Kỳ 3: Chiếc bóng in trên vách

03/10/2016 - 18:53

PNO - Thằng con trai cuối cùng, mày cũng theo các anh mày, bỏ má ra đi. Má không giữ con ở nhà, má không để con ở lại tuyến sau không phải lòng má không bất an, lo sợ.

Chiều nay, có anh cán bộ huyện ghé nhà. Anh đến khi má chưa về. Anh chờ mà khó đứng khôn ngồi. Mọi người xung quanh đều lặng im. Vừa thấy bóng bà già mé ngoài lộ, thoắt một cái, qua rặng trâm bầu, anh cán bộ luống cuống đứng dậy. Anh không dám mở lời, cả một tiếng chào cũng như mắc nghẹn. Chính bà mẹ ấ y lại là người dìu anh ngồi xuống ghế, đỡ lấy tấm giấy úa vàng đang run rẩy trên tay anh.

- Thưa má, chúng con xin báo tin buồn: đồng chí Nguyễn Văn Sướng…

Im bặt.

Không ai nỡ đọc gì thêm, không ai nỡ nói gì nữa. Mọi người cố tản ra, xắn tay làm này, dọn nọ.

Má Tám bước tới chỗ sạp gạo, đổ gần đầy một ống lon rồi đặt lên bàn thờ. Đốt nhang cho thằng con thứ tám, giọng má ráo hoảnh:

- Chờ má chút nghe con, tao đi nấu chút cơm cho bây ăn, lo đánh đấm riết, có khi chết mà bụng đói khô! Má vo ít gạo, có ai đó đã thổi lửa.

Má ngồi bệt xuống bếp. Cái lưng còng chấp chới bên ngọn lửa. Tiếng cơm sôi reo réo. Bàn tay nhăn nheo gác lại mấy thanh củi, rồi chầm chậm kéo cái khăn rằn. Chiều nay, có một người mẹ ngồi khóc con bên bếp, nấu cho nó miếng cơm chiều mà nó đâu còn trở về với má nữa. Chút đói lòng, con về đây ăn một ít rồi đi, sao bây đi mà không chào tao một tiếng…

Những đôi mắt đỏ hoe tản cả ra vườn, ra sân. Để má Tám một mình ngồi với bếp. Làn khói thoảng nhẹ qua khỏi chái nhà thấp, lặng lẽ như một cuộc tiễn đưa người con thứ sáu của má Nguyễn Thị Rành cho Tổ quốc.

Ky 3: Chiec bong in tren vach

***

Đồn An Nhơn Tây đã bị nhổ nhưng Bảy Huội không về thăm má. Vợ Bảy Huội dắt thằng Nguội qua cho bà nội. Má Tám bồng thằng Nguội, giữ chặt nó vào lòng, nựng:

- Thằng cha bây không về thăm bà cháu mình, để nó về đây, bà nội đánh cho nó mấy roi, nghen !

Vợ Bảy Huội nói nhỏ trong nước mắt:

- Má ơi, nhà con, ba thằng Nguội…

Má Tám càng ôm chặt cháu:

- Má biết tin rồi con - tiếng nói lọt vào hư không hay từ hư không vọng về, dằng dặc báo tin, lại một thằng con của má ngã xuống. Chết ngay bên hầm công sự, chết lơ lửng trên mái nhà, chết giữa chiến trường giao tranh, chết trên đường rút từ bót ra… Đất vùng này in dấu bàn chân tụi nó, từ thuở theo má lội sông bắt cá, ra đồng cấy lúa, đào hầm đổ đất, có chỗ nào mà lạ. Và nơi chốn thân quen đón tụi nó trở về…

Má Tám ôm lấy con dâu, thêm một đứa góa chồng, bồng con nhỏ trên tay. Má xót xa lắm vợ thằng Hai, thằng Bảy… Khóc đi con, khóc cho vơi bớt nỗi đau. Thằng Huội hy sinh rồi, má với con còn thằng Nguội.

Thằng bé có mấy tuổi đầu, nãy giờ ngồi im trong lòng bà nội, chợt gỡ tay bà, đứng dậy, nhìn mẹ, nhìn bà:

- Má, con lớn chút nữa, mai mốt, bà nội với má cho con đi đánh giặc, trả thù cho ba.

- Không con ơi - mẹ thằng bé nức nở - Các chú, các bác với ba con sẽ đánh hết giặc cho đất nước hòa bình. Con lớn lên phải ở với nội, với má, Nguội ơi!

***

Quá trưa, khách về gần hết, má Tám cũng định đứng dậy thì chị Hai, con dâu bà Chín giữ lại:

- Bà Tám ngồi chơi với má con chút nữa đi, về chi sớm?

- Tao về coi ông Tám có ăn gì, tao nấu.

- Chút con đưa bà Tám ít đồ ăn đem về. Khỏi nấu!

Thằng Nguội cũng hết chơi trò con nít, đến ngồi bên cạnh bà nội. Bà Chín từ sau bếp đi ra, theo sau là người đàn bà má Tám không quen. Trông vẻ mặt hiền lành, có phần ủ dột. Cả hai người ngồi xuống bên má. Im lặng. Má Tám tính quay nói câu gì đó với bà Chín thì người phụ nữ lạ đột nhiên nắm lấy tay má, cúi đầu, kêu mấy tiếng rất nhỏ:

-Má Tám ơi, Út Luông hy sinh rồi…

Thì ra… Má đã nhận thấy sự không bình thường. Nhưng lòng mẹ như hiển nhiên phủi bỏ cái thứ “phản xạ có điều kiện” kia. Giữa thời chiến, bao nhiêu chuyện bất ngờ có thể đến, đâu thể vì sợ mất mát mà tránh né sự bất thường. Nhưng dự cảm nó, đối diện nó, bao nhiêu bận rồi, trái tim làm mẹ vẫn không thể phán đoán, vẫn không thể tin. Huống gì, má còn lại mỗi mình thằng Út…

- Anh Út hy sinh trong lúc đột nhập vào một tiểu đoàn địch đang đóng quân. Quân ta diệt nhiều tên, chúng chống lạ i, rồi tháo chạy ra bãi trống, lại bị du kích bắn tỉa. Khi có lịnh rút lui, ảnh rút ra sau, cản địch cho đồng đội. Ai ngờ…

Má gật đầu, như nghe hết câu chuyện về cái chết của con trai mình. Rồi má đứng dậy, đội hờ chiếc khăn rằn lên đầu, hất hai đầu khăn trùm qua như mọi lần. Má bước đi về phía nhà mình. Bước đi sấp ngửa.

Nước mắt tơi bời.

Thằng con trai cuối cùng, mày cũng theo các anh mày, bỏ má ra đi. Má không giữ con ở nhà, má không để con ở lại tuyến sau không phải lòng má không bất an, lo sợ. Nhưng, Út Luông ơi, các con của má ơi, nếu chỉ một lần lo sợ, má sẽ chùn bước; nếu cho phép mình lùi lại, ai sẽ là người tiến lên, xông vào tuyến lửa. Khi kẻ thù đang trước mặt ta, đang hung hãn hủy diệt ta thì không có chỗ cho những suy nghĩ thiệt hơn. Má đã sống và dạy các con mình như thế. Các con của má đã sống và chọn lựa con đường tiến lên phía trước như thế.

Nhưng phút ngoảnh lại phía sau, không còn ai cả, bóng má chênh chếch trên vách lá. Má lặng nhìn. Nước mắt không đổ bóng, nước mắt im lìm chảy xuống má, thấm vào từng ngách thời gian trên khuôn mặt người mẹ già, nước mắt đọng, ráo khô. Lạnh.

Từ bữa nghe tin Út Luông hy sinh, ông Tám Cầm không nói gì, nhưng ông cũng không còn đứng dậy được nữa. Ông loanh quanh trên giường, lúc nào cũng chờ vợ về. Vợ về, ông nhìn bà đau đáu. Bà xuống bếp bắc nồi cháo cho ông, thấy lâu, ông lại gọi. Chiều nay, má Tám không dám đi đâu, nhưng vừa xoay người lấy cái ơ trầu, đã nghe tiếng ông Tám gọi:

- Rành ơi Rành!

Má Tám giật mình. Ít khi ông gọi tên vợ. Suốt năm mươi năm qua, ông chỉ gọi bà là mình, là em, là má thằng Dúng, rồi bà Tám…

- Rành đây, anh Tám

- Bà lật đật ngồi sát ông, sợ ông lo, sợ ông hốt hoảng kiếm tìm.

Ông Tám cười cười, nói vào không khí:

- Tám Cầm! Nguyễn Văn Cầm. Tám Cầm còn ngồi đây mà mọi người ra đi hết rồi. Thầy Năm Thái Nghĩa, anh Đức huyện ủy… Thằng Dúng, thằng Sóc, thằng Rưng, thằng Út…

Má thấy lạnh sống lưng. Má biết phải chuẩn bị cho cái giờ khắc vợ chồng má sinh ly tử biệt. Nó đang đến rất gần. Má cầm lấy tay chồng, má đỡ ông nằm xuống, choàng cả cái tấm thân còm cõi lên người ông, như muốn truyền hết chút hơi ấm còn lại cho người bạn đời. Ông nuối nhìn bà, ánh mắt vẫn dịu dàng như mọi khi, tay ông muốn choàng lại ôm lấy bà nhưng không thể. Bà nhìn thấy kẽ nước nơi khóe mắt chồng.

Đêm ấy, ông Nguyễn Văn Cầm trút hơi thở sau cùng. Má Tám Rành ngồi cạnh ông suốt đêm. Bà lặng lẽ đặt lên bàn thờ cái bát nhang thứ 9 rồi lặng lẽ quấn vành khăn trắng lên đầu. Bà khóc. Lần đầu tiên má Tám khóc thỏa thuê, không kìm nén. Nhiều lần vì sợ ông Tám nghe, ông Tám biết, chỉ đau buồn thêm. Giờ ông đi, các con cũng đi hết, bà khóc mà không còn sợ ai phải buồn đau. Chỉ mình bà, xót xa, đau đớn. ■

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI