Kỳ lạ thai phụ không thèm đồ chua, chỉ thèm nhai thuốc lá, ăn cát, nuốt tóc

13/07/2017 - 20:30

PNO - Ngay khi phát hiện, chị D. được chồng đưa đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM thăm khám.

Từ bắt chồng bỏ thuốc, đến trộm thuốc lá của chồng ăn ngon lành

Vốn ghét khói thuốc nên từ khi lấy chồng về, chị T.T.K.D. (24 tuổi) có cảm giác… hối hận khi phải về ở chung với “đầu khói xe lửa”. Bởi nhiều lần, anh N.V.Đ. (30 tuổi, quê Tiền Giang) không giữ được lời hứa bỏ thuốc lá.

“Vì công việc nên chồng tôi thường thức khuya, anh nói lúc đó phải hút thuốc mới không mệt và có thể tập trung được. Tôi luôn bắt chồng phải nhai kẹo cao su hoặc kẹo ngọt sau khi hút thuốc xong để át đi mùi khói thuốc. Tôi không ngờ có một ngày tôi lại lén ăn thuốc lá của chồng, mà ăn ngon lành”, chị D. kể lại.

Ky la thai phu khong them do chua, chi them nhai thuoc la, an cat, nuot toc
 

Khi mang thai được 4 tuần, chị D. bỗng có cảm giác thèm thuốc lá của chồng, những cơn thèm thuồng kỳ lạ không thể kiềm chế. Trong lúc chồng đi công tác, chị vào phòng làm việc của chồng để dọn dẹp thì thấy gói thuốc mà anh Đ. bỏ quên. Quá… thèm, chị mang ra ăn thử.

Chị D. cho biết: “Lúc ăn thuốc lá thì tôi thấy khá thoải mái, càng ăn càng thấy thích thú nên nghiện ăn chúng. Tôi không hút thuốc, nhưng một ngày có thể ăn hơn một gói. Nó giống như người khác mang thai thèm đồ chua, tôi thì thèm thuốc lá”.

Do sợ người khác nghĩ bị tâm thần, chị D. không dám nói với ai, mà đợi khi mọi người không để ý chị mới lén lút ăn. Đến khi thai nhi được 16 tuần tuổi, chồng chị D. phát hiện sự việc, may mắn, chồng chị không nghĩ ngợi gì, mà lập tức đưa vợ đi khám vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con chị.

Ky la thai phu khong them do chua, chi them nhai thuoc la, an cat, nuot toc
Ngoài thuốc lá, người mắc hội chứng ăn dơ có thể ăn cát, bùn, tóc,... rất có hại cho sức khỏe


Sau khi thăm khám cho chị D., tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM nhận định, chị D. đang mắc phải Hội chứng ăn dơ (Pica) ở phụ nữ mang thai. 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho biết: “May rằng chị D. được chồng phát hiện sớm và thấu hiểu bệnh của vợ nên đưa đến bệnh viện sớm. Thuốc lá có nhiều chất độc hại, nếu thai phụ ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ lẫn thai nhi. 

Sau khi được chúng tôi giải thích rõ ràng về Hội chứng ăn dơ Pica, chị D. đã giải tỏa được tâm lý và dần kiểm soát được cơn thèm của mình. Bên cạnh đó, chồng của chị cũng quyết tâm bỏ thuốc lá và quan tâm đến vợ hơn. Cùng chị điều trị chứng bệnh này. May mắn là khi đứa trẻ được sinh ra đã phát triển bình thường, ít ảnh hưởng”.

Thai phụ ăn dơ, thai nhi có thể chết lưu, hoặc mang nhiều dị tật

Theo bác sĩ Thu Hà, khi mang thai, phụ nữ thường thay đổi về cảm giác thèm ăn. Đa số thai phụ sẽ thích ăn trái cây chua, kem, kẹo ngọt, chocolate, thịt... Một số khác lại có cảm giác thèm ăn những món lạ lùng! 

Bệnh viện Từ Dũ từng tiếp nhận thai phụ thèm ăn xà phòng, đất sét, tóc, phấn viết bảng, gạch, vôi quét tường, sơn, cát, bùn, gỗ, giấy, xăng dầu, kem đánh răng, dầu hôi, thậm chí là than... 

Đây là những món có rất ít hoặc không có chất dinh dưỡng, thậm chí có hại cho cơ thể. Lúc này, thai phụ có thể mắc hội chứng Pica hay chứng ăn dơ. 

Chứng ăn dơ này thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng có thể xảy ra với phụ nữ mang thai. Thai phụ có thể ý thức được sở thích phát sinh này nhưng không cưỡng nỗi sự thèm muốn. Nguy hiểm hơn, có người không nhận thức được sự nguy hại nên vẫn cảm thấy món đó ngon và tiếp tục ăn.

Ky la thai phu khong them do chua, chi them nhai thuoc la, an cat, nuot toc
Ngoài việc khám thai thường xuyên, thai phụ nên ý thức được những cơn thèm của mình để tránh mắc phải hội chứng ăn dơ


Những loại phi thực phẩm này ngăn chặn sự hấp thu vitamin và khoáng chất từ thực phẩm vào cơ thể, gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng cho thai phụ. 

Tùy vào chất được ăn này có chứa độc tố hoặc vi khuẩn gây bệnh mà có những tác hại nặng nề lên sức khỏe của mẹ và thai. Người mẹ sẽ bị ảnh hưởng ở nhiều cơ quan, sẩy thai hoặc thai chết lưu. Hơn hết, khi được sinh ra, đứa trẻ có thể bị dị tật.

“Không có nguyên nhân cụ thể gây nên chứng ăn dơ. Tuy nhiên, theo vài nghiên cứu Hội chứng ăn dơ thường xảy ra ở những phụ nữ mang thai thiếu sắt. Mẹ bầu thiếu vitamin hay khoáng chất cũng có cảm giác thèm ăn những thứ lạ lùng.

Ngoài ra, những người có các tình trạng sức khoẻ tâm thần nhất định như bệnh tự kỷ, tâm thần phân liệt và rối loạn ám ảnh dễ mắc chứng này”, bác sĩ Thu Hà cho biết thêm.

Ky la thai phu khong them do chua, chi them nhai thuoc la, an cat, nuot toc
Để mẹ và bé đều khỏe mạnh, thai phụ nên tìm hiểu những kiến thức và nguy cơ có thể xảy ra trong suốt thai kỳ. Một sản phụ vượt cạn thành công, bé gái khỏe mạnh và kháu khỉnh.


Phụ nữ đã từng mang thai đứa con đầu và không bị ăn dơ, thì lần mang thai sau vẫn có khả năng mắc phải hội chứng này. Ngoài ra, người đã mắc Hội chứng ăn dơ ở thai lần đầu thì khả năng tái phát ở lần mang thai sau sẽ cao hơn bình thường. Vì vậy, thai phụ cần lưu ý nếu như bản thân đã từng trải qua hội chứng này. 

Trường hợp, thai phụ mắc phải Hội chứng ăn dơ thì người thân nên bên cạnh chia sẻ để giúp họ vượt qua căn bệnh này. Lúc này, người chồng có vai trò lớn trong việc giải thích, phân tích, nên nói chuyện với vợ nhiều hơn để chị ta có thể giải tỏa tâm lý.

Tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vợ nhìn thấy, tiếp cận các món nguy hại. Song song đó, người vợ cần được bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết, có như vậy mới mang lại kết quả tốt đẹp cho cả mẹ và thai”, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà chia sẻ.

Chứng ăn dơ (Pica) ở phụ nữ mang thai là rối loạn ăn uống, người mắc bệnh này có thể ăn liên tục các chất không dinh dưỡng trong ít nhất một tháng. Chứng ăn dơ thường gặp ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi tình trạng nghén xảy ra nhiều và giảm sau đó. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp hội chứng này kéo dài suốt thai kỳ.

Khi mắc chứng ăn dơ, sức khỏe của người mẹ sẽ bị ảnh hưởng: mức độ nhẹ thì suy dinh dưỡng do thiếu chất; nặng thì ngộ độc, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ và thai. 

Thai phụ mắc chứng ăn dơ có thể bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh, máu, nội tiết, thận,… vì nhiễm độc chì. Áp xe gan, tiêu chảy, nôn ói,… nếu nhiễm ký sinh trùng. Ngoài ra, thai phụ còn có thể bị loét, thủng dạ dày, ruột, tắc ruột nếu ăn vật cứng, vật có tính chất oxy hóa. Nhiều trường hợp bị sẩy, thai chết lưu hoặc đứa trẻ được sinh ra bị nhiều dị tật cũng từ hội chứng này.

Với những người đã bị chứng ăn dơ ở thai lần đầu, khả năng tái phát ở kỳ mang thai sau đó là cao hơn bình thường. Nếu đứa con đầu thai phụ không mắc chứng ăn dơ thì lần mang thai sau vẫn có khả năng bị chứng này.

Hội chứng ăn dơ ở phụ nữ mang thai không thuộc về bệnh tâm thần. Vì vậy, khi thai phụ mắc chứng này, người thân nên giúp họ vượt qua bằng cách phân tích để họ hiểu biết, kiểm soát được hành vi của mình. 

Người bị chứng này thường hoang mang, mặc cảm nên lúc này sự quan tâm của chồng là điều hết sức quan trọng. Hãy cùng đồng hành cùng vợ mình trong việc chia sẻ, động viên trong suốt thời gian người vợ mang thai.

Đối với thai phụ cần lưu ý phải làm chủ được cảm giác của mình, nhận biết rõ về giá trị các món ăn ngon, có dinh dưỡng hay nguy hại lên thai kỳ; Thay đổi môi trường sống nếu được; Bổ sung sắt, khoáng chất, tăng cường dinh dưỡng  thông qua những thay đổi về chế độ ăn uống; Đặt những món ăn dinh dưỡng như sữa, phô mai,… nơi ưa nhìn, gần nơi hay ngồi.

Đối với thai phụ có vấn đề về tâm thần thì người thân nên chiếu hình ảnh phân biệt những món có thể ăn được và không ăn được; Không để những đồ vật mà thai phụ đang thèm trong tầm nhìn của họ; Nên hướng dẫn họ ăn những thực phẩm dinh dưỡng cần thiết.

Đối với những trường hợp do nguyên nhân  tâm thần nặng và các cách trên không hiệu quả thì cho thai phụ đến chuyên gia về tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được điều trị.

Tần suất của chứng ăn dơ ở thai phụ rất khó xác định vì sự khác biệt về tập quán và đối tượng. Theo một nghiên cứu năm 1994, 8,1% phụ nữ Mỹ gốc Phi đang mang thai ở Hoa Kỳ có thói quen ăn một lượng lớn băng tuyết. Tỷ lệ ăn dơ ở phụ nữ mang thai tại các nước đang phát triển có thể cao hơn, ước tính 63,7% và 74,0% cho hai nhóm người châu Phi khác nhau. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI