![Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV: Quyết định những vấn đề cấp bách, phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250212/images/ky-hop-bat-thuong-lan-_551739323896.jpg) |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 - Ảnh: Media Quốc hội |
Sáng 12/2, phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách, phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.
Tại phiên họp trù bị, các ĐBQH đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ làm việc từ ngày 12 - 19/2.
Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Từ đó, các quy định bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"; giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo hiến định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật. Trong đó, việc xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Quy định của trong dự thảo luật đưa ra nhằm hạn chế tối đa các quy trình, thủ tục không cần thiết; phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sự năng động, sáng tạo gắn với vai trò, trách nhiệm, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính...
Theo Chủ tịch Quốc hội, luật ra đời sẽ tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, để thể chế trở thành “đột phá của đột phá”, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Thứ hai, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 7 nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án.
Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị ĐBQH phát huy dân chủ, trên tinh thần "hiệu quả công việc là trên hết". Cùng với kinh nghiệm thực tiễn công tác và thực tiễn địa phương, cơ sở sẽ phản ánh, góp ý chân thành, thẳng thắn, chất lượng để toàn bộ các nội dung trong chương trình Kỳ họp được xem xét, thông qua với sự thống nhất, đồng thuận cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhất sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
H.Anh