Ký cam kết trước khi tiêm chủng là ngược quy trình

31/07/2013 - 21:11

PNO - Quy trình tiêm chủng vốn được quy định rất chặt chẽ nhưng sau nhiều sự cố liên quan đến vắcxin thời gian gần đây, những câu hỏi về việc bảo quản vắcxin cũng như chất lượng vắcxin, trình độ của nhân viên tiêm chủng... đang...

Ky cam ket truoc khi tiem chung la nguoc quy trinh

Tiêm chủng cho trẻ nhằm đẩy lùi nhiều bệnh truyền nhiễm (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Đặc biệt, theo một số phương tiện truyền thông hôm 30/7 đưa tin một phụ huynh đã phản ánh việc Bệnh viện Phụ sản Mêkông (Thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu người nhà ký "Giấy đăng ký tự nguyện tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh" trước khi tiêm vắcxin viêm gan B khiến càng nhiều người dân lo ngại, hoang mang với việc tiêm phòng này hơn.

Lo lắng khi phải ký giấy tiêm chủng?

Sau sự cố ba trẻ sơ sinh tử vong tại tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vừa qua, tiến sỹ Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thừa nhận, kết luận ban đầu của Bộ Y tế về 3 trường hợp trên đã chỉ ra nhiều sai sót trong quy trình tiêm chủng. Đó là để vắcxin cùng với các loại sinh phẩm y tế khác, không lưu vỏ vắcxin sau khi tiêm, không tiêm ở phòng chuyên tiêm chủng mà tiêm ở phòng bệnh...

Những lo lắng liên quan đến việc tiêm chủng lại tiếp tục dấy lên khi có một phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc vì Bệnh viện Phụ sản Mêkông yêu cầu phải ký giấy cam kết trước khi tiêm phòng văcxin viêm gan B cho con.

Liên quan tới sự việc ở Bệnh viện Phụ sản Mêkông, trên tờ giấy đăng ký tự nguyện tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh của bệnh viện này có ghi rõ: “Sau khi nghe y tá giải thích về lợi ích và những tác dụng phụ có thể có sau chủng ngừa viêm gan siêu vi B, tôi đồng ý chích ngừa... cho... tôi, Gia đình chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này." Và dưới cùng, gia đình người nhà của trẻ sẽ phải ký vào bản cam kết đó. 

Ky cam ket truoc khi tiem chung la nguoc quy trinh

Mẫu tờ giấy đăng ký tự nguyện tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước những thông tin phải ký giấy cam kết trên, có rất nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mối băn khoăn.

Chị Nguyễn Hoàng Hoa (ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Khi tôi đọc thông tin về việc một bệnh viện buộc người nhà ký cam kết trước khi tiêm vắcxin trẻ sơ sinh, tôi thực sự rất bực mình. Bởi thời gian gần đây có nhiều vụ trẻ em bị tử vong sau khi tiêm vắcxin đã khiến người dân lo, nếu giờ tôi tiêm chủng cho con mà bảo phải ký vào bản cam kết như vậy thì khác gì việc người dân phải chịu hết trách nhiệm nếu có trường hợp xấu xảy ra sau khi tiêm?"

Anh Nguyễn Đình Văn (Ba Đình, Hà Nội) nhận định nếu bệnh viện nào cũng áp dụng việc ký kết trên thì quả thực người dân không còn muốn cho con đi tiêm chủng nữa. Anh Văn lý luận rằng nếu chiểu theo đúng nội dung trong giấy đăng ký tự nguyện trên, nếu có tai biến xảy ra thì trách nhiệm không thuộc về ngành y tế mà người dân phải đương đầu và tự chịu hậu quả.

Khi được hỏi về những lo lắng xung quanh vấn đề “Giấy đăng ký tự nguyện tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh,” Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết cho hay, hiện tại bệnh viện này không yêu cầu người nhà của trẻ phải ký giấy đăng ký tự nguyện tiêm chủng trước khi tiêm chủng cho trẻ. Theo ông Quyết, việc yêu cầu người nhà ký cam kết trước khi tiêm là ngược quy trình, trái thực tế.

Vị lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương nêu rõ, việc tiêm chủng vắcxin viêm gan B cho trẻ sau sinh 24 giờ nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tại bệnh viện, chỉ trong trường hợp người nhà của trẻ không đồng ý cho trẻ tiêm loại vắcxin trên sau khi sinh thì mới phải ký tên vào tờ giấy cam kết không tiêm chủng cho trẻ.

Theo ông Quyết, những sự cố trẻ tử vong sau tiêm chủng vừa qua là lời cảnh tỉnh cho những cơ sở tiêm chủng cần xem xét lại những quy định chặt chẽ của việc tiêm phòng.

Khi được hỏi về vấn đề trên, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho hay, tại bệnh viện, khi tiêm chủng cho trẻ người nhà cũng không phải ký vào một tờ giấy cam kết nào.

Tiêm chủng là nội dung bắt buộc trong Luật

Trước những thông tin phải ký giấy cam kết gây hoang mang trong dư luận trên, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc bệnh viện yêu cầu người dân ký cam kết trước khi tiêm chủng cho trẻ là hành động không cần thiết. Quan trọng là ngành y tế phải chịu trách nhiệm tổ chức việc tiêm chủng tốt và thuận lợi cho người dân và trách nhiệm của người dân là có con em trong độ tuổi tiêm chủng phải đi tiêm.

Ông Bình giải thích, những nội dung tiêm phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là một nội dung thuộc Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Do đây là một chương trình rất rộng lớn, nhà nước bảo trợ tiêm miễn phí, không chỉ bảo vệ cho trẻ mà còn đảm bảo không lây lan bệnh đó ra cộng đồng. Chính vì việc đảm bảo chung sức khỏe cho cộng đồng nên nhà nước, quốc hội thông qua Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Theo Điều 29 về việc sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế bắt buộc: “Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế bắt buộc.”

Ông Bình phân tích, trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định các bậc cha mẹ và những người bảo trợ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng phải có trách nhiệm đưa con em trong diện tiêm chủng tới các nơi tiêm chủng. Đặc biệt, về phía cá nhân trong cộng đồng, các bậc cha mẹ phải đưa con tới các cơ sở thực hành tiêm chủng để tiêm phòng bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tiêm chủng cho tốt.

Trước câu hỏi, trong tình huống có sai sót xảy ra thì bên nào phải chịu trách nhiệm? vị lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng cho hay, trong Luật truyền nhiễm cũng quy định rất rõ, khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trong khi tổ chức tiêm chủng, nếu có những sai sót gây ra hậu quả nghiêm trọng như là vấn đề chất lượng vắcxin, bảo quản vắcxin, vận chuyển vắcxin, tổ chức tiêm chủng, thì cá nhân, tổ chức ở khâu đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng trước hết, nhà nước chịu trách nhiệm về vấn đề này, sau đó mới tiến hành việc điều tra.

Ông Bình nhấn mạnh, trên cơ sở những quy định chặt chẽ của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ngành y tế mong các bà mẹ vì lợi ích của con mình, của cộng đồng, nên đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ sức khỏe cho trẻ tốt hơn./.

Theo THÙY GIANG (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI