Tháng Mười, giai điệu hào hùng của cố nhạc sĩ Văn Cao hòa vào những ngày thu chín: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng…”. 65 năm trước, cũng trong cái nắng thu hanh hao, ươm vàng như mật, Hà Nội đã rưng rưng chào đón đoàn quân giải phóng về tiếp quản thủ đô.
|
Cờ đỏ sao vàng cùng đoàn quân giải phóng trong ngày tiếp quản thủ đô - Ảnh tư liệu |
Thời khắc lịch sử
Năm nay, trong chương trình kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô, diễn ra ngày 6/10 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, có một phần vô cùng đặc biệt: tái hiện lễ chào cờ ngày 10/10/1954. Ca khúc Tiến về Hà Nội vang lên, những thanh niên trong trang phục áo trấn thủ, mũ ca-lô, những lão thành cách mạng râu tóc bạc phơ, huy chương đỏ ngực như đang gợi về những ngày tháng hào hùng của mùa thu năm cũ…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Hiệp định Genève về đình chiến ở Đông Dương và các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội cũng được ký kết. Sau đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị tiếp quản thành phố. Ủy ban Quân chính TP.Hà Nội được thành lập nhằm tiếp thu và quản lý thành phố, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Sư đoàn Quân tiên phong - làm chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm phó chủ tịch.
Ngày 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Ngày 9/10/1954, bộ đội ta chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô rồi từ đó tỏa đi các nơi, lần lượt tiếp thu nhà ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ… 16g, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía bắc cầu Long Biên. 16g30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát TP.Hà Nội. Bộ đội tiến đến đâu, nhân dân đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt đến đó. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.
65 năm trước, ông Nguyễn Quang Phùng là chàng thanh niên tuổi ngoài đôi mươi, đã sống trọn vẹn với từng thời khắc của ngày 10/10 lịch sử. Nay ở tuổi 88, ông vẫn minh mẫn, khỏe mạnh sau ba lần đột quỵ. Ông xúc động kể: “Sáng sớm 10/10, người dân thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố. Nhân dân kéo tới những con đường đã được thông báo trước là bộ đội hành quân qua.
Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố. Sau đó, các cánh quân, các đoàn cơ giới và pháo binh cùng tiến vào thành. 15g, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ lịch sử tại sân vận động Cột Cờ. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính”.
|
Bức ảnh ông Quang Phùng chụp lúc 6g sáng 10/10/1954. Trong bảy đứa trẻ đi đón bố này, chỉ ba đứa được đón bố trở về |
Một phần của linh hồn Hà Nội
Ngày 10/10/1954 cũng là ngày khởi đầu cho “cuộc đời nhiếp ảnh” của lão nghệ sĩ Quang Phùng. Là con của Tri phủ Hoài Đức (thuộc tỉnh Hà Đông cũ), học Trường Kỹ nghệ thực hành do Pháp dạy, nhưng 16 tuổi, ông đã tham gia hoạt động Việt Minh ở nội thành. Những năm trước ngày giải phóng thủ đô, ông đã đi đầu đoàn học sinh, sinh viên, biểu tình phản đối chế độ thực dân Pháp ở Hà Nội. Ông cũng là một trong số ít phóng viên Việt Nam ghi lại được những hình ảnh lịch sử về Hà Nội ngày giải phóng.
Giữa căn phòng nhỏ xíu, tứ bề là ảnh ở số nhà 32, xóm Hạ Hồi, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, ông Phùng vẫn nhớ chính xác tư liệu nào nằm ở đâu. Tóc bạc phơ, sắc mặt hồng hào, căng bóng, miệng cười phúc hậu ông lão nhắc chuyện 65 năm mà rõ ràng đến từng chi tiết: “Cả ngày 9/10, tôi ăn mặc lịch sự, đeo thẻ nhà báo, chạy khắp thành phố chụp ảnh. Các ngã tư, ngã năm đều không có xe tăng, thiết giáp, tất cả ụ súng đều bỏ ngỏ”.
Chiến tranh luôn đi cùng mất mát, đau thương. Ngày mùa thu lịch sử, ông Phùng đã chứng kiến, đã sống trọn vẹn với không khí hào hùng của thủ đô, và ông, cũng thấy rõ sự bi hùng trong những năm kháng Pháp: “Tôi đã đi qua những gia đình có con trở về và cũng đi qua những gia đình có con không trở về trong ngày vui giải phóng. Tôi đã thấy mình hòa vào cả tột cùng niềm vui cũng như tận cùng nỗi đau mất mát của người Hà Nội”.
Lật giở bức ảnh những đứa trẻ đánh đu cành cây, cười đùa bên sóng nước Hồ Gươm ngày giải phóng, ông kể: “Đây là những đứa trẻ, con của các gia đình nghèo ở Hà Nội. Sáng 10/10/1954, tôi ra Bờ Hồ từ rất sớm, thế mà những đứa trẻ này còn đến đó sớm hơn tôi. Tôi hỏi: “Các cháu ở đây làm gì?”. Một cháu trả lời: “Cháu ở đây đợi bố”. Bảy đứa trẻ này, chỉ ba đứa đón được bố trở về. Còn bốn đứa, bố đã hy sinh…”.
Ông Phùng dừng lại rất lâu, cả mái đầu bạc phơ của chủ nhà và mái tóc xanh của khách đều lặng im. Rồi cả tôi và ông cùng nhớ về những người con cảm tử của thủ đô trong trận Hà Nội đông xuân 1946-1947. 60 ngày đêm bảo vệ, lực lượng vũ trang thủ đô chỉ có khoảng 2.000 cây súng, ít lựu đạn nhưng đã chiến đấu dũng cảm với đội quân viễn chinh Pháp được trang bị xe tăng, máy bay, súng ống hiện đại.
Ngày ấy, khoảng 10 tổ cảm tử quân đã được thành lập với khoảng 100 đội viên. Những cảm tử quân thường mặc áo trấn thủ, đeo khăn đỏ, cầm bom ba càng, có khi được tổ chức truy điệu sống trước giờ xung trận.
60 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ cầm cự, giam chân địch trong thành phố để bảo vệ và sơ tán cơ quan đầu não cách mạng, có một gia đình ở Hà Nội đã đóng góp cho đất nước đến bảy cảm tử quân, trong đó gồm bốn anh em ruột Nguyễn Đình Thạc, Nguyễn Bích Tần, Nguyễn Bích Hạnh, Nguyễn Bích Thảo và ba người là chồng của bà Tần, bà Hạnh, bà Thảo. Họ không chỉ là thành viên đội cảm tử quân anh hùng, mà còn là những người trực tiếp tham gia, chứng kiến thời khắc lịch sử tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945).
Ngày lệnh toàn quốc kháng chiến phát đi cũng là ngày bốn anh em quỳ trước mặt bố mẹ trong ngôi nhà trên phố Đồng Xuân, xin bố mẹ cho họ được ở lại Hà Nội, bảo vệ thủ đô. Và họ đã gia nhập đội cảm tử quân, biên chế tại Trung đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Thủ đô.
Tôi vẫn nhớ trong một lần trò chuyện, bà Thảo kể, gia đình bà có truyền thống cách mạng lâu đời. Ông nội của bà tham gia khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám. Trước năm 1945, bố mẹ bà cũng là những người hoạt động bí mật cho cách mạng.
Ngày 14/2/1947, Pháp mở trận đánh lớn vào Đồng Xuân, ba chị em bà Thảo nhận nhiệm vụ bảo vệ địa bàn. Mỗi người mỗi việc, riêng bà Thảo đã qua lớp đào tạo y tá nên được trực tiếp tham gia tại trận địa, làm công tác cứu thương.
Trước khi nhận nhiệm vụ, xác định “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ba chị em cùng đứng trước lá cờ đỏ sao vàng tuyên thệ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, hòa vào khúc tráng ca “60 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội” của những người lính cảm tử.
Tôi nghẹn giọng nói với ông Phùng: “Cháu vừa qua phố Lý Nam Đế thắp nhang trước bàn thờ bà Bích Thảo. Vừa năm ngoái, cháu còn gặp bà, mà nay bà đã về với gia đình cảm tử quân của mình rồi”. Ông Phùng cười, nụ cười như đã sẵn sàng trước sinh tử kiếp người: “Họ ra đi, trở thành một phần của linh hồn Hà Nội đấy cháu ạ”.
Nói đoạn, ông Phùng kể cho tôi nghe từng câu chuyện sau mỗi bức ảnh ông chụp mọi ngóc ngách của Hà Nội trong 65 năm qua. Tôi chợt nhận ra, lão nghệ sĩ từng vinh dự nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ấy cũng đã trở thành một phần của linh hồn Hà Nội.
Ngọc Minh Tâm