Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7: Tháng Bảy nhớ ba

26/07/2022 - 09:35

PNO - Để có những cái tết đoàn viên trên mảnh đất Việt Nam này, hàng triệu người đã hy sinh và bị tổn thương, trong đó có ba tôi và cả chúng tôi.

Mỗi năm đến tháng Bảy, tôi lại nhớ ba. Ba quê ở Bến Cầu.

Những năm 1940, chiến tranh rất ác liệt. Ông nội tôi là trưởng ban công an xã của chính quyền cách mạng. Do thường xuyên bị giặc truy bắt, nội phải lánh vào rừng. Lúc đó, bà nội đang mang thai chú Ba, còn ba ngày ngày chăn trâu cắt cỏ.

Một đêm đầu tháng 7/1947, bà nội trở dạ. Ông nội hay tin, dù biết nguy hiểm nhưng thương vợ con nên ông liều mình về nhà thăm và lọt ngay vào ổ phục kích, bị giặc giết ngay tại chỗ. Sợ bị truy cùng đuổi tận, bà nội còn ở cữ phải ôm chú Ba tìm phương khác sinh sống, ba tôi được bộ đội dẫn đi. Thế là chú bé mới hơn mười tuổi là ba trở thành trẻ mồ côi từ đó. 

Ba tôi theo bộ đội, làm giao liên rồi tập kết ra Bắc. Ngày qua ngày ở quê hương mới, dù được học hành, có cha mẹ, anh em mới, vợ con… nhưng trong trái tim ông luôn đau đáu nỗi niềm thương nhớ quê nhà, nhớ mẹ, nhớ em. Nỗi nhớ trải trong hàng chục quyển sổ, toàn những bài thơ về mẹ, về quê hương mà sau này, hành trang trở về nhà là cả hòm gỗ. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng lôi ra đọc, tôi lại ghẹo: “Hòm người ta chứa tiền, vàng còn hòm của ba chứa thơ nên nhà mình mới nghèo”. Nỗi nhớ khắc khoải, nên khi ba đặt tên con, trong bảy đứa thì có bốn đứa mang tên Phương, Nam, Quê, Hương.

Nỗi nhớ càng nghẹn ngào khi mỗi độ tết về, ông một mình cặm cụi tìm lá chuối gói bánh tét, cái bánh tết của miền Nam. Bàn tay đàn ông vụng về cắt dây, lau lá, trút nếp, thái thịt… Những đòn bánh tét của ba to khủng khiếp. Bánh tét bình thường chừng cổ chân còn bánh tét nhà tôi to bằng bắp đùi người lớn. Muốn làm đòn nhỏ cũng không được bởi lúc đó, cả nhà trừ ba, không ai biết gói, mà ba chỉ biết gói bánh cỡ đó thôi vì “bộ đội dạy vậy”. Ở nơi chỉ toàn người gói bánh chưng, những đòn bánh của ba là duy nhất, to đùng, mãi chẳng thể thay đổi. 

 

Lúc ba còn sống, tôi không quan tâm lắm nỗi niềm của ông. Chỉ đến khi lớn lên, nhất là sau khi ông mất, trong nỗi nhớ thương, tôi mới dần dần cảm nhận nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi dù còn mẹ.

Nghe mẹ kể, vừa hay tin giải phóng, lúc đó ba mẹ đang làm công nhân ở một nông trường thuộc tỉnh Thanh Hóa, liền lập tức bán hết những gì gia đình có, đùm túm về nhà. Sau năm 1975, nhiều người tập kết trở về được Nhà nước cấp nhà ở TP.HCM nhưng ba cương quyết về với người mẹ suốt mấy chục năm ông không một ngày thôi nhớ. Về tới quê, sau trận khóc cười là mong mỏi bù đắp dù bà nội đã có thêm đàn con khác và người em ruột duy nhất mà ba chưa từng biết mặt đã mất trước khi ba về, để lại hai đứa con cù bất cù bơ.

Tôi chưa từng hỏi ba về những gì ông trải qua gần 30 năm xa mẹ, xa quê hương; từ hồi ông là đứa bé mười tuổi đến khi trở thành người đàn ông 39 tuổi có năm đứa con vào năm 1975, khi trở về. Tôi chỉ cảm nhận rằng đó là nỗi đau không chia sẻ được với ai, kể cả vợ con. Thậm chí, nỗi buồn đau còn “liên lụy” con cái khi ông phóng tay trao đi tất cả tài sản cho người thân lâu ngày mới gặp dù bản thân và gia đình đang bữa đói bữa no.

Niềm vui đoàn tụ khiến ông muốn bù đắp cho bà nội, các em, các cháu nhưng ông luôn cảm thấy bất lực nên lại càng xót xa, buồn tủi dù lẽ ra ông mới chính là người cần được bù đắp cho 29 năm trống trải, lẻ loi.

Khi viết những dòng này, tôi xa ba đã mấy chục năm rồi. Ông sinh năm 1936, mất năm 1992. Vậy nhưng hình bóng người cha khắc khổ, đa cảm, cả đời luôn chông chênh vì thiếu vắng tình thương vẫn còn nguyên đó. Giờ tôi cũng đã 50, trải qua bao chuyện bể dâu, được mất, thành bại mới dần cảm được nỗi buồn của ba - “nỗi buồn chiến tranh”.

 

Càng nhớ ba, tôi càng sợ hãi, căm ghét chiến tranh và thêm trân trọng những phút giây hòa bình hiện tại. Cuộc đời của ba đau, đau đến tận cuối đời. Nhưng, đâu phải mỗi mình ba, còn biết bao người khác đã không thể trở về.

Trong buổi chiều nắng rất xanh hôm nay, tôi nhớ ba, nhớ nỗi đau của ba tôi đến quặn thắt.

Lê Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI