|
Trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, người dân TPHCM sẽ được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo (trong ảnh: Người dân viếng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TPHCM) - Ảnh: Quốc Ngọc |
Hiện nay, Ban Chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đang triển khai kế hoạch lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các giới đồng bào về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Để hiểu rõ trọng tâm của Chương trình hành động, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - đã dành cho Báo Phụ Nữ TPHCM cuộc trò chuyện về chủ đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết về ý nghĩa của việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh?
- Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM nhằm thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó làm lan tỏa, thấm sâu tấm gương của Người vào trong mỗi cán bộ, người dân, trở thành nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.
Với vai trò, vị trí quan trọng của một thành phố lớn, thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và phát triển thành phố xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước. Việc học tập và làm theo Bác trong những năm qua ngày càng có sức lan tỏa, tác động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, làm nền tảng cho TPHCM phát triển bền vững. Việc xây dựng, hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM làm cho mỗi người dân thành phố này cảm thấy tự hào và góp phần phát huy sức mạnh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TPHCM có trách nhiệm cao hơn trong việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm đẫm các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Qua Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, người dân trong nước và bạn bè quốc tế sẽ cảm nhận, hiểu được sâu sắc hơn sức mạnh văn hóa Việt Nam ở thành phố mang tên Bác.
* Yêu cầu đặt ra cho việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM là gì, thưa ông?
|
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM |
- Lãnh đạo TPHCM xác định, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn phải đảm bảo sự hài hòa trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hình thành văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp phát huy truyền thống nghĩa tình của người dân TPHCM, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa rộng khắp, đi sâu vào đời sống xã hội thành phố, làm cho người dân thành phố tự hào được sống ở thành phố mang tên Bác.
Trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, người dân TPHCM sẽ được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo. Người dân TPHCM cần có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, đó là đoàn kết, nhân văn, tiến bộ, nhân ái, vị tha, độ lượng, nghĩa tình, toàn diện về cả đức, trí, thể, mỹ.
* Xin ông cho biết cụ thể về kế hoạch của Đảng bộ và chính quyền TPHCM về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thời gian tới?
- Thường trực Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người TPHCM năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình; quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác”.
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở, nhất là ở địa bàn dân cư; phấn đấu đến năm 2030, TPHCM cơ bản hoàn thành việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
* Xin cảm ơn ông.
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh qua vườn đọc sách cho thiếu nhi | Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thông qua vườn đọc sách do Trường tiểu học Phù Đổng (Q.6, TPHCM) xây dựng - Ảnh: Tuyết Dân |
Từ năm 2021, chúng tôi đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thông qua vườn đọc sách dành cho thiếu nhi. Đây là công trình quan trọng xuyên suốt của trường. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường bắt đầu từ ý tưởng vườn đọc sách trong không gian xanh mang đến cho các em một sân chơi dành cho các hoạt động tĩnh để giảm tai nạn do chạy nhảy. Không gian được trường thực hiện khá thân thiện môi trường với thảm cỏ, dây leo tạo bóng mát, có các tủ sách và tủ giới thiệu nhạc cụ dân tộc. Nhằm đưa những câu chuyện về Bác Hồ đến gần các em hơn, chúng tôi dành riêng một góc vườn làm tủ sách về Bác. Ngoài sách, trường còn tổ chức truyền thông chuyên đề theo từng tháng, lưu giữ hình ảnh các hoạt động thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công cách mạng, tổ chức triển lãm giới thiệu nét đẹp của TPHCM, tính cách con người, truyền thống văn hóa của thành phố và luôn lồng ghép sách Bác Hồ với thiếu nhi. | Bà Thi Đỗ Nhật Kim (Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Phù Đổng, Q.6, TPHCM) |
Cùng với đó, trường tổ chức hội thi kể chuyện về Bác Hồ, viết cảm nghĩ, thi chữ đẹp… Cũng trong không gian ấy, trường tổ chức tuyên dương các em học sinh là cháu ngoan Bác Hồ, đội thiếu niên tiêu biểu, người tốt việc tốt… Khi vừa bước vào vườn đọc sách là cảm thấy như đang ở một nơi khác hoàn toàn với lớp học nên các em rất thích sinh hoạt trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trường bố trí bàn ghế, vách tre để giúp trẻ thấy gần gũi, giản dị như cách sống của Bác Hồ. |
Quốc Ngọc - Tuyết Dân (thực hiện)
(Còn nữa)