Một buổi chiều, chị Tuyết (40 tuổi, ngụ P.2, Q.11, TP.HCM) đến trụ sở CA P.2, nhưng cứ thập thò mãi ngoài cửa. Thấy vậy, thiếu tá Phạm Thị Hồng Xuân (SN 1978) - cán bộ nội cần tiếp dân - bước ra hỏi thăm.
Sau những phút đầu e ngại, cuối cùng chị Tuyết cũng mở lòng tâm tình. Vốn người Tiền Giang, không còn cha mẹ, anh em, chị lên TP.HCM mưu sinh. Lập gia đình và sinh con, nhưng chị chưa làm hôn thú vì không có giấy tờ tùy thân. Ở tuổi 40, chị ước “thấy được cái chứng minh nhân dân với tờ hôn thú”. Nói tới đó, chị dừng lại hồi lâu, hai tay mân mê vạt áo. Được thiếu tá Xuân động viên, chị Tuyết buột miệng: “Ưng làm giấy tờ, nhưng tui... không biết chữ”.
Tiếp đó là những chuyến chị đi về giữa TP.HCM và Tiền Giang để xác nhận thông tin. Nhiều buổi chiều sau giờ làm, chị Tuyết được thiếu tá Xuân hướng dẫn. Ngày thỏa ước nguyện, người phụ nữ khắc khổ ấy đã nhờ ai đó đánh máy một lá thư gửi lên CA Q.11 bày tỏ lòng biết ơn thiếu tá Xuân cùng cán bộ, chiến sĩ CA P.2, Q.11, bởi không ngờ ở chốn xa lạ này mình lại được hỗ trợ tận tình đến vậy.
|
Thiếu tá Phạm Thị Hồng Xuân tận tình hướng dẫn người dân đến làm thủ tục đăng ký tạm trú |
Trong hành trình hơn 16 năm gắn bó với công tác tiếp dân, thiếu tá Phạm Thị Hồng Xuân gặp không ít “ca khó”. Nhiều lần giải thích về thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú... nhưng người dân không hiểu rồi đâm ra quạu quọ với mình, chị vẫn tươi cười, nhỏ nhẹ. Rồi, chính những con người ấy lại yêu mến chị bằng tình cảm rất đỗi dung dị.
Chị kể, có cụ già sau khi được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký tạm trú, ra chợ mua miếng bí đỏ mang tới “cô nấu ăn cho bổ đặng có sức giúp tụi tui nữa nghe”. Cũng có những chú xe ôm, cô bán hàng rong dúi vô tay chị mớ tép đồng, dặn nấu canh bí đao ngon lắm. “Dân trong phường đa phần là lao động nhập cư, người buôn bán nhỏ, kinh tế còn khó khăn. Mình ngại vô cùng nhưng là tấm lòng của các cô, các chú nên không thể từ chối được” - thiếu tá Xuân bày tỏ.
Là con gái miệt Vĩnh Long, lúc nhỏ Xuân đã sống trong khu tập thể của “cơ quan ba” (thượng tá Phạm Văn Tranh). Những hôm cha bận công tác, Xuân được các cô, chú CA khác đưa đi học. Riết, cái nếp sinh hoạt đầy tính kỷ luật trong ngành CA thấm vào máu cô bé hồi nào không hay. Như một lẽ tự nhiên, lớn lên chị theo học Trường trung học Cảnh sát nhân dân 2 (nay là Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2) rồi về Vĩnh Long làm lính trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh suốt 5 năm (1996-2001).
Những tháng ngày “ăn bờ ở bụi” hoặc sống trong nhà dân để theo dấu tội phạm ấy đã rèn cho chị cái tính can trường, quả cảm. Đến năm 2001, chị lập gia đình, chuyển lên TP.HCM công tác tại CA P.2, Q.11. Ban đầu, vợ chồng chị ở nhờ bên nội, về sau chuyển ra thuê trọ rồi mua nhà trả góp gần 10 năm mới có được chỗ ở ổn định. Hỏi, từ trinh sát chuyển qua tiếp dân, có lúc nào thấy “ngứa chân ngứa tay” không, chị cười: “Lúc đầu bỡ ngỡ lắm, cảm giác thiếu thiếu sao đó. Nhưng, mình xác định rồi, gắn bó với ngành thì dù ở đâu cũng phải dốc lòng vì dân”.
Khi mẹ bị bắt, kết án tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, con gái nhỏ của chị Y. phải sống dựa vào bà nội đã già yếu. Tình cảnh hai bà cháu quá ngặt nghèo, đường học của bé có nguy cơ dở dang. Vậy là thiếu tá Xuân và cán bộ, chiến sĩ CA P.2 vừa góp tiền lương vừa vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ quần áo, học bổng. Hay như trường hợp con gái chị T. (bị kết án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) té gãy tay mà không có tiền đi bệnh viện, thiếu tá Xuân cũng cùng anh em trong đơn vị giúp kinh phí điều trị cho bé.
|
Thượng úy Phạm Thị Thu Hằng tham gia điều hành giao thông |
Trung tá Cao Ngọc Bình - Trưởng CA P.2, Q.11, chia sẻ: “Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, song lúc nào đồng chí Xuân cũng giữ được lửa nhiệt thành cả trong công tác lẫn sinh hoạt đời thường. Xuân rất linh động trả hồ sơ tận nhà hoặc gọi điện thoại thông báo để người dân tiết kiệm thời gian. Như tất cả anh em đơn vị, cô ấy quan niệm, cha mẹ phạm tội thì đã phải trả giá trước pháp luật rồi, phần con cái, nếu các cháu khó quá thì mình cần giúp”.
2. Từ ngày 1/8 vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC67) CA TP.HCM tổ chức thí điểm phát loa tuyên truyền vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ tại hai giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm (6g30 - 8g sáng và 16g30 - 18g tối). Thượng úy Phạm Thị Thu Hằng (SN 1989) - cán bộ Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông đường bộ đường sắt Phòng PC67 là một trong những nữ CSGT trẻ đã tích cực tham gia thực hiện mô hình trên.
Thượng úy Hằng phấn khởi: “Bước đầu, chúng tôi tập trung vào việc nhắc nhở người dân chấp hành hiệu lệnh vạch kẻ đường khi đứng chờ tín hiệu đèn giao thông. Tôi cảm thấy vui vì qua hai tuần, người tham gia giao thông đã chủ động, tự giác lùi xe về phía sau vạch dừng chờ tín hiệu nhường đường cho người đi bộ chứ không đứng lộn xộn như trước”.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, thượng úy Hằng được điều động về Phòng PC67 CA TP.HCM công tác. Chị là nữ CSGT thường túc trực ở chốt chỉ huy hướng dẫn, điều tiết giao thông tại hai giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi những năm qua. Bên cạnh công tác chuyên môn, thượng úy Hằng còn phụ trách hồ sơ, báo cáo những vụ tai nạn, tội phạm để kịp thời thông tin đến các cơ quan báo chí, qua đó truyền tải cho người dân.
Mỗi lần Phòng PC67 tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại trường học, khu dân cư, chị đều góp mặt. Nhà ở Q.Thủ Đức nên ngày làm việc của chị bắt đầu từ tờ mờ sáng, chuẩn bị xong bữa cơm cho gia đình là tất bật chạy vào trung tâm thành phố làm nhiệm vụ. Có hôm, vừa xong việc, nhìn lên thấy kim đồng hồ đã chuyển sang 11, 12g đêm, chị mới lặng lẽ rời chỗ làm ra về. Với lượng công việc “đồ sộ” như vậy, nhưng lúc nào nữ CSGT quê Thái Bình này cũng giữ được nụ cười tươi tắn trên môi.
Hỏi kỷ niệm, thượng úy Hằng xúc động kể, có lần đi tuyên truyền tại hai trường học trên địa bàn Q.Bình Tân, Q.Gò Vấp, chị và đồng đội gặp mưa, người ướt sũng. Đến nơi, đói, lạnh, lại phải ngồi chờ cho đến giờ học sinh tan trường mới bắt đầu buổi tuyên truyền nên chị cứ run cầm cập. Đúng lúc ấy, cô và trò của trường bưng vào hai tô bún mời ăn lót dạ, có vậy thôi mà chị rưng rưng. “Tôi rất ấm lòng vì cảm nhận được sự chân thành, quý mến của trường dành cho mình, cho công việc mình đang làm” - thượng úy Hằng bộc bạch.
Nhắc đến thượng úy Hằng, thiếu tá Nguyễn Thị Minh Tâm - Phó chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ CA TP.HCM, tâm tình: “Hằng là một “bông hoa thép”, không nề hà sớm khuya, gian nguy nào. Những năm qua, Hội Phụ nữ Phòng PC67 triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, thiết thực như “Nụ cười CSGT - nét đẹp trong văn hóa ứng xử”, “Nữ CSGT tuần tra dẫn đoàn - bản lĩnh, tự tin, phát huy vai trò của người chiến sĩ nữ CSGT trong các mặt công tác, chiến đấu”, “Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật tạo nếp sống văn hóa giao thông - vì an toàn giao thông cho mọi người”, trích ngày lương ủng hộ biển đảo quê hương, đồng bào bị lũ lụt... Hằng đã cùng cán bộ, hội viên Phòng PC67 làm rất tốt những hoạt động trên, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về nữ CSGT trong lòng người dân thành phố”.
Mẫn Nhi