Kỷ niệm 25 năm ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức

06/10/2013 - 14:08

PNO - PNO - Sáng 6/10, tại TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ và Làng Hòa Bình TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày mổ tách đôi cặp song sinh Việt – Đức (4/10/1988).

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ky niem 25 nam ca mo tach cap song sinh Viet - Duc

Quang cảnh lễ kỷ niệm

Đây là ca mổ kéo dài hơn hai tháng và đã đi vào lịch sử y học thế giới.

Thành tựu của ca mổ tách rời Việt - Đức không đơn thuần là thành tựu về mặt y học, mà đó còn là ca mổ quy tụ trí tuệ, tình người... với ê-kíp gồm các bác sĩ chuyên gia hàng đầu tại TP.HCM: Viện sĩ - TS Dương Quang Trung, GS-BS Trần Đông A, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, GS Trần Thành Trai, GS Văn Tần, TS Nguyễn Tịnh Hiền, TS Vũ Lê Chuyên, GS Trần Văn Bình, TS Nguyễn Thị Tố Như...

GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ lại: “Chỉ một ngày sau khi ca mổ thành công, người dân khắp nơi từ TP.HCM, Hậu Giang, Bình Trị Thiên, Cà Mau, Bạc Liêu... đổ về BV Từ Dũ, tấp nập như đi hội để thăm ê-kíp mổ và hai cháu Việt - Đức. Có em nhỏ ôm cả con heo đất dành dụm của mình để tặng Việt - Đức. Bảng danh sách các nhà hảo tâm ở BV Từ Dũ dài thêm từng phút với tặng phẩm, tiền bạc của bà con, trong đó có cả tiền của các phóng viên truyền hình Nhật Bản”.

Ky niem 25 nam ca mo tach cap song sinh Viet - Duc

Gia đình Nguyễn Đức chụp hình lưu niệm với các đại biểu tại lễ kỷ niệm.

Từ năm 1988, sau ca mổ, Việt - Đức sống trong tình thương, sự chăm sóc của các y, bác sĩ, y tá, bảo mẫu... tại Làng Hòa Bình (BV Từ Dũ), Đức còn được các tổ chức nhân đạo Nhật Bản giúp đỡ phục hồi chức năng, làm chân giả. Mẹ và chị gái của Việt - Đức cũng được đưa vào làm việc tại Làng Hòa Bình để gia đình sum họp. Họ được sắp xếp làm công việc lao công và đưa đón các em bé khuyết tật đến trường. Mỗi ngày, Đức, mẹ và chị đều đến phòng chăm sóc đặc biệt để thăm Việt. Tất cả những phần dính chung như đại trực tràng, hậu môn, chân... Việt đã nhường hết cho Đức. Trên người Việt có nhiều mảnh ghép nhân tạo, suốt 19 năm trời, Việt sống đời thực vật...

Sống cho cả cuộc sống của Việt, Đức đã cố gắng học tập, nỗ lực trở thành nhân viên văn phòng Làng Hòa Bình, với một cuộc sống tự chủ, độc lập. Tháng 12/2006, Đức lấy vợ, vợ Đức - cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền - là một cô gái xinh đẹp, bình thường, đây là chuyện mà ngay cả những người giàu trí tưởng tưởng nhất cũng ít nghĩ đến trước khi ca mổ lịch sử năm 1988 được thực hiện. Ngày 25/10/2009, vợ Nguyễn Đức đã sinh 2 bé đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; bé trai nặng 1.600g, còn bé gái nặng 1.150g

Ngày 6/10/2007, sau khi trở bệnh nặng, Nguyễn Việt đã qua đời tại Làng Hòa Bình. Sự ra đi của Việt dù đã nằm trong tiên liệu của giới chuyên môn, nhưng đã khiến đội ngũ chăm sóc Việt 19 năm qua không khỏi bùi ngùi, dù trong 19 năm, Việt chỉ nằm đó bất động. Về sau này, khi càng lớn lên, hiểu hơn về những giá trị cuộc sống mà mình đang có được, Đức luôn tâm niệm: “Em sẽ phải sống tốt hơn với phần đời của anh Việt để xứng với những gì anh đã hy sinh cho em”.

Lynh Vy

Ky niem 25 nam ca mo tach cap song sinh Viet - Duc

Nguyễn Đức - Thanh Tuyền cùng hai con Phú Sĩ và Anh Đào tại lễ kỷ niệm 25 ca mổ Việt - Đức tổ chức vào sáng 6/10 tại TP.HCM. Ảnh: Nam Anh.

Ngoài các bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai, Văn Tần… vẫn còn đang tiếp tục làm việc, nghiên cứu cho đến hôm nay, các vị bác sĩ nổi tiếng khác của ê kíp mổ tách Việt - Đức như Giáo sư Ngô Gia Hy, Bùi Sĩ Hùng, Vũ Tam Tĩnh và người nhạc trưởng của ca mổ, Viện sĩ Dương Quang Trung - nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - hiện đã không còn nữa.

Đến tham dự buổi lễ, còn có Giáo sư Fujimoto Bunro - Chủ tịch Hội Negaukai Vì sự phát triển của hai cháu Việt - Đức (Nhật Bản) - người đã sát cánh cùng Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1985 và ông Len Aldis - Chủ tịch Hội hữu nghị Anh - Việt - người đã thu thập hàng triệu chữ ký trên thế giới gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ để yêu cầu các công ty hóa chất bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, trong đó có anh em Việt - Đức.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI