Không biết bà nội tôi gầy dựng vườn trầu từ bao giờ, nhưng kỳ quan này đã đập vào mắt khi tôi vừa biết đi lẫm chẫm.
Đó là một khu đất được nội tôi dùng để trồng trầu cau, sát bên sân hông trái của ngôi nhà. Vườn trầu không lớn lắm nhưng được nội tôi chia làm bốn ô với cái giếng được đào ở trung tâm. Tôi đã quen với nó ngay những ngày đầu khi má tôi phải phụ giúp ba tôi trong công việc đồng áng.
|
Ảnh minh họa |
Vì tôi là cháu đích tôn, nên sau những ngày sinh tôi ra, má tôi được ưu tiên làm việc nhà và đặc trách nuôi tôi. Khi tôi giáp thôi nôi, cứ mỗi lần má ra ruộng, tôi được gửi cho bà nội trông coi. Nội tôi vừa chăm sóc, tưới trầu, vừa cho tôi ngồi trên một chiếc xe đẩy, đặt giữa những luống trầu rợp bóng. Chiếc xe này ba tôi làm toàn bằng tre, nhưng ba tôi tuyển chọn và xử lý hơ đốt thế nào mà chiếc xe vẫn còn sử dụng tốt cho đến khi tôi lớn, đủ sức đẩy xe, đưa những đứa em tôi dạo chơi khắp sân nhà.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nội tôi và ba má tôi đã trở thành người thiên cổ. Tôi đang sắp bước vào cái tuổi cổ lai hy. Vườn trầu của nội tôi nay không còn nữa và khoảnh đất này, em trai út của tôi đã “cải tạo” để trồng một số loại cây ăn trái. Nhưng hình ảnh thân quen của vườn trầu ngày nào vẫn còn in đậm nét trong tôi.
Những dây trầu vàng mọc rễ ôm vào những thân cây cau được trồng ngay hàng thẳng lối. Cứ mỗi gàu nước, sau khi tưới ở gốc cau, nội tôi chừa lại một ít trong gàu và tạt lên cao. Những tia nước bám vào những lá trầu non, sau một hồi đọng lại trên lằn gân của lá, nước hội tụ và nhễu thành từng giọt từ mũi lá, được ánh sáng mặt trời xuyên qua, nhìn long lanh như những hạt kim cương.
Suốt bốn mùa, vườn trầu của nội tôi đầy ắp tiếng chim líu lo, ríu rít. Chim nhàn chiếm lĩnh những ngọn cau cao vút để làm tổ. Loài chim này rất dữ. Ai cố tình rung thân cau có tổ, chim trống sẽ vừa bay vờn trên đầu vừa kêu oang oác như đe dọa. Chim sẻ hiền lành, nên chọn những ngọn cau thấp hơn. Chim dòng dọc thì xây tổ trên những tàu lá cau non, để rồi khi chim con biết bay thì mo cau rớt xuống, mang theo những chiếc tổ trống trơn và lũ trẻ chúng tôi tranh nhau lượm mang vào chân như mang vớ.
Khi còn nhỏ, chưa giúp được gì cho nội, tôi chỉ tung tăng quanh những luống trầu, chờ nội tưới xong được tắm bằng chiếc gáo dừa máng trên chiếc cọc tre đóng kề bên lu nước gần giếng. Tôi khoái nhất là được nội xối liên tục và nhanh tay vuốt mặt để không phải ngộp nước…
Lớn lên một chút, tôi được nội cho theo lượm trầu nội hái. Cứ mỗi đợt hái trầu đem chợ bán, khi nội về, tôi luôn được một vài món quà. Thường thì bánh kẹo, đôi khi cũng được một món đồ chơi như chiếc mặt nạ người dơi hay thanh gươm có vỏ bao bằng mủ. Sách vở, đồ dùng học tập của tôi có được cũng từ những gánh trầu của nội.
|
Ảnh minh họa |
Năm 1961, tôi lên lớp Nhì (nay là lớp Bốn). Sau buổi học về, tôi nhanh bước chân hơn vì bụng đói. Vừa buông chiếc cặp trên bàn học, tôi chạy vội vào bếp. Thường khi đi học về, lúc nào tôi cũng được bà nội dọn sẵn mâm cơm để bà cháu cùng ăn. Lần này, không gặp nội nơi nhà bếp, gọi nội ơi mấy tiếng vẫn không nghe trả lời. Đưa mắt sang vườn trầu, bắt gặp nội với những bước chân nặng trĩu. Nội vừa đi vừa nhìn một hàng cọc tre với đầu sơn màu đỏ được cắm thẳng hàng trên hai luống trầu cặp đường xe đất.
- Cọc gì vậy nội? Tôi thắc mắc và nội tôi cũng trả lời ngay.
- Cọc định vị để làm bờ thành, làm ấp chiến lược đó con.
Dầu chưa hiểu gì về những lời nội nói, nhưng nhìn gương mặt, ánh mắt của nội, cùng với những buổi sáng từ nhà đến trường ở Bàu Rông, gặp những tờ giấy chi chít chữ được ai đó bỏ dọc theo đường và thầy giáo nhắc nhở không được lượm đọc, tôi lờ mờ nghĩ đến chiến tranh sắp diễn ra trên mảnh đất thân yêu này.
Một buổi trưa đi học về, vừa đặt những bước chân đầu tiên vào cổng nhà. Một cảnh tượng tan hoang hiện ra trong mắt tôi. Hai luống trầu cặp đường xe bị lột xuống. Những thân cau trơ trọi đứng ủ rũ chờ bị đốn. Vườn trầu của nội từ nay chỉ còn một nửa. Những tiếng súng cắc-bùm vang từ hai phía đã làm các đàn chim bỏ tổ. Tôi lớn dần theo năm tháng. Tôi cũng giúp được nội chăm sóc hai luống trầu còn lại.
Mỗi chiều sau khi đi học về, với cặp chàng, hai chiếc ky nhỏ cùng cái đòn gánh trên vai, tôi đã đi khắp Bàu Sấy để hốt những gánh phân đồng cho nội ủ với lá chùm hôi, lá lồng mứt. Khi phân đã hoai, nội sử dụng để bón và vườn trầu luôn tươi tốt. Những lá trầu vàng của nội đã biến thành những trang sách thời đi học của tôi.
Chiến tranh rồi cũng qua đi. Tôi may mắn được tiếp tục sống với nghề dạy học mà tôi đã chọn. Xã hội đổi thay, người ăn trầu ít dần, rồi hình như không còn nữa. Vườn trầu của nội già cỗi, rồi cũng phải phá bỏ đi. Thế nhưng, trong tôi mãi còn một chút gì vương vấn…
Trần Văn Hờ
(xóm Lò Rèn - Lộc Trát)