Kỷ lục thế giới cũng “thượng vàng hạ cám”

14/07/2023 - 06:39

PNO - Có 3 đơn vị ghi nhận các kỷ lục thế giới, gồm Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness, Hiệp hội Kỷ lục thế giới và Liên minh Kỷ lục thế giới.

 

David Vencl, 40 tuổi, đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness với kỷ lục lặn 52,1 mét dưới mặt băng trong
David Vencl, 40 tuổi, đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness với kỷ lục lặn 52,1 mét dưới mặt băng trong 1 phút 54 giây mà không sử dụng đồ lặn, vào ngày 15/3/2023


 Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness (Guinness World Records, có trụ sở ở Anh) ra đời lâu nhất (năm 1955) nên được xem là đơn vị uy tín nhất thế giới trong việc ghi nhận, thẩm định các kỷ lục trong mọi lĩnh vực của cuộc sống trên phạm vi toàn thế giới. 

Hiệp hội Kỷ lục thế giới (World Record Association, có trụ sở ở Hồng Kông, Trung Quốc) ra đời năm 2008, chủ yếu để xác lập các kỷ lục cho người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới, sau này mở rộng cho các quốc gia khác. 

Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings, có trụ sở ở Mỹ và Ấn Độ) do 5 tổ chức kỷ lục quốc gia và khu vực sáng lập ban đầu, trong đó có Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings). Tính đến nay, liên minh này có 22 tổ chức thành viên, trong đó có 2 đơn vị của Việt Nam là VietKings và Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld).

Với Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness, để xin cấp giấy chứng nhận kỷ lục, cá nhân hoặc đơn vị phải nộp đơn đăng ký trực tuyến, chờ nhận phản hồi, hướng dẫn trong vòng 12 tuần; nếu muốn được phản hồi nhanh trong 2-5 ngày thì phải trả phí ưu tiên, từ 500-820 euro tùy theo đơn đề nghị xác lập kỷ lục mới hoàn toàn hay phá kỷ lục cũ. Sau khi nộp bằng chứng để xin ghi nhận kỷ lục, nếu muốn được tổ chức này thẩm định ưu tiên (chỉ mất từ 2-5 ngày), cá nhân hoặc tổ chức phải đóng từ 350-440 euro để không phải chờ đợi theo thời hạn tiêu chuẩn 12 tuần. Những kỷ lục do Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận có đủ loại, từ có ý nghĩa, truyền cảm hứng đến vô thưởng vô phạt. 

Những kỷ lục xúc động, nhân văn thường do người khuyết tật lập. Chẳng hạn, kỷ lục Guinness năm 2022 ghi nhận anh Zion Clark (Mỹ) là người không chân chạy bằng tay nhanh nhất thế giới trên quãng đường 20m. Sau đó, Zion Clark còn lập kỷ lục Guinness khi trở thành võ sĩ không chân đầu tiên thi đấu môn MMA. Anh Zion Clark khi chào đời đã không có chân, chỉ có một nửa người do bị triệu chứng hiếm gặp ở cột sống. Tháng Tư vừa qua, Liên minh Kỷ lục thế giới cũng chính thức công bố Mark Inglis là nhà leo núi khuyết chân đầu tiên chinh phục đỉnh Everest sau 40 ngày leo. 

Những kỷ lục vô thưởng vô phạt cũng nhiều, nhất là những kỷ lục do Hiệp hội Kỷ lục thế giới công nhận ở Trung Quốc. Có thể kể, kỷ lục số người chụp ảnh tự sướng trong căn hộ 27m2 cùng lúc nhiều nhất trên thế giới; người đếm được nhiều tờ tiền bằng nhiều ngón tay trong vòng 30 giây nhất thế giới; người chặt dừa nhiều nhất thế giới bằng chân trần trên dao làm bếp trong 100 giây.

Mặc dù hướng đến những thành tích độc, lạ nhưng Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness vẫn thẳng tay loại bỏ những kỷ lục gây nguy hại đến sức khỏe. Tổ chức này đã loại bỏ hạng mục nụ hôn lâu nhất thế giới, thời gian thức liên tục không ngủ sau khi đã có vài người lập. 

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI