Ký sinh... ăn sắt

12/07/2017 - 14:00

PNO - Đã có hai kiểm định viên bị đình chỉ công tác. Hẳn là thế nhưng không sao tránh được cái cảm giác vừa tức giận vừa xấu hổ, rõ là “ăn không từ một thứ gì, ăn từ bờ ra tới biển, ăn từ sắt cho tới thép”!

Tính đến thời điểm này, Bình Định có 19 tàu đánh cá vỏ thép hư hỏng đang nằm chờ sửa chữa, khắc phục; Phú Yên: 2/5 tàu hạ thủy bị hư máy phát điện, cần cẩu; Quảng Ngãi: 12/13; Quảng Nam: tàu hạ thủy nhưng chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp ráp; Thanh Hóa: 18/23 tàu hư hỏng máy phát điện, hầm bảo quản, cần cẩu, hệ thống tời…

Ký sinh... an sát
Tàu vỏ thép BĐ 99939 TS của ngư dân Nguyễn Thư (Hoài Nhơn, Bình Định) đóng tại Công ty TNHH Nam Triệu bị chìm dần xuống biển khi bị áp thấp nhiệt đới làm nước tràn vào khoang máy, lưới cuốn chân vịt, máy tàu không hoạt động được

Điều đó đồng nghĩa ngư trường vắng bóng ngư dân, ngư dân lớp tàu hỏng nửa đường, kéo tàu về, chỉ riêng chi phí dầu đã ngốn hàng trăm triệu đồng; lớp nằm bờ mà phấp phỏng mối lo nợ nần do vay tiền tỷ đóng tàu. 

Điều đó đồng nghĩa với hành vi gian dối, thói tham lam, trục lợi của một nhóm nhà sản xuất (ở đây là Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu - Bộ Công an, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương - tỉnh Nam Định), kể cả chất lượng và trách nhiệm kiểm định sản phẩm nói chung và tàu đánh cá vỏ thép nói riêng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức giao Bộ Công an điều tra vụ việc, báo cáo về Chính phủ trước tháng Tám. Đã có hai kiểm định viên bị đình chỉ công tác. Hẳn là thế nhưng không sao tránh được cái cảm giác vừa tức giận vừa xấu hổ, rõ là “ăn không từ một thứ gì, ăn từ bờ ra tới biển, ăn từ sắt cho tới thép”! 

Ký sinh... an sát
Thuyền trưởng tàu BĐ 99179 TS ngao ngán với con tàu tiền tỷ mà Cty Đại Nguyên Dương đóng xuống cấp nặng nề.

Đâu đó có ý vớt vát rằng, do độ mặn của vùng biển Việt Nam, do môi trường khắc nghiệt nên vỏ thép không chịu được, bị gỉ sét. Cố mà ngụy biện, ngụy biện tới mức… lố đến thế là cùng. Đã là đơn vị sản xuất, lắp ráp tàu thuyền phục vụ ngành hàng hải mà không đánh giá môi trường biển, không dự trù giá trị của vỏ vật liệu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, bốc xếp, bảo quản sản phẩm… để dẫn tới những lỗi kỹ thuật không thể chấp nhận được: hệ thống tời liên tục hỏng, hệ thống ba - láp không đảm bảo, hệ thống lái bị trục trặc khó điều khiển, máy phát điện thường xuyên hư hỏng khiến dẫn đến mất mành và lưới đánh cá. Ngay cả hệ thống điện, vừa khởi động đã nóng, chủ tàu sợ phát nổ hoặc bóng đèn không phát sáng do lỗi kỹ thuật lắp ráp…

Câu chuyện Formosa vẫn còn hôi hổi, số phận biển miền Trung và bao ngư dân vẫn chất chồng bao khốn khó. Nghị định số 89/2015 ra đời, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm kịp thời hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt hải sản xa bờ. Xa hơn và lớn lao hơn, hẳn ai cũng nghĩ cũng thấu là sự hiện diện của ngư dân Việt, tàu bè Việt trên ngư trường Việt, là chủ quyền biển Việt Nam. 

Tôi đã đi qua Thuyền Chài, An Bang, Đá Lát, Trường Sa Lớn, giữa bốn bề sóng nước, bắt gặp những cái chấm li ti, là những con tàu gỗ đánh bắt cá của ngư dân mình, mà mừng vui vô xiết. Biển như gần lại. Bờ như nối dài ra. Về đêm, lấp loáng những ánh đèn, chẳng khác nào một quần thể đảo chìm đảo nổi, chắn giữ hải phận Tổ quốc. 

Có nhìn thấy sự cuồng nộ của thiên tai hay mưu đồ bá chủ của các thế lực ngoại bang thì mới thấy thói đục khoét, ăn mòn, trí trá của đám nhà sản xuất tàu đánh cá vỏ thép lẫn đám kiểm định, giám sát là sự bất nhẫn lẫn bất nhân. Con tàu chưa ra khơi mà đã gỉ sét, đã bị đục lỗ; chứ đừng nói đến bám biển, vươn khơi…

Ký sinh... an sát
Những con tàu vỏ thép của có giá từ 10 - 20 tỷ đồng phải nằm bờ vì sau khi xuất xưởng, ngư dân như ngồi trên đống lửa với món nợ ngân hàng.

Được biết, sắp tới, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẽ tổng rà soát các cơ sở đóng tàu, chọn một số đơn vị đóng tàu có nghi vấn để thẩm định, nếu cần sẽ loại bỏ khỏi danh sách đặt hàng. Nghe thì có vẻ quyết liệt hành động. Nhưng ngẫm ra, lại thấy… bẽ bàng, hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân là chuyện cấp thiết, vậy mà còn cấp thiết hơn là đi kiểm tra mấy cơ sở đóng tàu cho ngư dân. Hỏi mà biết thừa là… dư, đâu rồi cái tử tế làm gốc, cái đạo đức làm trọng trong hành xử để không phải mọi thứ đều giăng mắc, ẩn chứa sự dối gian, cẩu thả, bẩn chật như thế?

Tôi nhớ đến huyền tích Thánh Gióng, Thánh nhưng sinh ra từ đồng ruộng, lớn lên nhờ dân làng, được vua ban cho roi sắt mà đánh đuổi giặc Ân. Khi roi sắt gãy, Gióng nhổ tre ngà đánh thắng giặc thù. 

Nay, Nhà nước cũng vì dân, hỗ trợ dân đóng mới tàu vỏ sắt để ra khơi bám biển, giữ chủ quyền. Trước những hiểm nguy, mối họa chực chờ ngư dân, lại có đến mấy chục con tàu vỏ sắt đã… đắm, đắm bởi lòng tham, dối trá, bất lương. 

Bất chợt, chỉ biết cúi đầu trước tiền nhân, lấy làm hổ thẹn với lương dân bao thế hệ. Danh sĩ Cao Bá Quát đã từng đề, Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/ Đằng không do hận cửu thiên cơ (Đánh giặc, lên ba hiềm đã muộn/ Lên mây, từng chín giận chưa cao); để lớp hậu thế, đã không lấy sự “muộn” ấy làm lẽ phải, lại già đầu tham vẫn cứ hoàn tham… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI