Kỷ lục hơn 400.000 ca mắc COVID-19 trong 1 ngày

18/10/2020 - 07:40

PNO - Theo Reuters, Mỹ Latinh cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chiếm khoảng 27% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu, tiếp theo là châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu.

Hơn 400.000 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Trong ngày 17/10, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 400.000, mức tăng kỷ lục trong một ngày khi phần lớn các quốc gia châu Âu ban hành các hạn chế mới để kiềm chế sự lây lan.

Châu Âu, nơi đã ngăn chặn thành công đợt lây nhiễm đầu tiên, hiện đang chật vật giải quyết đợt bùng phát dịch mới trong những tuần gần đây. Trung bình ghi nhận thêm 140.000 trường hợp mắc mới COVID-19 mỗi ngày trong tuần qua, nhiều hơn so với số ca của Ấn Độ, Brazil và Hoa Kỳ cộng lại.

Dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng tại châu Âu.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trên toàn thế giới

Theo phân tích của Reuters, trong số 100 trường hợp nhiễm virus được ghi nhận trên toàn cầu, 34 ca đến từ các nước châu Âu. Khu vực này hiện báo cáo thêm 1 triệu bệnh nhân dương tính COVID-19 cứ sau 9 ngày, tính đến nay đã xác nhận hơn 6,3 triệu ca nhiễm virus, kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan tại đây.

Các quốc gia lớn ở châu Âu bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Nga, Hà Lan và Tây Ban Nha chiếm khoảng một nửa số ca mắc mới của châu Âu trong tuần, tính đến ngày 18/10.

Cụ thể, Pháp trung bình xác nhận 19.425 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua cao nhất ở châu Âu, tiếp theo là Vương quốc Anh, Nga, Tây Ban Nha và Hà Lan.

Một số quốc gia châu Âu đã đóng cửa các trường học, hủy bỏ các cuộc phẫu thuật tự chọn. Tại Tây Ban Nha, chính quyền Catalonia đã ra lệnh tạm ngừng hoạt động các quán bar và nhà hàng trong 15 ngày và hạn chế số lượng người được phép vào cửa hàng.

Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chiếm khoảng 27% tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 toàn cầu, tiếp theo là châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Tại Hoa Kỳ, quốc gia có tổng số ca mắc và tử vong lớn nhất trên thế giới, đang báo cáo số trường hợp nhiễm virus tăng cao cùng với số bệnh nhân COVID-19 nhập viện nhiều nhất kể từ đầu tháng 9.

Biểu tình phản đối các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại Anh

Những người biểu tình chống bãi khóa đã tụ tập ở trung tâm London ngày 17/10, vài giờ sau khi thủ đô Anh chuyển sang mức cảnh báo COVID-19 cao thứ 2.

Khi đợt bùng phát dịch đang diễn tiến trầm trọng, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã tăng cường các biện pháp hạn chế địa phương trên khắp cả nước, nhất là những khu vực có số ca bệnh tăng đột biến. Tuy nhiên để bảo vệ nền kinh tế, Thủ tướng vẫn cho phép các khu vực ít bị ảnh hưởng nhất được mở cửa.

Kể từ nửa đêm ngày 17/10, London đã được chuyển lên "cấp 2" hoặc "mức độ rủi ro cao" trong dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc cấm mọi người gặp gỡ bất kỳ ai bên ngoài gia đình của họ. Ngoài ra, cấm các cuộc tụ tập với quy mô 6 người trong không gian ngoài trời.

Hàng nghìn người biểu tình tại Anh phản đối các lệnh hạn chế mới.
Hàng ngàn người biểu tình tại Anh phản đối các lệnh hạn chế mới

Phản đối những hạn chế mới, hàng ngàn người đã tuần hành xuống phố Oxford, một trong những khu mua sắm nhộn nhịp nhất thế giới. Những người biểu tình coi các biện pháp mới chống COVID-19 là không cần thiết và vi phạm nhân quyền của họ. Một số phản đối việc đeo khẩu trang và tiêm chủng.

“Có rất nhiều thứ có thể giết chết bạn, bạn biết đấy, nó có thể xảy ra bất cứ ngày nào. Chúng tôi muốn tận hưởng cuộc sống của mình chứ không chỉ bị mắc kẹt ở nhà” - người biểu tình Aragorn Kyley cho biết.

Tính đến nay, 57% dân số Anh đang sống dưới các hạn chế chặt chẽ hơn phòng ngừa COVID-19.

Liên Hợp Quốc: Thế giới bị chia cắt khiến nỗ lực ngăn chặn đại dịch thất bại

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cho biết một thế giới bị chia rẽ không thể vượt qua thách thức trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Đồng thời, ông nói rõ việc tăng cường các hành động phối hợp là cần thiết để ngăn chặn hàng triệu người bị đẩy vào cảnh đói nghèo.

Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn nữa nếu các nước hợp tác cùng nhau để chống lại đại dịch đã giết chết hơn một triệu người.

“Đại dịch COVID-19 là một thách thức toàn cầu lớn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế, đối với chủ nghĩa đa phương và đối với tôi, với tư cách là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Thật không may, đó là một thử nghiệm mà cho đến nay, cộng đồng quốc tế đang thất bại” - ông Guterres nói với hãng tin Bồ Đào Nha Lusa.

Ông nói rằng nếu các biện pháp phối hợp không được thực hiện, “một loại virus siêu nhỏ có thể đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói và ảnh hưởng kinh tế tàn khốc trong những năm tới”.

Bên cạnh đó, ông Guterres cũng chỉ trích các quốc gia thiếu đoàn kết trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu khác bao gồm các cuộc xung đột ở Afghanistan, Yemen và Syria.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI