|
Hiện nay, kim cương nhân tạo được nhiều người nổi tiếng ưa chuộng |
Vì tính thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng, tình trạng bóc lột dân khai thác bản địa cộng với việc các mỏ kim cương tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức, ngành công nghiệp khai thác kim cương đang bắt đầu có sự điều chỉnh để thích nghi mà vẫn không làm giảm giá trị của những viên đá lấp lánh.
Kim cương nhân tạo: Tại sao không?
Những năm gần đây, kim cương nhân tạo được sử dụng khá phổ biến. Chúng được cả người nổi tiếng như diễn viên Emma Watson hay công nương Meghan Markle ưa chuộng. Nghe “kim cương nhân tạo”, hẳn bạn đã có hình dung sơ lược: Tương tự sự khác biệt giữa ngọc trai thiên nhiên và ngọc trai nhân tạo.
Tuy nhiên, xét về đặc trưng hóa - lý, kim cương được chế tạo trong phòng thí nghiệm không khác kim cương được khai thác tự nhiên. Ngoài kích cỡ, điều làm nên giá trị của một viên kim cương chính là những đường cắt gọt sắc nét của chúng hay nói khác đi là phụ thuộc vào đôi tay của người thợ kim hoàn.
Đối với các doanh nghiệp, ưu điểm của việc sử dụng kim cương nhân tạo là giảm chi phí sản xuất. Do đó, tỷ suất lợi nhuận của kim cương nhân tạo thường cao hơn kim cương tự nhiên từ 16 - 40% vì hạn chế được việc phải qua nhiều khâu trung gian.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm tưởng quá trình sản xuất kim cương nhân tạo tiêu tốn rất nhiều năng lượng, vì thế sẽ tác động đến môi trường.
Thực tế, theo Sidney Neuhaus và Jessica Warch - hai nhà sáng lập thương hiệu kim cương nhân tạo Kimaï: “Nếu tính đến tác động xã hội và môi trường thì hệ quả của việc khai thác kim cương tự nhiên còn lớn hơn, từ việc phá hủy môi trường để khai thác, bóc lột nhân công địa phương, thậm chí là vấn đề về an toàn tính mạng…”. Không phải ngẫu nhiên khi từ lâu, kim cương thường gắn liền với “máu”.
|
Ngoài kích cỡ, điều làm nên giá trị của một viên kim cương chính là những đường cắt gọt sắc nét |
Các nhà sản xuất kim cương nhân tạo đang nỗ lực định vị lại ngành công nghiệp kim cương và dòng trang sức cao cấp này trong nhận thức của người tiêu dùng bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, người mua có thể tìm hiểu quy trình sản xuất kim cương tại phòng thí nghiệm cũng như các bước gia công trang sức tại những nơi khác nhau trên thế giới, từ các thợ thủ công lành nghề.
Bên cạnh đó, các thương hiệu như Kimaï cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp, tư vấn cho các khách hàng đặt riêng.
“Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, Kimaï tập trung nhiều vào việc định hướng ý thức người dùng về kim cương nhân tạo. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là muốn thế giới chấm dứt việc khai thác kim cương phi đạo đức để bảo vệ môi trường và cuộc sống của những người dân địa phương” - Warch chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, các nhà sản xuất kim cương nhân tạo còn áp dụng mô hình ít lãng phí hơn để giảm sức ép đến môi trường. Nếu thời trang có ứng dụng ảo thì với kim cương, thay vì thiết kế và sản xuất hàng loạt, các thương hiệu ưu tiên sản xuất những sản phẩm khách hàng ưa chuộng. Mỗi tháng, nhà sản xuất chỉ tung ra các mẫu trang sức mới nếu mẫu đó được đặt hàng. Điều này giúp họ tránh được việc tồn kho và lãng phí trong nhiều khâu.
Tái chế kim cương: Hướng đi bền vững
Tái chế đã trở thành khái niệm quen thuộc của thế kỷ này và được xem là biểu trưng của sự bền vững. Mang lại vòng đời mới cho những món đồ đã cũ là cách các nhà thiết kế thời trang đã và đang nỗ lực nhằm hạn chế rác thải ra môi trường. Các nhà sản xuất kim hoàn, trong đó có kim cương, cũng không đứng ngoài quy luật ấy.
Những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và nhận thức của khách hàng đang thúc đẩy sự phát triển thị trường kim cương tái chế. Theo dự báo của McKinsey, năm 2025, 20 - 30% doanh thu từ mặt hàng trang sức cao cấp trên thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi khái niệm phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, việc tái chế kim cương phù hợp với khái niệm phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới. Lượng khí thải carbon của kim cương tái chế trong quá trình đánh bóng, cắt, thiết kế và đưa sản phẩm trở lại thị trường ít hơn nhiều so với quá trình khai thác kim cương tự nhiên hay sản xuất kim cương nhân tạo.
Khác với thị trường second-hand của thời trang và túi xách, kim cương có thể lưu hành trên thị trường cả thập niên hoặc hàng trăm năm mà không bị mài mòn. Do đó, các nhà tái chế kim cương sử dụng màu sắc, độ trong, kích thước và những đường cắt làm tiêu chuẩn định giá. Rủi ro chiết khấu mà người bán lại phải chịu là rất thấp.
Mặt khác, nguồn kim cương tái chế có thể bù đắp vào khoảng trống thị trường do việc sản xuất kim cương tự nhiên suy giảm trong khi nhu cầu kim cương vẫn không ngừng tăng. Không thể không ngưỡng mộ người đã nghĩ ra “chiêu” quảng cáo nhẫn kim cương - gọi đó là biểu tượng của một tình yêu vĩnh cửu khiến bao đôi lứa đều “đâm đầu” chọn cho được một chiếc.
Theo David Kellie, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kim cương tự nhiên, xu hướng tiêu thụ kim cương tái chế sẽ bùng nổ tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
|
Kim cương có phải là biểu tượng vĩnh cửu duy nhất trong tình yêu? |
Những gã khổng lồ trong ngành như Tiffany & Co. và Cartier hiện vẫn chưa mở rộng chuỗi cung ứng sang lĩnh vực kim cương tái chế. Hai hãng hiện chỉ đang dừng lại ở thái độ minh bạch trong việc sử dụng nguồn gốc kim cương cũng như thợ thủ công.
Dù vậy, nhiều thương hiệu trang sức có lịch sử lâu đời vẫn đang tìm kiếm những viên kim cương kinh điển trong quá khứ và tìm cách mua lại để bổ sung vào kho lưu trữ. Cách tiếp cận đó không chỉ phù hợp với khái niệm tái chế kim cương mà còn giúp họ thiết lập văn hóa thương hiệu. Tất nhiên, với những viên kim cương được xem là bảo vật, chẳng ai nỡ cắt xẻ chúng.
Người ta sẽ khoác cho chúng một chiếc áo mới bằng cách gia công phụ kiện đi kèm. Cuối cùng, khi kim cương đã và đang dịch chuyển sang kỷ nguyên mới thì chính con người cũng nên dần thay đổi suy nghĩ xem kim cương là biểu tượng vĩnh cửu duy nhất của tình yêu.
Thư Hiên