“Rửa” xuất xứ động vật hoang dã
Nhà ông C. - ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - nuôi hàng chục con chim trích cồ đang vào thời kỳ sinh sản. Ông C. cho biết, việc gây nuôi chim trích cồ đã được pháp luật cho phép. Đầu ra của những con chim trích cồ này chính là chợ nông sản Thạnh Hóa.
Bên cạnh những chuồng nhốt chim trích cồ, chúng tôi còn thấy cả chim le le và bồng bồng. Ông C. tiết lộ, đây là chim tự nhiên, nhốt để bán làm thịt.
|
Tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có tình trạng lợi dụng danh nghĩa gây nuôi để “rửa” xuất xứ của động vật hoang dã |
Ông Nguyễn Tấn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện toàn tỉnh có 135 cơ sở, hộ gia đình đăng ký làm trại nuôi động vật rừng với tổng cộng 144.002 cá thể thuộc 30 loài, gồm 15 loài quý hiếm và 15 loài thông thường.
“Ở chợ thực phẩm Tam Nông, có một vài cơ sở gây nuôi rồi mang động vật ra đó bán. Thỉnh thoảng cũng có hộ mang động vật tự nhiên ra đó trà trộn vào. Vừa qua, chúng tôi có xử phạt một trường hợp gây nuôi động vật mang ra chợ bán nhưng số lượng bán vượt quá số đăng ký gây nuôi” - ông Thành nói.
Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - hiện các cơ sở gây nuôi động vật rừng ở tỉnh Đồng Tháp đều có đăng ký và phải có chứng nhận của lực lượng kiểm lâm khi xuất bán. Tuy nhiên, vừa qua, có một tổ chức đã phản ánh về một cơ sở xuất bán cá thể rùa có dấu của kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp ở Lạng Sơn. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lập đoàn thanh tra xuống kiểm tra cơ sở nói trên. Ông Ngoan nói: “Thực tế, cũng có trường hợp lợi dụng việc gây nuôi để bán động vật bẫy được trong tự nhiên”.
Tiến sĩ Lê Phát Qưới - chuyên gia về lĩnh vực đa dạng sinh học - cho biết chim trích cồ là động vật có tên trong Sách đỏ. Người dân có nuôi chim này nhưng chỉ nuôi với số lượng rất nhỏ. Cơ quan chức năng phải xem xét, kiểm tra kỹ để tránh tình trạng mượn cơ sở gây nuôi làm bình phong để bán chim trích cồ hoang dã.
“Cứ cho là anh nuôi 200 con chim trích cồ đi, anh bán một vài tháng là hết rồi. Vậy chim trích cồ ở đâu mà anh bán quanh năm? Nó giống như gạo Nàng thơm chợ Đào, chỉ có 400ha mà anh bán quanh năm là có vấn đề” - tiến sĩ Qưới nhận định.
Theo ông Lê Hữu Lợi - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An - trong các đợt kiểm tra tình trạng buôn bán động vật hoang dã ở chợ nông sản Thạnh Hóa, cơ quan chức năng nhận thấy, có trường hợp người dân lách luật để đối phó. Ví dụ, khi người bán nhập hàng về, lực lượng chức năng có yêu cầu kê khai số lượng nhập hàng, xuất hàng nhưng họ không ghi vào sổ sách để gian lận số lượng, trà trộn động vật hoang dã vào.
Luật Lâm nghiệp “làm khó” kiểm lâm?
Ông Nguyễn Tấn Thành cho biết, Luật Lâm nghiệp quy định “lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng như thực vật rừng, động vật rừng”. Tuy nhiên, để chứng minh một con cò được khai thác từ rừng là rất khó. Nghị định 35/2019/NĐ-CP chỉ áp dụng được cho hành vi săn bắt, mua bán động vật rừng.
Ông Thành phân tích: “Ở khu vực Tràm Chim, chim không chỉ ở trong rừng mà còn sinh sống ở đồng ruộng, vườn nhà dân. Người dân bắt một vài cá thể ở vườn nhà họ đem ra bán thì rất khó xử lý. Để xử lý, phải chứng minh động vật đó được khai thác từ rừng. Với các trường hợp như trên, mình chỉ vận động người dân thả chim về tự nhiên. Nếu chứng minh được động vật đó khai thác từ rừng, mới xử lý được theo Nghị định 35”.
Cũng theo ông Thành, nếu điều chỉnh hoặc có hướng dẫn rõ ràng về “động vật rừng”, lực lượng kiểm lâm sẽ dễ dàng xử lý hơn, bởi ở đồng bằng sông Cửu Long, rừng chỉ chiếm 1,6% diện tích. Kiểm lâm chỉ xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến động vật rừng, trong khi động vật hoang dã có thể sống ở vườn tạp, đồng ruộng, nhà dân.
Ông Lê Hữu Lợi cho biết, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra tình trạng buôn bán động vật hoang dã ở chợ nông sản Thạnh Hóa thì phát hiện có trường hợp đem động vật ra trục đường phía trước chợ bán nhưng không ai nhận là chủ sở hữu số động vật trên nên lực lượng chức năng chỉ xử lý tang vật, không xử lý được người vi phạm. Mức phạt đối với các hành vi buôn bán động vật hoang dã không nguồn gốc, xuất xứ khoảng 10 triệu đồng nhưng nhiều quyết định xử phạt không thi hành được do đối tượng bị xử phạt có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nộp phạt.
|
Nạn bẫy chim trời ở gần các khu Ramsar tồn tại nhiều năm nhưng khó xử lý vì vướng Luật Lâm nghiệp |
Ông Lợi cũng nhận định, một trong những khó khăn chung của lực lượng kiểm lâm là chứng minh nguồn gốc động vật. Diện tích rừng ở tỉnh Long An không đáng kể; chim, cò có thể sống ngoài đồng ruộng nên khó phân biệt được con nào ở trong rừng, con nào ở ngoài ruộng.
“Vừa rồi, trong một buổi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Long An, Ban Quản lý khu Ramsar Láng Sen cho biết, họ quản lý rất chặt bên trong, người dân không thể đột nhập vào được. Nhưng họ không thể xử lý được trường hợp bẫy, bắt những con chim, cò bay ra ngoài. Cái này rất khó, mình không chứng minh được động vật đó của rừng nên không thể xử phạt mà chỉ tăng cường tuyên truyền, vận động” - ông Lợi nói.
Theo tiến sĩ Lê Phát Qưới, những chợ chim tồn tại ở gần các khu bảo tồn là rất nguy hiểm. Với chợ chim Thạnh Hóa, sự lơ là của chính quyền địa phương trong giai đoạn đầu đã để hình thành một khu chợ, dần trở thành nguồn sống của người dân nên rất khó giải tán. Rất nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên đã lên án sự tồn tại của chợ chim này.
Tiến sĩ Lê Phát Qưới nhận định: “Chợ chim Thạnh Hóa ảnh hưởng rất xấu đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Khi báo chí vào cuộc phản ánh, tình trạng buôn bán, giết mổ động vật có giảm chút đỉnh nhưng sau đó vẫn tiếp diễn. Tôi đi đến chợ một mình thì thấy họ bán giang sen, vạc và những động vật quý, nhưng khi có đoàn kiểm tra thì họ giấu mất. Cơ quan chức năng phải làm quyết liệt mới chấn chỉnh được”.
Ông Qưới cho biết, đặc điểm của chim ngoài tự nhiên là di chuyển liên tục, chỗ nào có môi trường sống tốt thì chúng đến. Chim có thể từ hai khu Ramsar, khu bảo tồn dược liệu di chuyển ra đồng và bị đánh bắt. Do đó, nếu không quyết liệt xử lý nạn buôn bán động vật hoang dã, công tác bảo tồn sẽ rất khó khăn. Về lý do khó xử lý vi phạm do vướng quy định “động vật khai thác từ rừng”, ông Qưới cho rằng: “Đó là sự ngụy biện”.
Ông Qưới đặt vấn đề: “Không thể phủ nhận có sự xung đột, chồng lấn giữa các quy định pháp luật. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, mình phải tìm cái tối ưu nhất để quản lý. Tại sao không áp dụng Luật Đa dạng sinh học mà lại áp dụng Luật Lâm nghiệp? Cần nhớ rằng, bảo vệ đa dạng sinh học là chiến lược quốc gia”.
|
Sơn Vinh