Nhờ duyên may được gần gũi, biết được ít nhiều suy nghĩ của ông về nghề viết, tôi xin nêu ra đây 10 bài học từ Sơn Nam, hy vọng góp thêm cái nhìn về “một người miền Nam thứ thiệt”.
|
Nhà văn Sơn Nam (phải) chuyện trò cùng tác giả |
1. Viết theo sở trường
Sau năm 1954, Sơn Nam lên Sài Gòn với câu hỏi thường trực: viết cái gì? Nhà văn Bình Nguyên Lộc gợi ý, các tờ báo đang cần loại bài viết về khiêu vũ, nhà hàng, ăn chơi chốn phồn hoa đô hội… Cảm thấy chưa đủ vốn sống cho những đề tài đó, Sơn Nam chọn sở trường văn minh miệt vườn.
Giữa lúc các nhà văn trẻ cùng thời lao vào đề tài “thời thượng”, ông chú tâm vào giá trị văn hóa miền Nam và lần lượt tung ra các ấn phẩm: Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên địa hội và cuộc minh tân, Nói về miền Nam, Cá tính của miền Nam…
2. Thái độ chính trị
Viết cũng còn để kiếm sống nên khó mà từ chối các bài viết, quyển sách theo “đơn đặt hàng”. Nếu buộc phải viết thì cố “lách”, làm sao để “anh em trong khu” có đọc được cũng không buồn, vì ông vẫn là người của thời “chín năm”. Những trang viết phải phù hợp “khẩu vị” độc giả đương thời, nhưng cũng phải ngụ ý rằng, thiên nhiên và con người ở mảnh đất cực Nam Tổ quốc là một phần không thể tách rời của non sông nước Việt. Với quan niệm này, ông có: Hương rừng Cà Mau, Hình bóng cũ, Vạch một chân trời…
3. Che giấu thân phận
Không ai dám “vỗ ngực” bảo mình viết chỉ vì… phụng sự nhân loại. Nhà văn cũng cần cơm áo. Nhưng gặp lúc thời cuộc nhiễu nhương, Sơn Nam phải giấu mình trong thư viện để viết Tìm hiểu đất Hậu Giang. Công trình biên khảo giá trị này được in nhiều kỳ trên tập san Văn hóa Á châu. Đây cũng chính là tác phẩm dựng lên chân dung Sơn Nam - một người chỉ đơn thuần nghiên cứu.
4. Không đứng ngoài thời cuộc
Dù ẩn mình, khi cần, nhà văn cũng phải dấn thân. Vì lẽ đó, cuối thập niên 1950, ông bị bắt, ngồi tù chung với các nhà văn, nhà thơ Viễn Phương, Dương Tử Giang… Ngày 10/10/1974, ông tham gia Ngày Ký giả ăn mày, chống hành động bóp nghẹt báo chí của chính quyền Sài Gòn, lại bị bắt giam. Trong tù, ông vớ được quyển Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh, đọc ngấu nghiến và tiếp tục viết về những nhân vật miền Nam “có công lớn trong việc mở nước, biết nhìn rộng”.
5. Khai thác di sản văn hóa
Trong bài tựa cho tập sách Người Quảng Nam của tôi, viết trước ngày ông mất chỉ ít lâu, ông dặn dò: “Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dạt dào sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát. Phải tạo ra cái vật chất, phải có khoa học kỹ thuật, phải tồn tại và tồn tại cho bằng được”.
6. Trách nhiệm với ngòi bút
Ông tâm tình: “Tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì tôi viết, luôn cả những bài viết theo nhu cầu thị trường ngoài ý muốn”. Ông cũng không quan tâm chuyện tòa soạn cắt xén hay đặt lại tít. “Tòa báo nào cũng có cái lý của họ, hơn nữa, còn vì diện tích “đất đai” rộng, hẹp trên trang báo. Nếu cần, khi in thành sách, mình cho in lại đầy đủ”.
7. Quan niệm về quản lý văn nghệ
Vì viết lách mà phải tù đày là chuyện thời nào cũng có. Qua truyện ngắn Một bức chân dung, Sơn Nam dõng dạc tuyên bố: “Nguồn cảm hứng như mây bay gió thổi, con người làm văn nghệ giống như dòng sông linh động phản chiếu. Tổ chức người làm văn nghệ thành một khối chặt chẽ, thiệt chẳng khác nào múc nước bằng hai tay hoặc bằng cái rổ. Thế nào nước cũng chảy tuôn ra ngoài khuôn khổ”.
8. Khái quát từ vấn đề cụ thể
Khi nói “văn minh miệt vườn”, ít ai biết mình đang dùng cụm từ do Sơn Nam nghĩ ra. Thay lời tựa trong tập Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn, ông lý giải: “Miệt vườn là danh xưng có sẵn. Tiếng văn minh kèm theo phía trước là do người khởi thảo tập sách này nêu lên, nghĩa rằng văn minh là nếp sống vật chất, là ăn, mặc, ở, cách thức sanh nhai. Trong hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc biệt, dân Việt đã sáng tạo một nếp sống hùng mạnh, phóng khoáng, đã chinh phục. Lẽ dĩ nhiên, nếu người Tây Ban Nha, người Nhựt, người Lào, người Cam Bốt gặp một hoàn cảnh lịch sử, địa lý tương tự thì họ có phản ứng khác, cất nhà, cày cấy theo hình thức khác. Vì họ không nằm ở trong nguồn văn minh Việt Nam”.
9. Đi bộ để thấy cuộc đời
Chuyện đi bộ nổi tiếng của ông, Sơn Nam bảo đó là lúc quan sát, thu thập lời ăn tiếng nói, nét sinh hoạt, phong tục tập quán đang diễn ra mỗi ngày. Đang đi gặp đám cưới, đang rước dâu, ta dừng lại xem để quan sát về phong tục. Thế nào cũng nghe tiếng xì xào về cô dâu, chàng rể... Nhờ đi bộ, quan sát, chắt lọc nên trang viết của ông luôn phản ánh được nét mới theo nhịp sống. Nghi thức lễ bái của người Việt Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian, Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian… là những biên khảo phản ánh rõ nét điều này.
10. Tâm hồn tươi trẻ
Thuở trai trẻ, Sơn Nam thích làm bạn với người lớn tuổi, nhưng về già, ông lại khoái ngồi cà phê với anh em trẻ. “Chơi với người trẻ cũng là một cách tiếp năng lượng để mình trẻ lại. Chán nhất là ngồi trò chuyện với mấy ông già hưu trí bất đắc chí, lúc nào cũng than phiền, ca thán từ vợ con đến tình hình xã hội, khiến mình cũng oải theo”, Sơn Nam tâm tình.
Lê Minh Quốc