Kỳ nghỉ cuối năm không bình yên

23/12/2013 - 15:50

PNO - PN - Năm 2013 được xem là một năm “không bình yên” đối với nhiều chính khách hàng đầu thế giới, ngay cả khi thời gian còn lại chỉ tính bằng ngày.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì cuộc họp báo cuối năm, đánh giá các hoạt động của nước Mỹ trong năm qua. Uy tín của Nhà Trắng và cá nhân ông Obama đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Nhiều ý kiến còn cho rằng, năm 2013 là năm tồi tệ nhất trong 5 năm cầm quyền của ông. Dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn bày tỏ lạc quan và hy vọng nước Mỹ có những đột phá trong năm tới.

Ky nghi cuoi nam khong binh yen

Tổng thống Barack Obama tại cuộc họp báo cuối năm 2013 (ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ xuất hiện “tự tin và thoải mái” trước khi lên đường đến Hawaii nghỉ Giáng sinh cùng gia đình. Các nhà phân tích cho rằng, trong vô vàn khó khăn bủa vây, những ngày cuối năm vẫn le lói “điểm sáng” trong hoạt động của chính phủ Mỹ. Quý III vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng trưởng 4,1% - mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Đối với việc triển khai luật cải tổ bảo hiểm y tế (ObamaCare), Tổng thống khẳng định, dù còn một số vấn đề với trang mạng HealthCare.gov, nhưng có hơn một triệu người đã đăng ký bảo hiểm y tế mới trong vài tháng qua. Một sự kiện còn khiến ông Obama thở phào nhẹ nhõm là Thượng viện Mỹ hôm 18/12 đã thông qua dự luật ngân sách, tháo gỡ nguy cơ chính phủ Mỹ bị đóng cửa lần nữa vào tháng Hai.

Ky nghi cuoi nam khong binh yen

Bà Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ ba (ảnh: Bloomberg)

Nhưng, kỳ nghỉ Hawaii của Tổng thống Obama dường như sẽ khó yên ả. Liên quan đến những tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Edward Snowden, người hiện đang tị nạn tạm thời tại Nga, về việc NSA thu thập dữ liệu thông tin liên lạc của công dân Mỹ - một vấn đề đang nóng lên tại Washington - Tổng thống Obama cho biết, ông đang chuẩn bị “một tuyên bố dứt khoát về việc này trong tháng Giêng”. Thỏa thuận “ngưng bắn” trong cuộc chiến ngân sách giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cũng chỉ có hiệu lực tạm thời, ông chủ Nhà Trắng vẫn phải đặt vấn đề này trong tầm ưu tiên giải quyết. Tổng thống còn phải hao công tổn sức cho các vấn đề hóc búa như kiểm soát súng trong nước và các nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân chính thức với Iran, việc rút quân khỏi Afghanistan một cách danh dự và hiệu quả.

Khác với Tổng thống Obama, năm 2013 là năm được đánh giá “khá thành công” của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hai nhiệm kỳ đầu của bà bị chi phối bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và “sự hỗn loạn cấp tính” ở khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone. Bà Merkel nổi lên như một nhà lãnh đạo chi phối châu Âu, được ca ngợi về phong cách quản lý mang lại sự ổn định tình hình và có công “quảng bá” cho sức mạnh của nền kinh tế Đức.

Ngày 17/12, bà Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ ba. Nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Merkel bắt đầu sau nhiều tuần thương thuyết căng thẳng giữa đảng Liên minh dân chủ/xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xã hội dân chủ (SPD). Về lý thuyết, nhiệm kỳ của bà Merkel sẽ kéo dài đến năm 2017. Như vậy trong 12 năm tại nhiệm của mình bà Merkel làm việc với ba đời Tổng thống Mỹ, vượt kỷ lục của “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, người nắm ba nhiệm kỳ Thủ tướng Anh trong vòng 11 năm.

Ky nghi cuoi nam khong binh yen

Những nụ cười “năm cũ”: Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp Tổng thống Barack Obama tại Bangkok tháng 11/2012 (ảnh: Reuters)

Theo các nhà phân tích quốc tế, nhiệm kỳ thứ ba của bà Merkel sẽ ít ngoạn mục hơn và tập trung trở lại “mặt trận trong nước” với các chính sách về thuế và năng lượng. Bà Merkel bước vào kỳ nghỉ cuối năm trong bối cảnh phe đa số thiên tả trong Quốc hội Đức, cùng với SPD, đảng Xanh và đảng Linke cực hữu, nắm giữ 320/631 ghế - mối họa tiềm ẩn lơ lửng trên đầu chính phủ mới của bà.

Ở châu Á, Thái Lan là nước chia tay năm cũ đón năm mới trong nhiều lo âu. Cuộc khủng hoảng chính trị dường như chưa có điểm dừng đang khiến chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra rơi vào tình trạng tê liệt.

Ngày 21/12, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha cảnh báo, nếu cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào tháng 2/2014 diễn ra trong tình hình khủng hoảng chính trị như hiện tại, nước này sẽ có nguy cơ xảy ra “nội chiến”. Tướng Chan-ocha kêu gọi chính phủ và phe đối lập hãy ngồi vào bàn đàm phán và đi đến một thỏa hiệp, sau đó mới tổ chức bầu cử. Phát biểu của lãnh đạo quân đội Thái được đưa ra sau khi đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử tháng Hai, bác bỏ nỗ lực cuối cùng của Thủ tướng Yingluck, đe dọa đưa Thái Lan đến bờ vực xung đột.

 CẨM HÀ (Theo CNN, AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI