Parasite (tên tiếng Việt: Ký sinh trùng) đã giành được Best Picture - giải Phim hay nhất tại Oscar 2020. Để đoạt được giải thưởng này, bản thân bộ phim chưa bao giờ là đủ.
Nó là kết quả cuối cùng của một cuộc đua giữa các chiến dịch PR của các studios, nơi mà những món quà, những đặc lợi nho nhỏ và những tuyên ngôn bùi tai có thể mua những lá phiếu. Chính vì thế nên việc một bộ phim Hàn Quốc, một bộ phim chạy phụ đề, có thể chễm chệ ngồi vào đó, không bao giờ chỉ đơn giản là vì bộ phim đó xứng đáng.
Thực tế là người Hàn đã chuẩn bị rất lâu cho cái đích này. Chỉ có điều, có lẽ họ cũng không ngờ là nó tới sớm đến thế. Bởi vì trên một hành trình đòi hỏi sự vận động của cả một hệ thống nhà nước - hiệp hội - doanh nghiệp - cá nhân, họ đã không ít lần thất bại thảm hại.
|
Đoàn phim Ký sinh trùng mừng chiến thắng tại Oscar 2020 |
Trước thời kỳ phục hưng của phim Hàn, những kẻ thất bại đầu tiên là các chaebol đầu đàn như Samsung hay LG. Nhưng ngay ở thời đó, các nhà sản xuất phim hàng đầu của thế hệ đã thuyết phục được các vị đại tư bản ấy bằng một tầm nhìn kinh tế đơn giản thế này: một bộ phim bom tấn của Hollywood có thể đạt doanh thu trên toàn cầu bằng 40.000 chiếc xe hơi Hàn Quốc. Samsung, LG thất bại và nhường chỗ cho các chaebol nhỏ hơn như CJ và Lotte rút kinh nghiệm và phát triển ngành điện ảnh theo định hướng tốt hơn.
Tuy nhiên, tầm nhìn về những bộ phim đáng giá 40.000 chiếc xe hơi thì chưa bao giờ thay đổi. Thời điểm đầu những năm 2000, điện ảnh Hàn vẫn chỉ là "ma mới" trên trường quốc tế. Thế nhưng trong những năm ấy, người Hàn đã làm rất tốt việc xây dựng thị trường và sinh lực cho nền điện ảnh của họ với những thành công cả về doanh thu (nội địa) lẫn uy tín nghệ thuật (quốc tế).
Từ một thứ ngôn ngữ xa lạ và buồn cười với khán giả nước ngoài, phim tiếng Hàn đã có chỗ đứng nhất định. Vấn đề là dù phim Hàn cực kỳ thành công ở trong nước, hay được giới mộ điệu quốc tế đánh giá cao, thì doanh thu quốc tế của chúng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng doanh thu. Đương nhiên họ không hài lòng và họ đề ra hai chiến lược.
Trailer phim Ký sinh trùng:
Chiến lược đầu tiên là Pan-Asia, nó mở đầu bằng việc đưa bối cảnh sang Trung Quốc để mở rộng thị trường (phim The good, The bad, The weird - Thiện, Ác, Quái ra mắt năm 2008), rồi đi đến xây dựng những dự án đa quốc gia với sự góp mặt của nhiều nền điện ảnh lớn của châu lục. Dự án phim tiêu biểu nhất cho chiến lược Pan-Asia chính là A battle of wits (Binh pháp Mặc công) với sự hợp tác sản xuất của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông. Thế nhưng dự án này cũng chính là một thất bại tiêu biểu.
Ngành điện ảnh Hàn Quốc đã suy luận ra được vấn đề của nó: sự không rõ ràng về định danh. Đây là một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh Nhật, khơi mào bởi người Hàn, đạo diễn Hồng Kông, dàn diễn viên toàn sao lẫn lộn Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc. Họ nhận ra rằng họ thực sự không tìm ra được thị trường chính yếu cũng như khán giả mục tiêu cho một dự án như thế. A battle of wits thua lỗ, nước nào lại về với nước ấy.
Nhưng người Hàn không chịu thua, họ vẫn muốn tìm ra đột phá khẩu ở thị trường nước ngoài. Và vì thế họ thử nghiệm chiến lược thứ hai, đó là chiến lược Hollywood. Trong chiến lược này, họ dùng nguồn vốn Hàn, nhân sự sáng tạo Hàn để làm một phim đúng chuẩn Hollywood, chuyển thể nội dung phương Tây, mời siêu sao Hollywood, công chiếu Day-and-Date toàn cầu.
Đóng vai trò triển khai chiến lược này là CJ, và dự án đó là Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá, năm 2013) của Bong Joon Ho. Phim đầu tư kinh phí 40 triệu USD, nhưng doanh thu toàn cầu chỉ đạt 86 triệu USD, suýt lỗ. Chiến lược chịu chơi nhưng đậm tính phiêu lưu này không đem lại thành công như họ mong đợi.
|
Binh pháp Mặc công là phép thử, cũng là thất bại của điện ảnh Hàn trong bước tiến chinh phục thị trường khu vực, thế giới. |
Nhưng ô kìa, cũng chính là Bong Joon Ho lại giành được 4 tượng Oscar bao gồm cả Phim hay nhất. Rõ ràng là dù cho đã thất bại khi bung ra bên ngoài, nhưng những gì người Hàn đã làm là không hề uổng phí, nếu nhìn ở quy mô tổng thể. Một mặt họ vẫn củng cố thị trường trong nước và giữ vững chất lượng phim Hàn trở thành số 1 ở châu Á.
Mặt khác, KOFIC (Ủy ban Điện ảnh Hàn Quốc) vô cùng tích cực trong việc gây dựng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Quyền lực mềm Hàn Quốc rải khắp, và cá nhân tôi cũng chính là kẻ bị nó trực tiếp ảnh hưởng khi tôi được đài thọ đi học 6 tháng ở Busan. Giờ đây họ đã có một đột phá khẩu, mà đáng chú ý nhất chính là cái identity của bộ phim ấy: Ký sinh trùng - một bộ phim thuần Hàn, làm cho khán giả Hàn. Không phải Pan-Asia cũng chẳng phải Hollywood.
Vậy bài học mà Việt Nam chúng ta có thể rút ra được là gì? Trước hết, ngành điện ảnh của chúng ta phải có tầm nhìn hướng ngoại. Chúng ta phải có lòng tự tôn về bản thân đất nước, con người Việt Nam; người Hàn từ lúc ban đầu lơ ngơ láo ngáo cũng chưa từng tự ti cho rằng họ sẽ kém mãi.
|
Ký sinh trùng trở thành niềm tự hào của điện ảnh, người dân Hàn Quốc với hàng loạt giải thưởng lớn, danh giá. |
Vâng, ngay từ đầu họ đã lấy Hollywood làm gương soi. Điện ảnh Việt Nam muốn hướng ngoại thì phải sản xuất ra những bộ phim chất lượng cao, những bộ phim thương mại ở hình thái mới mà khi để bạn bè quốc tế xem thì bản thân chúng ta không thấy xấu hổ trước. Nếu chúng ta muốn tự coi thường mình, muốn tự coi thường khán giả Việt Nam, thì xin mời, cứ tiếp tục làm ra những phim không thể xuất khẩu nổi.
Và quan trọng nhất, Ký sinh trùng đã chỉ ra rằng sự định danh là rất quan trọng. Điện ảnh Việt Nam cần có một diện mạo riêng biệt, độc đáo, không sao chép Hollywood, cũng không học đu Châu Tinh Trì. Phim Việt Nam phải có cái hồn cốt Việt Nam trong ấy. Và những phim xuất sắc cỡ Ký sinh trùng, chỉ dấu cho nền văn hoá đương đại phát triển cao của một quốc gia, không phải thứ để tán tụng suông cho nước người. Nó phải là khao khát, là ước mơ cháy bỏng mà chúng ta phải nỗ lực đấu tranh để tạo ra những phim Việt Nam xuất chúng tương đương. Tầm nhìn là 40.000 xe hơi, không "hèn" mãi được nữa đâu!
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn