Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7: Chuyện người “vọng thê” bên bờ Bến Hải

27/07/2022 - 06:00

PNO - “Người xưa hay nói, gái chờ chồng hóa đá vọng phu. Những năm tháng chiến tranh, tui chờ bà ấy ròng rã sáu năm, ngày đám cưới thì cô dâu vào nhà lao. Sống trong thời buổi chịu muôn vàn kìm kẹp của địch, tui với bà ấy đã vượt qua mọi khổ ải bằng tình yêu và niềm tin để có hạnh phúc như bây giờ” - ông Lê Viết Trinh, thương binh 3/4 ở thôn Bách Lộc (xã Trung Hải, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), nói.

 

Tấm căn cước của bà Thiển được làm trong những năm hoạt động cách mạng bí mật ở khu Tân Tường
Tấm căn cước của bà Thiển được làm trong những năm hoạt động cách mạng bí mật ở khu Tân Tường

 

Trao ánh mắt sau song sắt nhà lao 

91 tuổi, trí nhớ của ông Lê Viết Trinh vẫn vẹn nguyên về những tháng năm thanh xuân ông được gặp người con gái ở cuối dòng Bến Hải. Mảnh đất phía nam dòng Bến Hải không chỉ đợi đến ngày giới tuyến chia đôi miền Nam - Bắc mới trở nên khốc liệt vì chiến tranh. 

Thời niên thiếu, cậu bé Lê Viết Trinh từng tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp. Năm 1953, khi mới 19 tuổi, ba anh em đang đi trên đường thì bị giặc bắt. “Lần đó, tui và đứa em bị giam trong tù. Người anh cả Lê Bảng lúc đó là Trưởng công an xã Vĩnh Liêm (nay là xã Trung Hải) qua nhiều trận đòn tra tấn, một dạ không khai đã bị chúng bắn chết” - ông Trinh kể lại. 

Sau khi bị giam ở lao xá một thời gian, ông Trinh bị đưa đến đồn Mỹ Chánh (Hải Lăng) rồi vào Ưu Điềm (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) để lao động khổ sai. Nhân lúc lính gác sơ hở, ông trốn thoát và về lại quê nhà Trung Hải. Nỗi đau mất người thân, quê hương bị giặc kìm kẹp càng nung nấu ý chí kiên cường trong chàng trai làng Bách Lộc.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, đôi miền chia cắt ở vĩ tuyến 17. Cùng với nhiều thanh niên trai tráng ở thôn, Lê Viết Trinh bám trụ ở lại hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng. Hai năm sau, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư Chi bộ phụ trách thôn Xuân Mỵ và Bách Lộc (xã Trung Hải).

Năm 1961, ông bị địch bắt giam tại lao xá Quảng Trị. Tra tấn ròng rã một năm nhưng không khai thác được gì, chúng đành trả tự do cho ông. Trở về, ông được thiếu tá Nguyễn Thanh Hà - phụ trách Ban Tình báo Công an vũ trang Vĩnh Binh (B8) - bàn với Huyện ủy Vĩnh Linh chuyển ông sang làm công tác tình báo. 

Cách thôn Bách Lộc non cây số, cô thôn nữ Trần Thị Thiển ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang cũng sớm làm cơ sở cách mạng. Bờ sông Bến Hải nơi người con gái ấy ở, nhìn về bờ bắc là Bến Đò B - một bến đò đi vào lịch sử bởi những năm tháng chiến tranh, hàng ngàn chiến sĩ đã vượt sông vào Nam chiến đấu. Thiển làm giao liên, một tháng đôi lần ra cục đá bên mép sông nhận thư và vừa đi giao cho cán bộ cách mạng vừa thăm dò tình hình địch.

Năm 1959, bà bị bắt. “Hồi đó, bà ấy cũng bị vào nhà tù lao xá Quảng Trị. Tôi gặp bà ấy lần đầu ở trong tù. Nói là gặp nhưng chỉ nhìn nhau qua ánh mắt rồi ưng thầm trong bụng. Bà ấy đẹp lắm” - ông Trinh kể. Ngồi cạnh chồng, bà Thiển nói thêm: “Trong lao, tui cũng thấy ông ấy đẹp trai nhất. Lần đầu bị địch dẫn đi lấy lời khai, nhìn vào mắt nhau, tự dưng thấy bối rối…”. 

Bà Trần Thị Thiển đứng bên bờ nam sông Bến Hải - nơi ngày xưa ông bà từng trao thư mật cho cán bộ cách mạng
Bà Trần Thị Thiển đứng bên bờ nam sông Bến Hải - nơi ngày xưa ông bà từng trao thư mật cho cán bộ cách mạng

“Vọng thê" không hoá đá 

Ông Trinh ra tù sớm hơn, trở về tiếp tục hoạt động tình báo ở B8. Hằng ngày, trong vai một lão ngư chèo đò, đánh cá trên sông, ông trao đổi thư mật với cán bộ ta ở bờ bắc. Hộp thư được đặt dưới cây tre cắm giữa dòng sông dùng làm nò sáo để bắt tôm cá. Đêm, cán bộ bờ bắc bí mật bơi qua sông để trao đổi thông tin. 

Một thời gian sau, bà Thiển được trả tự do. Dù đã trao nhau ánh mắt yêu thương nhưng sau nhiều lần ngỏ lời, ông Trinh đều nhận về cái lắc đầu. Cuối cùng, ông viết cho bà một lá thư thật dài, trải lòng về công việc mình đang làm để xóa đi sự do dự trong bà. “Ưng cái bụng nhưng mình phải tìm hiểu kỹ xem họ có cùng chí hướng không mới gật đầu” - bà Thiển thổ lộ. 

Đám hỏi của họ diễn ra chưa được bao lâu thì bà Thiển lại bị địch bắt. “Đằng đẵng bốn năm bà ấy ở trong tù, tui một dạ hướng về nơi đó. Có lần, mẹ tui vô thăm bà ấy, cầm về cho tui hai chiếc gối. Một chiếc thêu cảnh gia đình hai vợ chồng và đứa con trai, chiếc còn lại thêu cây đàn ghi-ta. Những kỷ vật khiến tui càng yêu thương bà ấy hơn và vững lòng chờ đợi” - ông Trinh nói. Ở thôn, ông thường viết thơ tặng bà. Ông nói, chuyện tình yêu thời chiến chỉ có thơ mới giãi bày được hết nỗi lòng mình. Ông viết để bày tỏ yêu thương, son sắt hẹn thề.

Sau bốn năm đợi chờ, đám cưới của họ đã diễn ra, nhưng lại thêm một lần không trọn vẹn. Đang giữa tiệc cưới, bà Thiển lại… bị địch bắt. “Bữa đó, khi nhà trai đến nạp lễ, trong đám cưới có sự góp mặt của tên thôn trưởng khét tiếng ác ôn. Rồi một toán lính bảo an xuất hiện thì thầm gì đó vào tai tên thôn trưởng. Họ kéo nhau đi được một đoạn thì nghe tiếng súng nổ. Thôn trưởng chết. Địch nghi tui dàn xếp đám cưới để trừ khử thôn trưởng nên bắt tui trở lại nhà lao. Vậy là tui chưa kịp khoác áo cô dâu về nhà chồng” - bà Thiển nhớ lại. Đám cưới ấy không dâu. Bà nếm đủ mọi đòn roi cực hình. Hai tháng sau đó, không khai thác được gì từ bà, chúng đành thả bà về, ông bà mới chính thức nên duyên chồng vợ, được ở gần nhau. 

Đôi vợ chồng thương binh Lê Viết Trinh và Trần Thị Thiển hồi tưởng những tháng năm chiến tranh  qua tấm căn cước cũ
Đôi vợ chồng thương binh Lê Viết Trinh và Trần Thị Thiển hồi tưởng những tháng năm chiến tranh qua tấm căn cước cũ

Sau lửa là vàng 

Hai vợ chồng hoạt động trong lòng địch, gặp muôn vàn hiểm nguy nhưng lúc nào cũng hướng về nhau. Có những lúc tưởng chừng chia lìa, ông Trinh lại viết thơ động viên vợ: “Tôi với bà tuy hai mà một / Gió trăng cùng trải cuộc đời như nhau”. 
Tháng 5/1967, Mỹ - ngụy tiến hành nhiều trận càn vào các vùng nam giới tuyến, dồn ép hơn 10.000 đồng bào vào khu tập trung Tân Tường (H.Cam Lộ) nhằm biến bờ nam Bến Hải thành “vành đai trắng”, ngăn chặn sự tấn công, chi viện từ Vĩnh Linh cho chiến trường miền Nam.

Vợ chồng ông Trinh, bà Thiển cùng nhiều cán bộ được lệnh bí mật vào khu tập trung để hoạt động. Bà kể: “Hồi đó, vợ chồng tui đã có với nhau hai mặt con. Chúng thường xuyên dòm ngó và đe dọa nếu hoạt động cách mạng thì khai ra để được thưởng công. Tui nói, giờ tui có con cái, tui lo nuôi con chớ đâu còn nghĩ tới chuyện hoạt động chi nữa. Dù nghi ngờ nhưng chúng không có cơ sở để bắt bớ”. 

Năm 1972, Quảng Trị giải phóng, ông bà đưa bà con đồng bào về lại quê nhà. Có với nhau đến năm mặt con, họ lại chung vai đấu cật xây dựng lại quê hương và nuôi con khôn lớn. Chi bộ thôn Bách Lộc tái lập, bà Thiển làm Bí thư. Bà còn có công thuyết phục bà con chuyển đổi từ ngư nghiệp bấp bênh sang nông nghiệp để cải thiện đời sống. Ông Trinh nói, cuộc đời người lính như vậy là hạnh phúc viên mãn. 

Giờ đây, căn nhà của đôi vợ chồng thương binh Lê Viết Trinh và Trần Thị Thiển nằm bên bờ sông Bến Hải, nơi năm xưa ông bà từng đặt thư mật bên mép sông. Mỗi hoàng hôn trải trên mặt nước, ông bà thường ngồi trên chiếc ghế đá dưới rặng bần, nhìn về bờ bắc Bến Hải hoài niệm và kể cho cháu con nghe những năm tháng hào hùng. Lòng kiên trung của họ cũng bền chặt như tình yêu họ đã trao nhau. 

Ngọc Uyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.