Kỷ luật không nước mắt

28/06/2014 - 08:05

PNO - PN - Câu “Thương cho roi cho vọt” ngày xưa nên được hiểu và áp dụng như thế nào trong thời hiện đại? Hãy nghe cuộc đối thoại… bất phân thắng bại về vấn đề “Có nên đánh con khi con phạm lỗi và có thái độ không ngoan” của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Quỳnh Chi chia sẻ: “Quan điểm của tôi là “kỷ luật không nước mắt”. Cần dùng lý lẽ để con hiểu vấn đề, đặt ra các quy tắc và thống nhất với con trước. Khi con vi phạm thì dùng hình phạt, nhưng hình phạt không có tính bạo lực. Ví dụ: im lặng năm phút, đứng im năm phút, vào phòng đóng cửa lại năm phút… Tôi phân biệt giữa “cần” và “muốn”: luôn đảm bảo cái con cần và dùng cái con muốn như là phần thưởng. Chỉ khi nào con giữ đúng các cam kết với ba mẹ thì mới được thưởng. Nếu vi phạm cam kết thì không được thưởng cái con muốn mà chỉ có cái con cần, nếu vi phạm nặng hơn thì bị phạt như trên".

Anh Đức Minh, chồng chị, có quan điểm ngược lại: “Tôi theo phương pháp đánh để dạy. Con trẻ có thể không biết việc gì là quan trọng và cần thiết. Nếu chiều theo ý thích của con, sẽ không tốt cho con”.

Ky luat khong nuoc mat

Gia đình chị Quỳnh Chi

Khi được hỏi biện pháp “đánh để dạy” của anh có hữu hiệu không, chị Quỳnh Chi cho biết: “Ban đầu chồng tôi theo phương pháp đánh để dạy làm con rất sợ. Chúng tôi chuyển sang phương pháp “không bạo lực” thì con rất ngoan. Tuy nhiên, được khoảng sáu tháng thì con lại bắt đầu không ngoan và chồng tôi mất kiên nhẫn, lại muốn quay về biện pháp đánh con".

Vợ chồng chị đã nhiều lần tranh luận về việc “đánh hay không đánh”, dẫn đến cãi cọ, giận hờn nhau nhưng hiện vẫn chưa thống nhất được phương pháp dạy con. Vì thế, cả hai cùng tôn trọng nguyên tắc “trước mặt con, hai vợ chồng là một”. Khi chồng lên tiếng, kể cả đánh con, vợ không có ý kiến chen vào và ngược lại, chỉ góp ý sau đó. “Chồng tôi cũng rất hạn chế đánh thật, thường chỉ cầm roi dọa đánh”, chị cho biết.

Thực tế, trẻ nhận thức rõ sự khác biệt về quan điểm của cha mẹ và có khuynh hướng “lợi dụng”. Chị Quỳnh Chi chia sẻ: “Các con có xu hướng “bắt nạt” mẹ bằng cách lý sự nhiều hơn, mẹ nói không nghe ngay, có biểu hiện “lờn mặt”. Ví dụ cụ thể về chuyện uống sữa buổi tối. Nếu tôi bảo uống sữa, con sẽ ngồi uốn éo vặn vẹo, nước mắt ngắn dài, nói liên tục, tìm đủ mọi lý do để trì hoãn việc uống sữa, có khi kéo dài cả nửa tiếng. Nhưng, nếu có ba cầm roi ngồi bên cạnh, chỉ năm phút, thậm chí một phút là con uống xong ly sữa”.

Anh Đức Minh cho rằng, khi nhận ra sự khác nhau trong cách dạy con, mỗi người sẽ có một khoảng thời gian để thử nghiệm ý tưởng của mình. Quá thời gian đó mà không đạt được mục tiêu xem như thử nghiệm thất bại. Tuy nhiên, việc thay đổi xoành xoạch các ý tưởng có thể dẫn tới sự cư xử không nhất quán với một hành vi cụ thể của trẻ. Cùng một hành vi, có khi trẻ được chấp nhận, lúc lại không.

Anh Đức Minh nói: “Chúng tôi biết rằng vợ chồng liên tục đối thoại với nhau là cần thiết, nhưng hiện nay một số giải pháp vẫn chưa thực sự mang tính thuyết phục đối với cả hai”.

 ĐẮC LAN

Vợ chồng cần thống nhất cách dạy con

Mâu thuẫn trong cách dạy con giữa vợ chồng là chuyện thường xảy ra. Hầu hết các phụ huynh đều chọn giải pháp “bấm bụng” giữ yên lặng khi chứng kiến người kia dạy con theo cách không giống mình. Một số gợi ý để các cặp vợ chồng có thể tham khảo nhằm giải quyết mâu thuẫn:

1. Việc “thử nghiệm” hết cách này đến cách khác không giải quyết được mâu thuẫn từ bên trong. Vợ chồng cần ngồi lại phân tích, trao đổi, phản biện, từ đó đi đến thống nhất phương pháp chung. Thậm chí, nếu người nào có tính thuyết phục cao thì vẫn nên theo người đó. Giải pháp phân định “lãnh vực” vợ toàn quyền dạy con và việc nào chồng sẽ toàn quyền xử lý cũng được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, tốt hơn hết vẫn là vợ chồng kiên định với phương pháp chung sau khi đã thống nhất.

2. Vợ chồng cùng đưa ra một số quy định chung cho từng hành vi cư xử và sinh hoạt trong gia đình và có quy định thưởng - phạt hợp lý cho con.

3. Trong trường hợp cả hai vợ chồng còn tiếp tục cảm thấy không xử lý được mâu thuẫn trong cách dạy con của mình, có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên viên tâm lý - giáo dục để tìm hướng giải quyết tích cực.

 Ngô Minh Uy (Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI