Kỳ án thông dâm để trộm đồ quý của vua

26/09/2015 - 14:20

PNO - Thường thì thông dâm để thỏa mãn dục vọng, nhưng với Bảo Uy vương thông dâm chỉ nhằm mục đích... trộm đồ.

Thông dâm để trộm áo vua

Đồ vật của đế vương không chỉ sang trọng, đẹp đẽ mà còn nhiều thứ rất quý hiếm, sử sách kể rằng có một loại vải rất đặc biệt gọi là vải hỏa cán tương truyền là vải chịu lửa. Có nhiều thuyết khác nhau cho rằng vải “hỏa cán” được dệt bằng lông con hỏa thử (chuột lửa); thuyết thì nói nó được làm bằng vỏ cây, lá cây bị lửa thiên nhiên thiêu (sét đánh) nhưng không nát, người ta lấy vỏ hoặc lá ngâm đi sau dệt thành vải, có thể dệt bằng lửa; nhưng có lẽ đây là loại vải giặt bằng lửa vì trong Hán tự chữ “hoãn” cũng đọc là cán, có nghĩa là giặt, lúc giặt phải dùng lửa, sách Liệt tử của Trung Quốc viết rằng giặt bằng lửa, khi ở trong lửa đem vải ra giũ đi trông óng ánh như tuyết. Một tài liệu khác là Thú vật đi danh sớ lại cho rằng vải được dệt bằng một thứ nhung đá ở núi Biệt Khiết Xích.

Ky an thong dam de trom do quy cua vua

Long bào của vua ((Hình minh họa))

Vì là vải quý nên được chọn làm lễ vật dâng vua, bấy giờ trong hoàng cung nhà Trần cũng có một tấm vải “hỏa cán” (hay gọi là hỏa hoãn). Xuất xứ của tấm vải này được sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết như sau: “Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hỏa hoãn giá mỗi thước 300 quan tiền, lưu truyền làm của quý. Sau đem may áo vua, cắt hơi ngắn, bèn sai cất trong nội phủ”.

Biết trong kho có chiếc áo may bằng loại vải quý đó, một hoàng thân là Bảo Uy vương Trần Hiến tìm cách đoạt lấy, ông ta tiếp cận một cung nhân, dùng lời đường mật dụ dỗ thông dâm rồi xúi bẩy trộm áo quý.

Kết cục bi thảm của kẻ trộm tình và trộm đồ

Vụ việc bị phát giác một cách tình cờ vào tháng 6 năm Đinh Hợi niên hiệu Thiệu Phong thứ 7 (1347) đời vua Trần Dụ Tông. Sử sách viết: “Bảo Uy tư thông với cung nhân lấy trộm áo ấy. Một hôm Bảo Uy mặc áo ấy vào trong rồi vào chầu, tâu việc trước mặt Thượng hoàng, để lộ ống tay áo ra. Thượng hoàng trông thấy có ý ngờ, sai người kiểm xét lại, quả nhiên chiếc áo cất giữ đã mất. Người cung nhân sai người thị tỳ già đến nhà Bảo Uy vương lấy áo đem về, rồi ngầm đem vào cung dâng trình. Thượng hoàng không nỡ giết, đuổi Bảo Uy ra làm quan ở trấn ngoài. Đến sông Vạn Nữ, sai võ sĩ đi thuyền nhẹ đuổi theo giết, vứt xác vào bãi cát rồi về, giáng làm Bảo Uy hầu” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ky an thong dam de trom do quy cua vua
Kết cục bi thảm (Hình minh họa)

Như vậy người phát hiện ra tội trạng đó là Thái thượng hoàng Trần Minh Tông chứ không phải vua Trần Dụ Tông. Với hai tội “trộm tình” và “trộm của”, Bảo Uy vương Trần Hiến đã phải trả giá bằng tính mạng của mình rất thê thảm mặc dù trước đó, vào tháng 5 năm Ất Dậu (1345) vị hoàng thân này đã lập công lớn khi cầm quân đánh tan quân Ai Lao cướp phá ở vùng biên giới phía Tây.

Sách Việt sử giai thoại có lời bàn như sau: “Tư thông với cung nhân đã là một lần ăn trộm, ấy là trộm tình. Mượn tay cung nữ để lấy áo vua là lại thêm một lần ăn trộm nữa, ấy là trộm của. Sinh ra trên nhung lụa mà vẫn ăn trộm thì con người ấy chẳng đáng sống giữa cõi đời. Cái giá của tấm áo mà Bảo Uy phải trả sao mà đắt thế!”.

Nơi mà Bảo Uy vương kết thúc số mệnh là ở khu vực sông Vạn Nữ (còn gọi là sông Trinh Nữ, nay thuộc địa giới huyện Yên Mô, Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI