Kỳ cục như... lịch thi đấu V-League

13/04/2024 - 05:58

PNO - Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) 2023-2024 vừa phải tạm dừng gần 1 tháng để đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu ở giải U23 châu Á (vòng 15 V-League kết thúc ngày 5/4, vòng 16 sẽ trở lại vào ngày 3/5). Đây không phải lần đầu, V-League tạm ngưng với lý do dồn sức cho các đội tuyển trẻ.

V-League bị coi như con ghẻ?

V-League mùa 2023-2024 bị tạm hoãn 46 ngày để đội tuyển U20 tham dự vòng loại U20 châu Á, liền đó lại tiếp tục bị dừng thêm 32 ngày để đội U22 thi đấu ở SEA Games. Tổng cộng, V-League mùa này đã phải tạm dừng 78 ngày do “vướng” 2 giải trẻ, nay vẫn tiếp tục tạm dừng do giải U23 châu Á. Lịch thi đấu giải vô địch quốc gia “nấc cụt” kiểu này chỉ có ở môi trường bóng đá Việt Nam.

V-League tạm ngưng để dồn toàn lực cho đội U23 là cách làm không giống ai. Trong ảnh: Đội U23 Việt Nam tập luyện chuẩn bị giải U23 châu Á - Nguồn ảnh: VFF
V-League tạm ngưng để dồn toàn lực cho đội U23 là cách làm không giống ai. Trong ảnh: Đội U23 Việt Nam tập luyện chuẩn bị giải U23 châu Á - Nguồn ảnh: VFF

Theo cách vận hành thông thường của bóng đá thế giới, giải vô địch quốc gia chỉ dừng trong những dịp FIFA Day (những ngày dành cho các trận đấu chính thức và giao hữu quốc tế môn bóng đá nam). FIFA Day là thỏa thuận giữa FIFA và 6 liên đoàn bóng đá châu lục, Hiệp hội Các câu lạc bộ bóng đá châu Âu (ECA) và Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro).

Cách xếp lịch thi đấu V-League không chỉ ảnh hưởng đến tài chính của các câu lạc bộ (họ vẫn phải trả lương cho cầu thủ trong thời gian giải tạm ngưng), ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện, thi đấu của các câu lạc bộ mà còn khiến cầu thủ các đội phải thi đấu với mật độ dày đặc khi giải được khởi động lại. Như trong mùa 2023-2024, từ ngày 3 - 26/5, chỉ trong 23 ngày, các đội sẽ phải vừa di chuyển, vừa đá 6 trận. Mật độ thi đấu dày đặc kiểu này chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các trận đấu nói riêng, của giải nói chung. Đó là chưa kể, cầu thủ sẽ dễ chấn thương do bị vắt kiệt sức.

Thêm vào đó, 42 trận của 6 lượt đấu sẽ được tổ chức rải khắp 7 ngày trong tuần. Trên thế giới, giải bóng đá vô địch quốc gia thường xuyên diễn ra vào 2 ngày cuối tuần, thỉnh thoảng mới lệch khung này. Với lịch thi đấu “không giống ai” này của V-League, chính người trong cuộc còn không nhớ, nói chi đến người hâm mộ. Khi không thể nhớ lịch thi đấu, người hâm mộ sẽ không quan tâm đến giải.

Đừng trách người hâm mộ hững hờ với V-League hay trách họ chỉ quan tâm đến thành tích các đội tuyển. Nói người hâm mộ bóng đá Việt Nam chỉ muốn đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ của mình chiến thắng là không sai, nhưng lỗi này cũng xuất phát từ cách điều hành không giống ai của lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF - đơn vị tổ chức V-League) khi họ không coi trọng V-League hay giải hạng nhất - các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam - mà chỉ chăm bẵm vào thành tích của các đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia.

Bệnh thành tích đã "giết" bóng đá Việt Nam

Danh sách đội U23 có 21 cầu thủ đang thi đấu ở V-League, thuộc 9/14 đội. Thế nhưng, chỉ có 3/20 cầu thủ thường xuyên có tên trong đội hình xuất phát là Nguyễn Văn Việt, Lê Nguyên Hoàng (đội Sông Lam Nghệ An), Nguyễn Thái Sơn (đội Đông Á Thanh Hóa). Vậy, lấy lý do gì để dừng V-League? Câu trả lời chỉ có thể là VFF và VPF quá coi trọng thành tích của các đội tuyển trẻ.

Nhìn ra thế giới, đội tuyển quốc gia Brazil 4 lần vô địch thế giới (1958, 1962, 1970, 1994) rồi mới có được chiếc huy chương Vàng Olympic 1996 với bộ khung là đội tuyển U23. Tương tự, Argentina 2 lần vô địch World Cup (1978, 1986) mới có chiếc huy chương Vàng Olympic 2004. Ý 4 lần vô địch World Cup (1934, 1938, 1982, 2006) nhưng cũng chỉ có 1 huy chương Vàng Olympic môn bóng đá vào năm 1936.

Đức 4 lần vô địch World Cup nhưng cũng chỉ có 1 lần vô địch giải U20 thế giới vào năm 1981; Tây Ban Nha, Pháp đều từng vô địch World Cup và EURO nhưng trong hơn 20 năm qua, họ không có huy chương Vàng Olympic, đồng thời mỗi quốc gia chỉ có 1 lần vô địch giải U20 thế giới. Tuy nhiên, Bundesliga, La Liga, Ligue 1 của Đức, Tây Ban Nha, Pháp vẫn là 3 trong 5 giải quốc gia hàng đầu châu Âu.

Không nói đâu xa, đội U23 Thái Lan thua cách biệt U23 Việt Nam 0-4 ở vòng loại giải U23 châu Á 2020 (tháng 3/2019) nhưng chỉ 2 năm sau, đội tuyển quốc gia Thái Lan vẫn đăng quang AFF Cup 2020 (tổ chức vào năm 2021) sau khi thắng chính đội tuyển Việt Nam. Cần biết rằng, đội tuyển Thái Lan thắng Việt Nam khi họ thiếu vắng 10 cầu thủ trụ cột do các câu lạc bộ ở Thái Lan không “nhả” quân cho đội tuyển Thái Lan bởi giải vô địch quốc gia Thái Lan vẫn diễn ra bình thường (AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA).

Cách điều hành của VFF, VPF có vấn đề

Ở các nước có nền bóng đá mạnh, thường có 20 đội giỏi nhất tranh tài ở giải vô địch quốc gia, 22 hoặc 24 đội tranh tài ở hạng thấp hơn. Trong hệ thống bóng đá Thái Lan, có 16 đội đá ở giải Thai-League 1, có 18 đội đá ở giải Thai-League 2 và 72 đội đá ở giải League. Trong khi đó, ở Việt Nam, V-League (giải cao nhất) chỉ có 14 đội, giải hạng nhất chỉ còn 11 đội.

Những số liệu trên cho thấy, các câu lạc bộ của nhiều nước thi đấu nhiều trận hơn, tham gia nhiều giải trong nước và quốc tế hơn so với các câu lạc bộ của Việt Nam. Nhưng, các giải vô địch quốc gia của họ vẫn thường xuyên diễn ra vào cuối tuần, không bao giờ bị dừng, hoãn với lý do dồn người cho các giải trẻ. Những số liệu trên cũng cho thấy, bóng đá Việt Nam có hình dáng khác thường so với thế giới khi đỉnh rộng hơn đế, nghĩa là VFF và VPF đang điều hành V-League và giải hạng nhất theo kiểu không giống ai.

Thế giới đánh giá một nền bóng đá dựa vào giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia. Thế nhưng, bóng đá Việt Nam lại đi theo chiều ngược lại: chú trọng quá nhiều vào thành tích của các đội tuyển U20, U22, U23, không coi trọng giải vô địch quốc gia dù giải này có mạnh thì đội tuyển quốc gia mới mạnh. Người hâm mộ Việt Nam khó lòng chấp nhận một nền bóng đá Việt Nam bất thường như thế.

“Họ xếp lịch chẳng khác nào muốn giết cầu thủ”

Ông Vũ Tiến Thành - huấn luyện viên Câu lạc bộ LPBank Hoàng Anh Gia Lai - đã phê phán rất gắt những người điều hành VFF và VPF. Ông cho rằng, cách xếp lịch như hiện nay là không khoa học, ảnh hưởng đến các câu lạc bộ và đội tuyển Việt Nam.

Ông nói: “Tôi thấy V-League xếp lịch quá chán. Mới đá chưa nóng máy lại nghỉ cả tháng, rồi sau đó lại đá với mật độ dày đặc, chẳng khác nào giết cầu thủ. Những người ở VPF không hiểu gì về cách xếp lịch thi đấu. Về mặt khoa học thể thao, như thế là không hợp lý. Huấn luyện viên các câu lạc bộ rất khó soạn giáo án tập luyện cả về thể chất lẫn chuyên môn, còn các cầu thủ đi đá bóng mà như chạy giặc. Họ chấn thương thì ai chịu trách nhiệm?”.

Đặng Hoàng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thịnh Trần 13-04-2024 08:26:33

    hiện tại giải VĐQG có ít CLB có tiềm lực tài chính và hoạt động gần chuyên nghiệp để hằng năm không có CLB dọa bỏ giải, đổi tên CLB thì giải VĐQG nên thu hẹp lại nhưng tổ chức sao để có nhiều trận (giống như Hàn Quốc). hiện tại V-League chỉ nên gồm 10 CLB, V-League 1 gồm 14 CLB, V-League 2 gồm 18 CLB tất cả đá vòng tròn hai lượt. Nhưng riêng V-League sau khi đá vòng tròn hai lượt lại chia nhóm tranh vô địch và nhóm xuống hạng. Như vậy mỗi mùa giải các cầu thủ đều được đá nhiều trận. song song với V-League tổ chức kèm trận đấu đội hình 2 giữa hai CLB. Khi đó chất lượng chuyên môn của các trận V-League sẽ cao hơn, thu hút khán giả nhiều hơn, thu hút nhà đầu tư, nhãn hàng nhiều hơn. Giá trị của giải sẽ cao hơn thu được nhiều giá trị hơn. Khi V-League toàn CLB đủ tiền lực gần với chuyên nghiệp thì sẽ thúc đẩy V-League (VL) nhanh tiến đến chuyên nghiệp hơn. Khi đó Các CLB có thu nhập từ bóng đá rồi sẽ thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn sẽ tạo sự bền vững hơn. sẽ thúc đẩy các giải V-League 1,2 phát triển hơn. Khi các CLB hạng dưới phát triển bền vững thì lúc đó mở rộng giải V-League thành 12, 14 hay nhiều hơn cũng không muộn. Đó chỉ là nhưng ý kiến sơ sơ như vậy thôi....

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI