Kỳ nhập học mùa thu: Nỗi lo COVID-19 của các trường đại học Mỹ và quốc tế

05/08/2021 - 10:10

PNO - Học kỳ mùa thu đang đến gần trong bối cảnh biến thể mới của COVID-19 vẫn không ngừng hoành hành khắp nơi trên thế giới.

Hàng trăm trường đại học trên khắp nước Mỹ đã liên tục gửi thông báo cho sinh viên của mình trong suốt những tháng qua về việc phải tiêm vắc xin đầy đủ trước khi có thể quay trở lại trường.

ác trường đại học ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang siết chặt quy định tiêm vắc xin COVID-19 khi kỳ nhập học mùa thu đang đến gần - Ảnh: Getty Images
Các trường đại học ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang siết chặt quy định tiêm vắc xin COVID-19 khi kỳ nhập học mùa thu đang đến gần - Ảnh: Getty Images

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với làn sóng COVID-19 tăng cao do biến thể Delta gây ra những ngày gần đây.

“Số ca mắc COVID-19 tăng vọt có liên quan đến biến thể mới chính là mối quan tâm của chúng ta nhằm đảm bảo sinh viên và nhân viên của nhà trường được an toàn”, Giáo sư Joseph I. Castro, Hiệu trưởng Trường đại học bang California nói với hãng tin AP.

Mỹ: Quy định bắt buộc tiêm vắc xin - Nơi chần chừ, nơi rốt ráo

Tuy nhiên, vẫn có một số trường đại học dường như chưa sẵn sàng trong việc áp dụng các biện pháp phòng dịch với nhiều lý do khác nhau.

Theo ông Dorit Rubinstein Reiss, giáo sư ngành Luật thuộc Đại học California, hiện đang có một “vùng xám” khiến nhiều sinh viên vẫn chưa chịu tiêm vắc xin, trong đó nguyên nhân chính là các loại vắc xin hiện nay vẫn chỉ mới được cấp phép để sử dụng trong tình huống khẩn cấp mà thôi. Tuy nhiên, theo thông báo của FDA Mỹ, vào đầu tháng 9/2021, vắc xin Pfizer sẽ được phê duyệt chính thức, đồng nghĩa với việc tiêm vắc xin bắt buộc sẽ được áp dụng một cách rộng rãi.

Ngoài ra, tôn giáo và tình trạng sức khỏe đặc biệt cũng là những lý do khiến một số sinh viên không "mặn mà" lắm với việc tiêm vắc xin trong thời điểm này.

Sinh viên một trường đại học của Mỹ đang ngồi ở khu vực theo dõi sau khi tiêm vắc xin - Ảnh: Jessica Rinaldi/Newsweek
Sinh viên một trường đại học của Mỹ đang ngồi ở khu vực theo dõi sau khi tiêm vắc xin - Ảnh: Jessica Rinaldi/Newsweek

Trong khi hệ thống các trường đại học công lập còn đang chần chừ với yêu cầu tiêm vắc xin cho sinh viên và giảng viên, nhân viên của mình thì các trường đại học tư nổi tiếng như Harvard, Yale, Notre Dame, Duke và Stanford lại có hành động dứt khoát hơn bằng cách bắt buộc tất cả những ai có mối liên hệ với trường đều phải tiêm vắc xin.

Nhiều “chiêu trò” để khuyến khích sinh viên tiêm vắc xin

Nhiều trường đại học ở Mỹ đã phải áp dụng một số giải pháp nhằm thu hút sinh viên đồng ý tiêm vắc xin như: quay số trúng thưởng, miễn giảm học phí cho sinh viên đã được tiêm vắc xin, cấp học bổng, cung cấp bữa ăn trưa miễn phí tại trường, hỗ trợ máy tính để sử dụng... với mục tiêu ít nhất 80% sinh viên được tiêm vắc xin COVID-19.

Không chỉ tiêm vắc xin, các cơ sở giáo dục đại học còn đưa ra một số quy định “cứng” như bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang khi sinh hoạt bên trong khuôn viên của trường, kể cả khi đã được tiêm vắc xin đầy đủ.

“Tôi hiểu tâm lý của mọi người là không muốn làm những gì bị buộc phải làm”, Rachel “Rae” Applegate, sinh viên năm nhất Trường đại học Notre Dame bày tỏ. “Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người đều tiêm vắc xin và tuân thủ các quy tắc phòng dịch thì có thể sẽ giữ cho khu học xá được an toàn hơn trước những biến thể mới của COVID-19”.

Với Noah Hamilton, sinh viên năm hai tại Đại học Indiana, lý do chính để anh chấp nhận tiêm vắc xin là vì không muốn phải tiếp tục chịu cảnh ngồi ở nhà và học những tiết học trực tuyến nhàm chán.

“Tôi muốn được quay trở lại trường và thật sự có được những trải nghiệm bình thường của cuộc đời sinh viên”, Noah nói.

 

Các trường đại học đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích sinh viên đăng ký tiêm vắc xin - Ảnh: Tony Dejak/AP
Các trường đại học đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích sinh viên đăng ký tiêm vắc xin - Ảnh: Tony Dejak/AP

Chưa thống nhất trong cách thực hiện

Theo thống kê của trang tin Giáo dục Đại học Mỹ (CHE) thì trong số hơn 4.000 trường đại học trên khắp nước Mỹ,  tính đến ngày 4/8, đã có hơn 600 trường áp dụng quy định tiêm vắc xin bắt buộc cho thành viên của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng có những sự khác biệt tùy theo từng trường.

Chẳng hạn, Đại học Washington và Đại học Maryland là hai trong nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập bắt buộc cả sinh viên lẫn giáo viên phải tiêm vắc xin. Trong khi đó, Đại học Connecticut lại chỉ áp đặt quy định bắt buộc tiêm vắc xin cho sinh viên nhưng lại “chừa” đội ngũ giảng viên và nhân viên ra.

Hai trường đại học công lập thuộc nhóm lớn nhất nước Mỹ là Đại học California (UC) và Đại học bang California (SCU) - nơi có hơn 750.000 sinh viên đang theo học - trước đó vẫn đang “án binh bất động” trong việc tiêm vắc xin với lý do “chờ cho đến khi có ít nhất một loại vắc xin COVID-19 được FDA phê duyệt chính thức”. Tuy nhiên, mới đây cả hai trường đại học này vừa đưa ra quy định bắt buộc tiêm vắc xin đối với toàn bộ sinh viên và đội ngũ nhân viên.

 

Vẫn có nhiều sinh viên phản đối quy định bắt buộc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do nhà trường đề ra. Ảnh: Joseph Prezioso/AFP/Getty
Nhiều sinh viên phản đối quy định bắt buộc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do nhà trường đề ra - Ảnh: Joseph Prezioso/AFP/Getty

Có không ít trường hợp sinh viên đã đệ đơn ra tòa án để kiện các quy định bắt buộc tiêm vắc xin do một số trường đại học đề ra.

Cách đây một tháng, tòa án đã bác đơn khiếu nại của 8 sinh viên Trường đại học Indiana khi họ khiếu nại việc nhà trường đã vi phạm “quyền tự do thân thể” được quy định trong Hiến pháp của Mỹ khi ép buộc sinh viên phải chấp nhận các yêu cầu y tế mà họ không mong muốn.

Một phiên tòa khác ở Chicago cũng đã từ chối thụ lý đơn kiện của luật sư James Bopp khi ông đại diện cho một nhóm sinh viên phản đối quy định bắt buộc tiêm vắc xin của trường đại học.

“Tại sao những thanh niên này, vốn có nguy cơ mắc COVID-19 thấp, lại bị buộc phải tiêm vắc xin trong khi họ phải đối mặt với những mối nguy hiểm tiềm tàng từ các loại vắc xin chỉ mới được FDA cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp?”, luật sư Bopp nêu lý lẽ.

Các trường đại học bên ngoài nước Mỹ quy định thế nào?

Tờ Times of India cho biết, hầu hết các trường đại học thuộc Vương quốc Anh đều khuyến khích sinh viên quốc tế tiêm vắc xin đầy đủ trước khi quay trở lại trường.

Tuy nhiên, một số nơi như Anh, Scotland, xứ Wales và Ireland yêu cầu tất cả sinh viên quốc tế đến từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) phải cách ly tập trung bắt buộc. Một số trường đại học còn cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin cho sinh viên quốc tế khi họ quay lại trường.

 

Một số trường đại học tại Canada đang xem xét các quy định bắt buộc tiêm vắc xin cho sinh viên như là điều kiện để được phép vào bên trong khuôn viên trường học - Ảnh: Colin Butler/ CBC News
Một số trường đại học tại Canada đang xem xét các quy định bắt buộc tiêm vắc xin cho sinh viên như là điều kiện để được phép vào bên trong khuôn viên trường - Ảnh: Colin Butler/ CBC News

Canada chưa có yêu cầu cụ thể về việc tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của hãng tin Global News, căn cứ trên chính sách phòng chống COVID-19 của các trường đại học thì sinh viên quốc tế có thể sẽ phải bị cách ly bắt buộc 15 ngày tại các khách sạn do chính quyền quy định.

Một số trường như Cao đẳng Seneca College, Đại học Waterloo, Đại học Wilfrid Laurier, Đại học McMaster University và Đại học Toronto thì đưa ra yêu cầu bắt buộc sinh viên phải tiêm vắc xin đầy đủ mới được phép vào giảng đường hoặc lưu trú tại các khu ký túc xá.

Kết quả từ cuộc khảo sát chung của hai trường đại học lớn ở Úc là Đại học Tây Úc và Đại học Sydney với 1.200 người dân Úc công bố mới đây cho thấy, phần lớn người được hỏi (73%) đồng ý với việc chính phủ cần quy định tiêm vắc xin là điều kiện bắt buộc cho mục đích làm việc, đi lại và học hành. Việc áp dụng các chính sách phòng chống dịch cũng đang được các trường đại học ở Úc triển khai một cách chặt chẽ.

Ngoài ra, các quốc gia đều yêu cầu sinh viên quốc tế có xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR với kết quả âm tính.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI