, hẳn đã từng đi biển? Thành gật đầu bối rối trước ống kính và những cú bấm máy: “Anh nhìn đi, bên kia là đảo Gạc Ma đó”, Thành nhắc. Tức thì, người như có điện, tôi lao ngay đến kính quan sát. Một “thành phố” ngang ngược xây và chưa có dấu hiệu dừng lại, gần đó là tàu hộ vệ tên lửa và khu trục.

Tay tôi nắm chặt lại lúc nào không hay. Ơi Gạc Ma, một phần máu thịt. Gạc Ma, những đứa con vĩnh viễn không về với đất mẹ sau một lần quyết tử. Tôi nhớ ngay những bà mẹ ở Quảng Nam và Đà Nẵng có con gửi tuổi xanh chốn này. Ngày ngày mẹ ngồi trông cửa, nhớ quá thì lần giở chút quân trang sót lại có chiếc áo hải quân của con mà đồng đội gửi về. Mỗi lần gặp mặt chiến sĩ Gạc Ma, nhìn đồng đội của con còn sống, lưng mẹ như còng hơn. Phút “gặp gỡ” Gạc Ma chóng vánh trên đảo Len Đao, tôi biết sẽ dằn giữ trong ký ức mình với tư cách một công dân, mà khi vẫy chào Thành và đồng đội, nỗi uất nghẹn như cố trì kéo. Nóng như xối lửa, Thành vẫn đứng phăng phắc, mắt nghiêm nghị nhìn ra xa xôi.

Tôi bước xuống mép nước, anh sĩ quan đứng cạnh ân cần nhắc coi chừng sóng phủ ướt máy ảnh. Sóng vỗ ì oạp vào kè đá. Thèm biết bao thời gian dài ra để ngồi với họ. Xung quanh là sóng mịt mùng chân trời. Vài phút nữa chúng tôi sẽ tạm biệt họ, họ ở lại, chỉ có sóng và gió làm bạn. Không ai có thể chối bỏ rằng, họ cũng có cha mẹ, anh em, người yêu, có bao toan lo và mơ ước. Bây giờ họ đối mặt với mênh mông biển, ngoài sức mạnh ý chí thép, họ đâu có cố làm mất đi nỗi ưu tư trong đôi mắt khi nghĩ về đất liền. Tổ quốc gọi tên họ và họ lên đường. “Cũng vui anh à, ở đây anh em đồng đội thương nhau lắm”. Lời Thành vọng trong tôi, như bao lời chiến sĩ trẻ tôi đã gặp qua các đảo. Có chiến sĩ kể em đi rồi, thư từ ít, người yêu chán quá, xa rồi. Không sao, hiểu được lòng mình thì yêu, xa gần gì cũng vậy thôi.

Ky su: Bien Dong - Vang trang tren song
Những người lính trên đảo Len Đao (thuộc quần đảo Trường Sa) đang đối mặt với mênh mông biển. Tổ quốc gọi tên họ và họ đã lên đường

Tôi nhớ lúc trưa ở chùa Trường Sa Lớn, gặp chiến sĩ Dương Quốc Toản 22 tuổi, quê ở Quảng Ninh. Toản ra đây được chín tháng, e thẹn khi nói về người yêu giờ chưa có, nhưng rồi sẽ có, lo gì. Toản cười như tỏa nắng. Nụ cười của lính đảo như đùa giỡn với gian khổ, bật ra tức khắc không hề gắng gượng. Sự hồn nhiên của họ lây sang khách, âm thầm kể câu chuyện rằng, ở đó, bao tị hiềm, ganh ghét, nhỏ nhen, những li ti chồi nụ bất lương vốn ươm sẵn, chờ chực trong mỗi con người, đều không có đất sống, chỉ còn lại những cái nhìn ấm áp.

Mỗi một chuyến tàu ra đảo là nối thêm cái lo lắng, ân cần của đất liền. Giữa mênh mông sóng nước, mới thấy tình người cần hơn bất kỳ cái gì. Không hề có trong dự kiến, một chương trình văn nghệ qua… bộ đàm với những chiến sĩ giàn khoan ở bãi cạn Quế Đường, đã được thực hiện từ tàu kiểm ngư. Ca sĩ, nghệ sĩ và chiến sĩ, gửi tình qua cánh sóng.

Tôi đứng nghe họ hát, mơ màng về những cánh chim mang tin vui, chở cả những ưu tư, thao thức. Khi con người ta đủ đầy, hình như khó cảm thông, chỉ khi bị ném, bị lùa, bị thử thách trước thiếu thốn, cô đơn, họ mới nhận ra rằng, một chút lơ đễnh với đồng loại cũng dễ đưa đến bất trắc. Một chút quan tâm thân ái, ta sẽ có một sức mạnh, niềm vui không ngờ. Những người lính hát, và sau đó là lời cảm ơn từ họ. Những nghệ sĩ ca sĩ ấy, không biết họ có ngầm ngẫm nghĩ, rằng hoa trên sân khấu và người hâm mộ thường nhật, có mang lại cho họ cảm xúc lớn lao hơn những lời đàn ông nặng mùi biển và trong suốt đến không ngờ?

Có một nhân vật, mà đến giờ chót hành trình, anh em báo chí mới sững sờ biết đến, đó là kiểm ngư viên Hoàng Văn Thảnh. Anh Thảnh đã 30 năm quân ngũ, từ lính hải quân mới chuyển sang kiểm ngư. “Vốn liếng” nửa đời người trên các đảo, làm sao mà kể hết được. Đứng trước ống kính, tôi thấy màu da như đồng hun ấy nổi gai ốc khi nói ngắn gọn về những lần anh cấp cứu ngư dân bị nạn. Kỷ niệ m nhớ nhất là năm 2015, anh cứu một ngư dân bị tai nạn tại khu vực nhà giàn DK 1, khi về đất liền, anh ngư dân liên tục gọi ra cảm ơn. “Chừng đó năm, tính không hết bao nhiêu trận bão, nhưng bản thân tôi và anh em đều chuẩn bị đủ thực phẩm và tinh thần để hỗ trợ bà con đi biển gặp khó khăn”. Nói vậy rồi anh lặng im. Tôi đứng chôn chân nơi boong tàu, ngó anh mân mê bài thơ anh viết Trường Sa ơi, mai anh rời quân ngũ. Chỉ rời chứ không xa! Biển, đảo đã thấm vào thịt.

Tôi được nghe chuyện tình, gia đình của anh, cũng lạ lắm. Anh và vợ cùng xóm, nhà vợ đầu xóm, mỗi lần đi học ngang qua đó thì… chạy nhanh, vì người lớn la rầy khi phát hiện hai người quen nhau từ… tiểu học. Vào lính năm 19 tuổi, đến 26 tuổi họ cưới nhau, có hai con. Hơn 20 năm không ăn tết ở nhà. Thư về cho vợ rấ t ít, chưa khi nào nói “anh yêu em”, nhiều bức chỉ vài câu “Em khỏe không? Cả nhà vẫn mạnh khỏe chứ?”, như câu trong bài thơ ấy “Sáu tháng viết thư, một dòng nhắc gấp / Cho anh gửi lời thăm hỏi tình thân”.

Bao năm sống chết với biển, hình như sóng gió đã lặn hết vào thân hình hơi tong tong ấy, thành từng khúc, từng vạt xù xì, mọi thứ táp vào đều văng ra. Không, đôi mắt ấy quá hiền từ mang vác lãng mạn đâu thua kém người. Đây, đoạn cuối bài thơ, từ tình anh mà nghĩ đến người vợ đảm đang ấy, “nể” đâu có đủ, bởi mọi sự hy sinh đều ngang nhau: “Nhớ em lắm, trời co ro rét mướt / Áo mùa đông len đỏ thắm anh nhìn / Ngắm em cười, buổi sáng sớm lung linh / Anh thoáng nghĩ em sẽ là vợ lính”. Đám đông nhìn anh và lặng im như sắp chia tay những gì thân yêu nhất.

***

Chiều đó, tàu dừng giữa biển, với lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, mà nhiều anh em từng đi Trường Sa, nói rằng ít khi được dịp này lắm, vì hải trình không ngang qua Gạc Ma. Trong tiếng nhạc hồn tử sĩ lạnh thêm bởi gió biển, lời người sĩ quan đọc lời tưởng niệm vang lên trên boong tàu với bao điều tha thiết vì đồng đội đã vùi mình dưới nước lạnh nghìn trùng, bỏ lại mẹ già, con thơ, Tổ quốc đang còn gian khó. Thân xác anh em giờ đã hòa với biển.

Cầu mong anh em yên nghỉ, chứng giám, phò trì phù hộ cho đồng chí, đồng đội tiếp tục vững tay súng mà giữ biển. Những vòng hoa một lần nữa trôi trên sóng, khi chặng cuối hành trình có thêm lễ tưởng niệm những chiến sĩ nhà giàn đã hy sinh vì bão dữ, thà chết chứ không để mất chủ quyền. Biển lặng. Hoa theo tay người xuống biển, rồi tan ra trong vô tận. Tôi thấy mắt anh Thảnh chớp liên hồi, rồi gương mặt những người lính thoáng qua hiện về vun vút.

Trời tối, còn lại mình tôi trên boong. Ánh đêm thẫm đen mờ mịt. Như có cái vỗ vai nhẹ, tôi quay lại. Không có ai cả, chỉ có ánh sáng dìu dịu hắt ra từ xa xôi. Ngẩng lên, trời ơi, trăng non đầu tháng, chiếc lưỡi liềm êm dịu treo lơ lửng phía chân trời. Xin cảm tạ phút giây này, mai tôi về rồi, tạm biệt Trường Sa, ở đó, còn lại những người lính như vầng trăng trên sóng…

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI