Kỳ nghỉ kinh hoàng: Lòng hận thù đáng sợ hơn tất cả

26/06/2013 - 13:02

PNO - PN - Một nhóm học sinh đi dã ngoại ở ngọn núi cách xa khu dân cư. Thời tiết xấu khiến mọi người càng đi càng bị lạc sâu vào rừng. Mưa lớn làm đá lở vùi lấp lối mòn xuống núi. Không còn cách nào khác, họ đành phải chờ cho qua...

Được đạo diễn Ngọc Hùng dựng lại từ vở Ngôi trường số 13 (TG: Gia Bảo) từng diễn tại sân khấu Trần Cao Vân trước đây, Kỳ nghỉ kinh hoàng có sự thay đổi khá nhiều trong mạch kịch và các tình huống, do vậy bản dựng mới này thuyết phục và dễ chịu hơn. Chuyện xoay quanh một nhóm học sinh cấp III với những tính cách nghịch ngợm, hồn nhiên là chất xúc tác chính tạo nên những tiếng cười dí dỏm cho vở diễn. Khán giả trẻ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của mình và bạn bè ở các nhân vật: Mẫn Nhi đỏng đảnh, nhõng nhẽo vì được ba mẹ cưng chiều chăm sóc quá mức; Hưng thật thà, hiền lành đến mức hơi ngố nhưng đáng yêu; Ngọc mạnh mẽ, chững chạc do phải tự lập từ rất sớm…

Ky nghi kinh hoang: Long han thu dang so hon tat ca
Yếu tố kinh dị chỉ là cái cớ để dẫn dắt câu chuyện dí dỏm nhưng cũng khá xúc động - ảnh T.V.

Vở kịch với những bóng ma ẩn hiện rồi mất hút chỉ là cái cớ để dẫn dắt câu chuyện. Cách lý giải về những bóng ma ở phần kết khá thuyết phục để mở ra nhiều điều khiến người xem phải suy ngẫm. Lòng hận thù sẽ giết chết tâm hồn, khiến con người trở nên độc ác và đáng sợ. Chỉ có tình yêu thương chân thành mới giúp con người hóa giải được những đau đớn, hận thù để tìm về một cuộc sống yên bình. Vở diễn còn là lời cảnh báo cho giới trẻ: đôi khi chính sự ích kỷ và hành động nông nổi nhất thời có thể đẩy con người đến cái chết và khiến gia đình rơi vào bi kịch không lối thoát.

Đạo diễn đã “dũng cảm” khi đẩy lớp diễn khá xúc động để kết thúc vở diễn thuộc đề tài kinh dị-hài này. Bên cạnh đó là cách xây dựng tình huống nhẹ nhàng, khai thác yêu tố tâm lý và tình yêu thương vô bờ của cha mẹ dành cho con cái đã đủ sức tạo được sự mượt mà cho vở.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI