Kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra từ ngày 3-5/8 với nhiều nội dung quan trọng: nghe UBND TP.HCM báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2016, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách quốc phòng an ninh giai đoạn 2016-2020; nghe Sở GD-ĐT báo cáo kết quả hoạt động năm học 2015-2016 và công tác chuẩn bị năm học 2016-2017; chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm. Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ thảo luận, thông qua nhiều tờ trình quan trọng của UBND TP, trong đó đáng chú ý là tờ trình về giảm mức học phí cho diện bổ túc; ban hành mức chi thực hiện thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông (ba-năm triệu đồng/người)…
|
Kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra từ ngày 3-5/8 - Ảnh: Internet |
Giảm học phí, tăng hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông
Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa IX, UBND TP.HCM có một số tờ trình quan trọng để HĐND xem xét, thông qua.
1. Tờ trình xin chủ trương đầu tư các dự án công, gồm năm dự án nhóm B sử dụng vốn ngân sách của TP với tổng mức đầu tư là 718,800 tỷ đồng (đầu tư cho quốc phòng an ninh, nông nghiệp, giảm ùn tắc giao thông) và xin điều chỉnh tổng mức đầu tư một số dự án: dự án xây dựng cầu Tăng Long (Q.9) từ 91 tỷ đồng lên 450,480 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định (Q.2) từ 645,450 tỷ đồng lên 1.145,450 tỷ đồng.
2. Tờ trình về quy định cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, trong năm học 2016-2017, đối với học sinh (HS) các quận, mức học phí bổ túc trung học cơ sở là 100.000đ/HS/ tháng, giảm 50.000đ/HS/tháng so với năm học 2015-2016; học phí bổ túc trung học phổ thông là 120.000đ/HS/tháng, giảm 60.000đ/HS/tháng so với năm học 2015-2016; đối với HS tại các trường ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, mức học phí bổ túc trung học cơ sở là 85.000đ/ HS/tháng, giảm 45.000đ/HS/ tháng và mức học phí bổ túc trung học phổ thông là 100.000đ/HS/ tháng, giảm 50.000đ/HS/tháng so với năm học 2015-2016.
3. Tờ trình về việc bổ sung 14 tên đường vào quỹ tên đường của TP, theo hướng thay các tên đường Vành Đai 2, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường trục Bắc Nam (R14) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm… bằng tên các nhân vật lịch sử. Trong 14 tên đường mới đề xuất, có tên những trí thức, doanh nhân như Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Khánh, Thẩm Thệ Hà… và một sự kiện lịch sử là 30 Tháng 4.
4. Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án Bờ tả sông Sài Gòn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm, nhằm chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn, do triều cường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
5. Tờ trình về xin ý kiến ban hành quyết định quy định mức thu tiền và quản lý sử dụng khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả và phát triển đất chuyên trồng lúa nước một cách dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
6. Tờ trình về việc xét thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất; dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn TP. Cụ thể, có tám dự án cần thu hồi đất đợt 3 năm 2016 tại các quận, huyện 1, 2, 3, Bình Tân, Bình Chánh và bốn dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa đợt 3 năm 2016 tại Q.2, H.Hóc Môn và Bình Chánh…
7. Tờ trình ban hành nghị quyết của HĐND TP.HCM về mức chi thực hiện thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Theo đề xuất của UBND TP, mức chi này là từ ba-năm triệu đồng/người; thời gian đề xuất thực hiện từ ngày 1/8/2016.
8. Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách quốc phòng an ninh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong giai đoạn này, TP.HCM tạo việc làm mới cho 625.000 người; phấn đấu cuối năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%; đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/ năm; đến cuối năm 2020, đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân…
*Cử tri Nguyễn Thiên Ngôn (75 đường 21, P. Tân Quy, Quận 7): Mong có giải pháp hữu hiệu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông Tôi thường đi tuyến đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, Q.2. Tuyến đường này chỉ có hai làn xe, kết nối các đường Đồng Văn Cống, đường vành đai phía Đông với cảng Cát Lái. Hiện tại, đường Đồng Văn Cống đã được đầu tư xây dựng với lộ giới 67m, vì vậy lượng xe tập trung về nút giao thông đi vào cảng Cát Lái rất lớn, đặc biệt là xe container, trong khi đường Nguyễn Thị Định hiện hữu hẹp nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra và kéo dài. Nếu tuyến đường này được mở rộng từ hai làn thành ba làn đường cho mỗi chiều lưu thông ra vào cảng, tách rõ làn đường dành cho ô tô và làn đường dành cho xe hai bánh thì sẽ giảm ùn tắc, đồng thời giảm nguy cơ tai nạn giao thông. * Cử tri Mai Lâm Phương (Giám đốc Công ty Luật An Phú - An Khánh, Quận 2): Đừng để người dân trong khu vực giải tỏa cảm thấy bị bỏ rơi Dự án Bờ tả sông Sài Gòn là một dự án mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Q.2 nói riêng và TP.HCM nói chung. Chúng tôi ủng hộ dự án này, bởi khi hoàn thành, nó không chỉ mang lại vẻ mỹ quan mà còn giúp người dân đi lại thuận tiện, giảm nguy cơ tai nạn, nâng chất lượng môi trường sống. Nhưng chúng tôi cũng yêu cầu việc triển khai dự án phải đồng bộ, chất lượng phải bảo đảm và chính sách bồi thường phải thỏa đáng. Đừng để người dân trong khu vực bị giải tỏa cảm thấy mình bị bỏ rơi. Quỳnh Mai - Nghi Anh (ghi) |
Quỳnh Mai - Nghi Anh