Dọc con đường chính dẫn từ bến đò đi vào khu dân cư xã đảo, nhà cửa san sát nhưng tuyệt nhiên không thấy rác để trước nhà. Ở cả bến lở cũng như bến bồi, cũng không thấy túi ni lông rơi vãi trên mặt đất hoặc trôi nổi, ùn ứ, dập dềnh trên mặt nước như ở các bến bãi khác. Được như vậy là nhờ chính quyền, hội phụ nữ và mọi người dân trong xã đã cùng nhau quan tâm và quyết tâm gìn giữ môi trường trong nhiều năm qua. Nhưng ấn tượng đậm nét hơn khi du khách và các thành viên của đoàn ghé mua đặc sản địa phương. Hàng hóa được người bán gói bằng giấy báo rồi cho vào túi thân thiện với môi trường làm bằng vải hoặc nhựa tự phân hủy. Túi ni lông rất ít được sử dụng tại đây và phần lớn người dân xã đảo Thạnh An đều có ý thức nhặt ve chai, gìn giữ môi trường.
Nhờ có “Địa điểm thu gom, trao đổi túi ni lông, chất thải nhựa đã qua sử dụng” mà người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn
Bà Trần Thị Ngọc Hân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ - cho biết, từ năm 2015, Hội LHPN huyện đã có ý tưởng phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ môi trường đầu tiên tại xã Long Hòa để chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó với ô nhiễm môi trường, với mực nước biển ngày càng dâng cao. Từ ý tưởng đó, hội xây dựng mô hình “Quyên góp xanh”, kêu gọi hội viên phụ nữ quyên góp những vật dụng tái chế được như chai lọ nhựa, để bán ve chai, để hằng quý có khoản kinh phí nho nhỏ trao tặng góc học tập cho trẻ, nấu bữa ăn cho người già. Năm 2018, mô hình “Địa điểm thu gom, trao đổi túi ni lông, chất thải nhựa đã qua sử dụng” bắt đầu được thực hiện ở xã đảo dưới hình thức vận động các hộ dân không xả rác bừa bãi ra môi trường mà thu gom lại để đi quy đổi, cứ 3kg túi ni lông thì đổi được 1kg túi thân thiện với môi trường hoặc 10.000 đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tổng hợp II. Hiện mô hình đã được nhân rộng ra các xã, thị trấn của huyện. Không chỉ đổi rác thải nhựa lấy túi thân thiện với môi trường, Hội LHPN huyện còn vận động Phòng Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn hỗ trợ quà tặng, có thể là nón, áo, rau củ, cây xanh… để khuyến khích người dân thực hiện.
Có thể nhìn thấy hiệu quả của mô hình từ hình ảnh đường sá sạch đẹp và 500kg rác thải nhựa được 86 hộ dân tại ấp Thạnh Hòa mang đến điểm quy đổi vào buổi sáng 2/12. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa đó không đến từ việc tuyên truyền, vận động đơn lẻ mà chuyện bảo vệ môi trường luôn thường trực trong các cuộc giao ban hằng tuần của UBND xã Thạnh An. Hiện, xã phân công 16 đảng ủy viên phụ trách 42 tổ nhân dân, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường, phân loại rác thải và sơ kết hằng tháng để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện. Ông Đặng Hoàng Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Thạnh An - cho biết, xã có diện tích nhỏ, người dân sống tập trung là một điểm thuận lợi để công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên cũng có một đội hình thường trực ở bến đò vào những giờ đò cập bến để kiểm soát. Nếu du khách đến Thạnh An với túi ni lông trên tay, sẽ được các bạn đổi cho 1 túi thân thiện với môi trường nhằm giảm thải rác thải nhựa với Thạnh An.
Phát huy tối đa vai trò của Hội
Ngày 2/12, Hội LHPN TPHCM tổ chức hoạt động giao lưu giữa các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ với các cán bộ và thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường Hội LHPN quận 1, 3, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Nhà Bè và TP Thủ Đức.
Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi giao lưu, ông Đặng Hoàng Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Thạnh An - cho biết, mặc dù hiệu quả bước đầu khá khả quan, nhưng chuyện vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn là quá trình dài hơi và trải qua nhiều khó khăn. Khó khăn đáng nói nhất tại xã Thạnh An là khâu vận chuyển rác. Hiện tại toàn xã có 1.209 hộ, 4.578 nhân khẩu, sống ở 3 ấp là Thạnh Bình, Thạnh Hòa và Thiềng Liềng, với lượng rác thải trung bình khoảng 2,5 tấn/ngày. Nhưng Thiềng Liềng là ấp đảo biệt lập nên rác thu gom phải chuyển về Thạnh An rồi mới chuyển về Cần Giờ, đi qua nhiều khâu khiến chi phí vận chuyển rất cao. Do đó, “chúng tôi mong sớm được đầu tư xây dựng lò đốt rác ngay tại xã đảo để tháo gỡ những khó khăn, để công tác bảo vệ môi trường được thực hiện tốt hơn” - ông Đặng Hoàng Sơn đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (thứ tư từ phải sang) - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM - cùng lãnh đạo Hội LHPN TPHCM trao vỏ lãi cho ngư dân xã đảo Thạnh An
Ở quận 11, bà Vũ Thị Châu - Phó chủ tịch Hội LHPN quận - hài lòng với mô hình “Ngôi nhà của pin” được Hội LHPN quận thực hiện thí điểm vào đầu năm 2022 dưới hình thức thu gom pin để đổi quà. Đến nay, mô hình đã triển khai tại 16 phường, thu gom được 100kg pin để tiến hành xử lý theo quy định.
1 cuộc khảo sát về hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phân loại rác tại nguồn tại quận 11 cũng ghi nhận: có 45,9% hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, nhưng chỉ có 20% các hộ dân, 50% trường học và 25% cơ sở kinh doanh, nhà hàng và các hộ dân mặt tiền đường phân loại rác tại nguồn đúng theo hướng dẫn. “Mặc dù kết quả còn hạn chế, nhưng chúng tôi tin rằng nếu làm bền bỉ, có chiều sâu, người dân sẽ dần dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là rác thải nguy hại” - bà Vũ Thị Châu tin tưởng.
Bất cập trong công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, theo đại diện Hội LHPN quận 11, là chưa có sự đồng bộ. Việc vận động được thực hiện bài bản, nhưng các đơn vị thu gom lại nhập chung các loại rác sau khi đã phân loại khiến người dân mất niềm tin. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, trong thời gian qua, việc hoàn thiện hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, khiến phương tiện và nhân lực chưa đủ đáp ứng yêu cầu phân loại rác tại nguồn, dẫn đến hiệu quả còn hạn chế. Tuy vậy, đến thời điểm này, TPHCM là 1 trong những đơn vị đi đầu trong triển khai phân loại rác tại nguồn, theo đánh giá của bà Thanh Mỹ.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, đến ngày 31/12/2024, việc phân loại rác thải tại nguồn phải được thực hiện trên toàn quốc. TPHCM đề ra chỉ tiêu là đến năm 2025, toàn thành phố phải đạt 80% hộ dân phân loại rác tại nguồn. Cho nên, bà Thanh Mỹ mong mỏi các cấp hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho người dân.
Thu Lê
Trao 9 phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo xã đảo Thạnh An
Ngày 2/12, trong chuyến công tác tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), Hội LHPN TPHCM đã tổ chức giao lưu thành viên các câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”. Đông đảo thành viên các câu lạc bộ từ TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Nhà Bè đã tham dự.
Nhân chuyến công tác vì môi trường tại xã đảo Thạnh An, Hội Nữ doanh nhân TPHCM đã phối hợp với Hội LHPN TPHCM trao tặng 9 phương tiện sinh kế gồm vỏ lãi (xuồng máy), lưới cua, xe bánh mì cho 7 hộ gia đình hội viên phụ nữ của ấp Thiềng Liềng và 2 hộ dân ở ấp Thạnh Hòa, thuộc xã đảo.
Vừa đến xã đảo sau 3 tiếng đi bộ và đi xuồng, chị Lê Thị Đẹp nheo mắt cười khi thấy dưới bến, những chiếc vỏ lãi mới toanh được xếp sát nhau đang chòng chành theo con sóng. Chị Đẹp cho hay, đã có 31 năm làm dân ấp Thiềng Liềng, nhưng đây mới là lần thứ ba chị đặt chân đến trung tâm xã. Hằng ngày, chị ở nhà làm nội trợ, đến vụ mùa thì đi xúc muối thuê, cuộc sống gia đình chủ yếu nhờ thu nhập từ việc bắt cua bắt ốc của chồng. Vì không có tiền sắm xuồng nên đi đâu chị cũng phải “quá giang” rồi chia tiền xăng dầu với người khác. Cũng vì điều kiện đi lại khó khăn nên đứa con gái 12 tuổi của chị phải nghỉ học.
Sự hân hoan của 9 hộ dân được trao sinh kế đã kéo theo nhiều ngư dân xã đảo tập trung ra bến thuyền chung vui. Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM - chia sẻ: “Hội luôn tìm cách hỗ trợ để việc mưu sinh của các chị em ngày càng thuận lợi, vươn lên bằng ý chí, nghị lực vượt khó để có sự ổn định lâu dài. Mong rằng, những phương tiện được trao tặng sẽ giúp gia đình các chị đỡ vất vả hơn, thu nhập ổn định để cuộc sống ngày càng tốt hơn”.