PNO - Đảng bộ, chính quyền và người dân TPHCM luôn nhập cuộc bằng tinh thần Hồ Chí Minh trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố bởi những con người dám nghĩ, dám làm qua những việc làm cụ thể, vì hạnh phúc của nhân dân. Chính sức mạnh nội sinh ấy đã tạo ra nguồn lực to lớn không chỉ phát triển thành phố, nâng chất lượng sống của người dân, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
18 giờ, tan ca từ khu công nghiệp, chị H.V.T. đến UBND xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh sao y giấy tờ. Chị nói: “Bây giờ thoải mái lắm, rất nhiều việc cần đến thủ tục hành chính phải ra xã chỉ cần đi làm về ghé làm cũng được. Hồi trước, mỗi lần muốn làm giấy tờ phải xin nghỉ một ngày”. Hơn hai tháng nay, nhằm nâng cao mức độ phục vụ dân, UBND xã triển khai chương trình giải quyết hồ sơ ngoài giờ. Theo đó, từ 17 giờ - 18 giờ 30 thứ Ba và Năm, bộ phận một cửa và lãnh đạo sẽ trực giải quyết các yêu cầu về hộ tịch, thị thực…
Tinh thần phục vụ dân tận tụy luôn được tu dưỡng ở từng bộ phận, từng vị trí công tác tại xã. Sáng 29/4, H.Bình Chánh nhận quyết định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Phan Văn Tường (68 tuổi), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Lộc A, là một trong 44 cá nhân được UBND TPHCM tặng bằng khen có nhiều thành tích xây dựng nông thôn mới. Ông Tường kể: “Thời tôi còn làm phó chủ tịch rồi chủ tịch xã, dân số chỉ hơn 10.000. Người dân sống bằng nông nghiệp, trồng hoa màu, một số đi làm thuê mướn, thu nhập bấp bênh. Từ khi Khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở ra, dân nhập cư tăng dần. Được chủ trương từ trên, tôi phối hợp với một công ty đưa thanh niên xã đi đào tạo nghề để ra nước ngoài làm việc”.
Tham gia chương trình, con em của hơn 100 hộ nghèo tại huyện được đi xuất khẩu lao động ở Nhật, Hàn Quốc. Ông Tường nhớ lại: “Có hoàn cảnh tôi biết, gia đình không ai lo làm ăn, chỉ trông chờ con gửi tiền về rồi xài hết. Tôi đã chủ động liên hệ khuyên em tự tích lũy. Kết quả về nước, chẳng những trả 50 triệu đồng phí giữ chân cho Nhà nước, em còn có khoản tiền lớn làm vốn”. Theo ông, để làm lãnh đạo thành công, trước hết cán bộ phải hiểu tâm lý dân. Để mở rộng được 21 tuyến đường nông thôn mới, ông chủ tịch xã về hưu đã luôn chọn hướng cái gì có lợi cho dân thì làm. Ông cho họ thấy con đường hiện hữu nhỏ, sình lầy nên rất cần chỉnh trang lại để di chuyển dễ dàng, nhất là trong trường hợp cấp bách. Suốt bao nhiêu năm làm lãnh đạo xã, ông Tường sống, học, làm theo Bác luôn vì dân cần mẫn. Bà con ở Vĩnh Lộc A quý mến hình ảnh ông chủ tịch ngồi viết đơn dùm dân xin vay vốn sản xuất. “Làm theo Bác là làm hết tâm, thường xuyên nắm bắt để biết dân thiếu cái gì, đó là bí quyết lãnh đạo thành công”, ông Tường đúc kết.
Ông Phạm Chánh Trực (bìa trái, hàng đầu), nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và bà Phạm Phương Thảo (đứng), nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, tham gia góp ý về đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh trong năm 2020 - Ảnh: Nghi Anh
Tuổi hưu… bận rộn
Dường như sự năng động không hề kém đi trong tuổi hưu của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM. Bà thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện với tư cách chuyên gia hoặc tham gia các cuộc họp mang tính hiến kế, tham mưu cho lãnh đạo đương nhiệm. Người ta còn thấy nguyên chủ tịch vẫn ngày ngày viết báo, viết tham luận cho các hội thảo khoa học về các vấn đề cấp bách của thành phố.
Phong cách điềm đạm cố hữu, bà vẫn chọn lọc từng lời khi đóng góp ý kiến trong hội thảo Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức hồi đầu năm 2022. Đối với Trung ương, các vướng mắc của “thành phố trong thành phố” được bà thẳng thắn đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng quyền tự chủ, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, khắc phục cơ chế xin - cho. Ít ai nghĩ một vị lãnh đạo đã nghỉ hưu hơn chục năm lại có thể chi tiết, sâu sát như bà. Tại hội thảo, bà dẫn chứng: “Hiện TP.Thủ Đức có hai phường trên 100.000 dân, có 10 phường trên 50.000 dân, việc thực hiện theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ là không phù hợp…”.
Tại hội thảo khoa học “Tiềm năng, định hướng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn H.Củ Chi” tổ chức vào tháng 2/2022, bà Phạm Phương Thảo tiếp tục tham luận về phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện. Theo bà, dù có nhiều kết quả trong chỉ đạo, điều hành nhưng sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Quản lý, phát triển đô thị còn bất cập, chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh và triển khai các giải pháp đột phá chưa đạt như mong muốn... Đề xuất của bà nhận được sự ủng hộ lớn: “Củ Chi cần làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những làng quê xinh đẹp, đáng sống. Huyện cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái. Không để xảy ra tình trạng đô thị hóa tự phát khiến “phố không ra phố, làng không ra làng” và giữ hành lang ven sông Sài Gòn”.
Nếu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì theo bà, “nghĩa tình” là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền thành phố trong thực hiện các chủ trương, chính sách. Nghĩa tình mới có thể tạo ra bước đột phá trên mọi con đường phát triển, là tiền đề của thành phố thông minh. Hai phạm trù nghĩa tình, thông minh thống nhất trong một mục tiêu là phát triển thành phố bền vững. Và theo bà, nghĩa tình phải được bồi đắp bằng chiều sâu văn hóa, truyền thống đạo đức, nếp sống phong tục của các thế hệ. Trong đó, có sự kết tinh từ văn hóa, truyền thống, đạo đức Hồ Chí Minh.
Dù cũng đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM không ngơi việc. Thành phố cần gì, ông đều tham gia, đặc biệt, ông rất siêng viết góp ý cho lãnh đạo thành phố. Khi rời cương vị Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông vẫn tiếp tục công việc lãnh đạo ở tầng nấc chuyên sâu. Nguyện vọng bao năm của ông là xây dựng cho được khu công nghệ cao. Bởi, ông nhìn thấy đó như bệ phóng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM, góp phần cho cả nước.
Trải qua năm tháng chiến tranh, kinh qua nhiều vị trí công tác, theo gương Bác, ông học được rất nhiều từ nhân dân, cho đến các đồng chí như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ… Sự hiểu biết từ kho kiến thức tổng hợp đó giúp ông Phạm Chánh Trực quyết đoán, cương trực, cộng với sự nhân hậu và nghĩa tình. Giữa cái chung và riêng, ông ít khi bị dằn vặt, bởi ông không nghĩ gì cho riêng mình, mà quyết theo lòng dân, ý Đảng.
Không ít lần, ông bày tỏ ý nguyện cống hiến cho đến ngày cuối cùng, vì luôn thấy mình còn nặng nợ với người dân: “Tôi kỳ vọng cán bộ sau này phải nhìn thấu được những vấn đề của thành phố và tập trung giải quyết sát dân hơn, kéo giảm mâu thuẫn giữa mong muốn và thực tế. Đơn cử, nhiều người dân vẫn chưa có nhà ở thì sao có chất lượng sống tốt? Theo tôi, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ phải tìm cách kết nối nghị quyết và cuộc sống để giải quyết vấn đề từ mọi ngóc ngách xã hội”. (Còn nữa)
Sức mạnh đoàn kết
Giữa tháng Tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Củ Chi, đồng thời trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, về thành tích xây dựng nông thôn mới và phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Trong phòng, chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị của huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. UBND huyện đã liên tục phát động chương trình “3 ngày cao điểm”, “10 ngày thần tốc” quyết tâm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Lúc cao điểm dịch bệnh (tháng 7 - 8/2021), bà Phạm Thị Thanh Hiền trực tiếp đến các vùng có dịch thị sát, đề ra các kế hoạch phù hợp cho từng giai đoạn. Đến cuối tháng 8/2021, Củ Chi là một trong ba quận, huyện của TPHCM được công nhận là “vùng xanh”, tức vùng an toàn, không còn lây lan dịch, được phép chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Theo bà, để phòng, chống dịch hiệu quả, phải dựa vào sức dân. “Nếu không có sự tham gia của nhân dân thì không thể thành công. Trong hoạt động này, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị: Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, bà Hiền tâm đắc.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.