Sách giáo khoa cần tốt và rẻ
Ngay những ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, các đại biểu đã tập trung “soi” phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn khi lý giải rằng, sách giáo khoa (SGK) tăng giá là do “khổ to, giấy đẹp”.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân lo giá xăng dầu tăng sẽ tạo hiệu ứng “domino” khiến giá của hàng loạt mặt hàng leo thang |
Nhiều đại biểu băn khoăn rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vật giá leo thang, liệu có cần thiết phải in SGK giấy đẹp, khổ to, tạo gánh nặng cho các gia đình có con em đi học? Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra, việc tăng chi phí mua SGK tới 2 - 3 lần còn do số đầu sách tăng lên, trong đó có nhiều loại sách tham khảo hoặc SGK nhưng không cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đề xuất: “Bộ GD-ĐT cần có quy định những sách nào là sách bắt buộc phải mua, những sách nào là sách tham khảo và phụ huynh phải được quyền từ chối mua những sách tham khảo”.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định) cũng cho rằng, việc bán sách tham khảo trong trường khiến phụ huynh phải cố gắng mua cho con để con “bằng bạn, bằng bè”. Do đó, cần hạn chế tối đa loại hình sách này và cấm bán trong nhà trường. Ông nói: “Theo tôi, đổi mới SGK là rất đúng đắn, nhưng cách làm của chúng ta chưa đúng. Nếu có sự cạnh tranh lành mạnh, sẽ có các sản phẩm tốt, rẻ hơn và đứng vững theo thời gian. Chọn cách làm tường minh và khoa học thì SGK sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng của nó”.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đối với trẻ em miền núi, con em người lao động khó khăn, hộ nghèo; khuyến khích xây dựng thư viện SGK tại các trường để cho trẻ mượn học… nhằm đảm bảo toàn bộ trẻ em được tiếp cận với SGK mới.
Dậy sóng với “cơn bão Việt Á”
Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, ngành y tế hiện nay đang trong “giai đoạn nguy cấp”. Những vấn đề của ngành y tế trong thời gian qua khiến dư luận vô cùng bức xúc, thậm chí bàng hoàng. Ngay giữa kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cách chức, bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội do những vi phạm nghiêm trọng, trong đó có hành vi buông lỏng quản lý, tác động hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đối với bộ kit xét nghiệm COVID-19; ban hành các thông báo giá các sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị chẩn đoán COVID-19.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) ví von, “cơn bão Việt Á” nổi lên đã lôi ra ánh sáng hàng loạt cán bộ y tế xà xẻo, chấm mút, chia chác của công. Những người vi phạm đã và đang tiếp tục phải trả giá cho những hành vi này.
Vấn đề y đức của y, bác sĩ trở thành đề tài nóng, nhưng theo các đại biểu, hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên chưa ngăn chặn sớm được các vi phạm, cũng như khiến nhiều người không dám làm vì sợ sai. Do đó, sau cao điểm dịch COVID-19, tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc men đang diễn ra tràn lan ở các bệnh viện, cơ sở y tế.
Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã kêu gọi Quốc hội, Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành y tế hiện nay, gồm nhân lực, cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt, cần hoàn thiện vấn đề pháp lý trong ngành.
Theo đó, trước mắt, cần ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp luật như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống dịch và những luật khác có liên quan như Luật Đấu thầu mua sắm, Luật Tài sản công và những nghị định, thông tư liên quan, đặc biệt là về hoạt động tự chủ bệnh viện.
Giá cả đè nặng lên vai người lao động
Đại biểu Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, giá cả tăng tác động tiêu cực đến từng doanh nghiệp, từng người dân, từng gia đình.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay, trước mắt, Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Ông đề xuất, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng; trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là xăng dầu, bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến sự tăng giá dây chuyền lên các mặt hàng khác.
Mức lương của người lao động trong bối cảnh “bão giá” cũng khiến các đại biểu Quốc hội trăn trở. Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nhận định: “Tôi thấy nhiều mặt hàng tăng giá nhảy vọt nhưng lương không tăng nên cuộc sống của người lao động rất khó khăn. Việc tăng lương bắt đầu từ ngày 1/7 là hết sức cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Mặc dù tăng lương gây khó khăn cho ngân sách, nhưng Bộ Tài chính đã tính toán và cân đối rất kỹ. Tăng lương cho người lao động sẽ tạo sự kích thích rất lớn, giúp họ hăng hái, nâng cao tinh thần làm việc, năng suất và hiệu quả lao động cao hơn”.
Một số đại biểu cho rằng dù phấn khởi với việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 nhưng với đà tăng giá hiện nay, mức lương này vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống của người lao động.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) tính toán, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% nhưng nếu tính từ năm 2020 tới 5 tháng đầu năm nay, mức trượt giá đã vượt quá tỷ lệ này. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương Quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu vùng năm 2023 để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động như quy định của Bộ luật Lao động.
Sớm ổn định bộ máy và tâm lý cho cán bộ ngành y tế Chiều 16/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, kỳ họp đã xem xét một khối lượng công việc lớn, đạt sự đồng thuận rất cao, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Tại kỳ họp, nhiều nghị quyết, dự án luật đã được xem xét, thông qua. Để các luật, nghị quyết này đi nhanh vào cuộc sống, Quốc hội đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”. Nghị quyết của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với các vấn đề “nóng”. Theo đó, Quốc hội đề nghị kiểm soát chặt việc biên soạn và xuất bản SGK; bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là giá xăng, dầu; nghiên cứu chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho một số đối tượng đặc thù. Liên quan tới lĩnh vực y tế, nghị quyết nêu rõ cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế, dân số nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Đặc biệt, sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Các đơn vị khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. |
Minh Quang