"Ky cóp cho cọp nó xơi"

06/03/2013 - 17:16

PNO - PN - Kính gửi chị Hạnh Dung!
Vợ chồng tôi cưới nhau đã hơn 10 năm, có hai con. Sống cùng nhà nội, tiền bạc không phải lo lắng nhiều, nên có chút ít dành dụm tôi đều gửi ngân hàng, sổ tiết kiệm do chồng tôi đứng tên.

Năm ngoái, cơ quan tôi có hợp tác với ngân hàng cho vay tiền với lãi suất thấp, tôi vay được 20 triệu, cũng gửi vào ngân hàng theo sổ của chồng, rồi dành dụm hằng tháng trả, để vợ chồng có được một khoản tiết kiệm tương đối. Trả xong nợ cũ, tôi nhờ anh đứng tên để vay tiếp một lượt nữa, nhưng anh từ chối. Anh nói: tôi không cho bà mượn tên được, lỡ có chuyện gì ai chịu? Tôi quá bất ngờ vì từ trước đến nay tiền vay về thì cũng gửi vào sổ tiết kiệm anh giữ, tôi có đem tiền làm gì khác đâu. Vợ chồng sống với nhau hơn 10 năm, mà bây giờ cho vợ mượn tên vay một khoản tiền anh cũng không tin. Chúng tôi đã cãi nhau, anh nói lại chuyện trước khi cưới, một lần đi chơi với tôi đã bị mất chiếc xe dream mua gần bốn cây vàng, anh nói như thể tôi nợ anh chiếc xe đó và tôi chưa trả hết! Tôi quá bàng hoàng, không ngờ con người mình sống chung bao lâu nay lại như vậy. Tôi nghĩ lại và chợt nhận ra tất cả sổ tiết kiệm, xe máy, tài sản chung, thậm chí cái thẻ ATM lãnh lương hằng tháng của tôi, đều do anh giữ, anh đứng tên. Giờ tôi viết đơn ly hôn, thì coi như ra đi tay trắng. Tôi biết mình không thể ly hôn: con còn nhỏ, thu nhập hằng tháng không bao nhiêu, tôi gần 40 tuổi rồi. Tôi chấp nhận sống chung nhưng làm cách nào có thể quên tất cả những chuyện đó để yên tâm mà sống hả chị?

Trần Thị Hoài (TP.HCM)

Chị Hoài mến,

Chuyện này không quên được đâu, chị đừng cố quên, bởi càng quên càng nguy hiểm. Cú sốc này là một lần cảnh tỉnh, giúp chị nhìn lại cuộc sống của mình. Có thể từ khi lập gia đình đến nay, sống trong nhà nội, được bao cấp nhà cửa và phần nào tiền bạc, chị đã quen phụ thuộc vào chồng, lại thêm tâm lý sợ phải tự mình bươn chải, nên chị cố tình lơ đi các mối rủi ro. Giả sử một ngày nào đó, chồng chị muốn chia tay, lúc đó chị có muốn “chấp nhận sống chung” cũng không được, mà với cái cách thu vén lâu nay của anh ta, liệu rồi chị có còn được chút gì cho mình, cho con?

Vợ chồng sống với nhau sòng phẳng quá thì không còn tình nghĩa. Chị đừng cố mượn tên chồng, đừng cố vay trả gì nữa, kẻo không lại “ky cóp cho cọp nó xơi”. Chị xem lại hộ khẩu đã chuyển về chung nhà chưa. Tiền bạc, tài sản là của chung, đáo hạn sổ tiết kiệm, chị cũng phải mềm mỏng nhưng kiên quyết đề nghị chồng để chị cùng đứng tên, vì rõ ràng đó là tài sản do cả hai cùng tạo lập. Xe máy thì xe ai đi người ấy đứng tên. Nhà cửa do ông bà nội cho, chị cần tham vấn luật sư để hiểu rõ và có cách bảo vệ quyền của mình. Cũng không đến nỗi phải “ra đi tay trắng”, nếu chị hiểu rõ quyền lợi của mình. Có điều, tất cả những việc này cần phải làm một cách kiên nhẫn, khéo léo, từ từ. Chị em mình thường có tâm lý ngại pháp luật, ngại các loại giấy tờ, thủ tục, nên phó thác cho chồng, nhưng trong trường hợp của chị, phải tự tay mình đi làm các thủ tục sang tên, đáo hạn, tự giữ một số giấy tờ… Chị đừng ngại, hãy coi như đây là một phần trong việc xây dựng gia đình, người phụ nữ có tự chủ, hiểu biết hơn thì mới có thể giữ gìn gia đình.

Mặt khác, chị đang là người có nghề nghiệp ổn định, tuổi 40 là tuổi sung mãn của người đàn bà, đừng nghĩ mình đã già, đừng ngại thay đổi. Trách nhiệm làm mẹ của hai đứa trẻ không cho phép mình nhắm mắt làm ngơ, quên đi tất cả, tiếp tục sống trong sự mù lòa và bằng lòng với chuyện chồng cho gì nhận đó. Chị có thể trích dành dụm một khoản tiền riêng, phòng khi rủi ro. Khoản tiền riêng đó, rồi chị sẽ thấy, cũng sẽ là một phần trong sự tự tin, vững vàng dần lên của chị. Khi mình tự chủ được về tài chính, nghề nghiệp, mình sẽ mạnh dần lên để có thể tự chủ được đời mình. Chúc chị sử dụng tốt bài học mà cú sốc vừa rồi đã mang lại cho chị.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI