PNO - Những năm 1990 - 2020 chứng kiến sự bùng nổ của thời trang nhanh. Dù vậy, tác động từ đại dịch, chuỗi cung ứng và nhận thức của người tiêu dùng đã khiến sự tăng trưởng thời trang nhanh chậm lại, thay vào đó là nhu cầu về thời trang bền vững.
Một nhà hoạt động của tổ chức Green Peace trình diễn chiếc váy “Nữ hoàng thùng rác” dài 7m làm từ quần áo đã qua sử dụng với thông điệp “Trào lưu hôm nay, rác thải ngày mai”
Vàng son một thuở
Thuật ngữ “thời trang nhanh” lần đầu xuất hiện trên thời báo New York vào những năm 1990 khi mô tả Zara, chuỗi cửa hàng quần áo Tây Ban Nha, với khả năng đưa hàng may mặc đến cửa hàng trong vòng 15 ngày kể từ giai đoạn thiết kế. Thời trang nhanh nghĩa là quần áo được các tập đoàn lớn sản xuất hàng loạt theo cách thức toàn cầu, thống nhất giống như các chuỗi thức ăn nhanh. Các ví dụ nổi bật khác của các tập đoàn thời trang nhanh bao gồm H&M, Uniqlo, TopShop, Primark và SHEIN.
Mô hình lợi nhuận của các công ty này dựa vào việc cắt giảm chi phí sản xuất cùng khả năng phân phối càng rộng và nhanh càng tốt. Khái niệm “nhanh” đề cập đến cả tốc độ các mặt hàng thời trang đến tay người tiêu dùng cũng như việc người tiêu dùng chỉ sử dụng chúng trong thời gian ngắn. Các cửa hàng bán lẻ thay đổi lượng hàng và thêm các mặt hàng mới hằng tuần. Nhu cầu của công chúng cũng thay đổi tương ứng. Người tiêu dùng muốn chưng diện hợp thời trang với chi phí thấp. Công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu dùng thời trang nhanh. Internet, với điểm nhấn là mạng xã hội, cho phép người tiêu dùng tiếp cận các xu hướng và phong cách mới nhất. Nhiều người tiêu dùng thời trang nhanh bị mê hoặc bởi văn hóa người nổi tiếng và thời trang cao cấp, trang phục theo yêu cầu - nơi mặt hàng được sản xuất thủ công từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, ngân sách của họ thường không đủ khả năng chi trả cho những món đồ như vậy. Do đó, họ thỏa hiệp với các mặt hàng “rẻ tiền” hoặc chất lượng thấp ở các dòng thời trang nhanh.
Ngành công nghiệp thời trang tiếp tục tiến lên nhờ các nền tảng thương mại trực tuyến. Nhiều công ty thời trang đã thay chiến lược tăng trưởng từ mở rộng theo kênh địa lý và chuỗi cửa hàng sang sự hiện diện kỹ thuật số - cả trong bối cảnh bán hàng trực tuyến và gia tăng sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội. Một tác dụng khác của mạng xã hội là rút ngắn thời gian sử dụng và số lần sử dụng của một loại quần áo. Nhiều người dùng mạng xã hội cho biết họ không muốn bị bắt gặp tham dự hai sự kiện khác nhau với cùng một bộ trang phục. Theo công ty tư vấn quản lý McKinsey, sản lượng hàng may mặc toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 - 2014, thời kỳ trung bình một người mua nhiều quần áo hơn 60% nhu cầu nhưng chỉ giữ chúng trong tủ áo một nửa thời gian so với trước.
Thay đổi từ thời COVID-19
Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu - trị giá 3.000 tỷ USD, chiếm 2% GDP của thế giới - đang có sự thay đổi lớn sau đại dịch COVID-19. Khi mọi người buộc phải làm việc tại nhà để giãn cách, nhu cầu về quần áo thời trang giảm mạnh. Khách hàng quay sang chọn những món đồ thoải mái, thông dụng. Những tháng gần đây, giá năng lượng tăng cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt càng khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, ngại mua sắm quần áo mới. Thị trường thời trang còn bị đe dọa bởi các hạn chế vận chuyển và việc đóng cửa các đơn vị sản xuất đã ảnh hưởng đến việc thu mua vải, làm chậm quy trình hoàn thiện đơn hàng. Các thương hiệu hiện đang vật lộn để duy trì chuỗi cung ứng dựa vào nguồn lao động giá rẻ, biên lợi nhuận mỏng và không có khả năng chống chịu với bất ổn kinh tế.
Mạng xã hội và những người có ảnh hưởng góp phần thúc đẩy thời trang nhanh phát triển dựa trên các quảng cáo thu hút người tiêu dùng
Tâm lý của người tiêu dùng đối với ngành thời trang nhanh cũng đang thay đổi. Theo công ty nghiên cứu thị trường DJS Research, 58% người tiêu dùng được khảo sát khẳng định họ sẽ bỏ thói quen mua sắm thời trang nhanh, trong khi 61% có kế hoạch tái sử dụng hoặc phối lại quần áo của họ. Mặt khác, thời trang nhanh còn gây thiệt hại không thể kể xiết cho hành tinh, đồng thời bóc lột công nhân. Ngành công nghiệp này chiếm tới 8% lượng khí thải carbon toàn cầu. Báo cáo của Global Fashion Agenda - một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy sự hợp tác trong ngành thời trang về tính bền vững - vào tháng Sáu năm nay kết luận, thời trang phải giảm sử dụng các nguồn tài nguyên và tránh tạo ra quá nhiều khí thải, đồng thời “các hệ thống phải được thiết lập để trả lương đủ sống cho tất cả công nhân may mặc”.
Ngày 30/5, thông tin chuỗi cửa hàng thời trang nhanh Missguided (Anh) sụp đổ do các khoản nợ không trả được đã làm dấy lên một làn sóng hứa hẹn sự kết thúc của kỷ nguyên thời trang nhanh. Sức hút từ các thương hiệu như Boohoo hay Pretty Little Thing vốn tiêu biểu cho thời trang nhanh và đã hưởng lợi nhiều năm từ thị hiếu người tiêu dùng đang dần hạ nhiệt. Vào tháng Năm, Boohoo cảnh báo rằng tăng trưởng doanh số bán hàng sẽ chậm lại lần thứ tư trong năm. Công ty này và công ty Asos đã cảnh báo các nhà đầu tư về tình trạng thu nhập kém hơn vào năm 2022. Giá cổ phiếu của cả hai đều đã giảm mạnh sau thời kỳ đại dịch.
Phải thay đổi
Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi chấm dứt thời trang nhanh vào năm 2030, đồng thời công bố mở rộng các quy tắc thiết kế sinh thái có thể áp dụng cho bất kỳ sản phẩm nào trong tương lai, bắt đầu với hàng dệt may. Các quan chức châu Âu cũng muốn những công ty thời trang lớn tiết lộ số lượng hàng tồn kho họ chuyển đến bãi rác. Các quy tắc thiết kế sinh thái của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ bao gồm độ bền và khả năng tái chế trong tương lai.
Một gian hàng Uniqlo ở khu mua sắm Ginza của Tokyo mô phỏng cách quần áo được làm từ chai nhựa tái chế
Ví dụ, các nhà sản xuất có thể phải sử dụng một lượng nhất định nguyên liệu tái chế trong hàng hóa hoặc hạn chế sử dụng các vật liệu khó tái chế. Nhóm quy tắc được đề xuất cũng sẽ buộc các công ty phải đại tu thiết kế quần áo của họ nhằm đáp ứng danh sách các tiêu chí điều chỉnh mọi thứ, từ cách giặt ủi đến thời gian sử dụng, lượng sợi có thể tái chế nhằm giảm tác động đến môi trường. Bộ quy tắc có thể đánh dấu chấm hết cho sợi tổng hợp chất lượng thấp, may mặc kém chất lượng và các lối tắt sản xuất khác vốn khiến quần áo dễ bị hỏng trong quá trình giặt. Nói cách khác, sự thoái trào của quần áo sản xuất hàng loạt nhanh chóng, giá rẻ đang đến rất gần.
Trong hai thập niên qua, giá hàng may mặc đã giảm khi các công ty chuyển sang sử dụng các loại vải tổng hợp làm từ nhiên liệu hóa thạch, rẻ hơn sợi bông và được sản xuất riêng tại châu Á. Decathlon, Uniqlo và H&M cho biết họ đang làm việc với các nhà sản xuất châu Á từ Trung Quốc đến Ấn Độ để chuẩn bị cho các quy định mới từ Brussels nhưng không phải ai cũng tham gia. Riêng những người ủng hộ trong ngành nói kế hoạch của EC sẽ hướng các công ty sang sản xuất hàng may mặc lâu dài dù hiện tại thời trang nhanh chưa bị xóa sổ. Hãng SHEIN của Trung Quốc vẫn tung ra tới 7.000 sản phẩm mỗi tuần, nhiều hơn thành quả Zara làm được suốt một năm. Rộng hơn, tâm lý của người mua đang chuyển dịch. McKinsey cho biết: "Thái độ của người tiêu dùng đang thay đổi sau đại dịch. Nhiều người chấp nhận cách tiếp cận ít hơn thay vì nhiều hơn”. Khảo sát cho thấy, 65% người mua sắm "có kế hoạch mua nhiều mặt hàng chất lượng cao, bền hơn và nhìn chung, người tiêu dùng coi “độ mới” là một trong những yếu tố ít quan trọng nhất khi mua hàng".
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.