Sáu Hè lấy một trái lựu đạn của cậu du kích lận vào lưng quần, kéo cậu ta chạy sang phía bên phải. Chưa gặp lính, nhưng bên kia đã nghe tiếng AR15 nổ kéo dây. Hè nhằm phía đó nổ một phát súng. Lập tức, tiếng đạn bay chiu chíu qua đầu, rồi sà xuống thấp, bắn xuyên vào mảng tường, nháng lửa. Sáu Hè ra lệnh cho cậu du kích chạy về phía cuối ngõ hẻm, thông ra mương, còn anh ở lại. Tiếng súng địch xiết gần, nhìn ra phía ngoài thấy cũng loang loáng ánh đèn pin. Không do dự, Sáu Hè cong người như con tôm, phóng lên bức tường rồi lọt vào máng xối căn nhà liền đó. Từ hai phía, các toán lính nhập lại. Chúng hỏi nhau phía dưới:
- Đ. mẹ, nó mới ở đây, không lẽ độn thổ? Tụi bây xăm nắp hầm quanh đây coi.
Bọn lính sục sạo, một thằng ngước lên mái nhà:
- Không độn thổ thì thăng thiên. Rọi đèn!
Máng xối quá nhỏ không che kín được Sáu Hè. Biết bị lộ, anh rút chốt trái lựu đạn duy nhất, chờ… từng khắc rồi thảy xuống. Tiếng lựu đạn nổ, đám lính chí chóe la ó. Khoảng một phút sau, chúng mới lồm ngồm bò ra, bắn xối xả vào chỗ Sáu Hè đang nằm. Đạn địch găm khắp người anh. Sáu Hè lấy súng, nhưng tay anh đã liệt. Anh oằn người, một viên đạn trúng vào đầu, Sáu Hè lơ mơ nghĩ: còn vài trăm thước là con về nhà rồi má ơi…
Cách nhà có vài trăm thước mà Sáu Hè không về được. Anh em đỡ xuống cái thân thể găm đầy đạn, đưa anh về cứ, làm lễ truy điệu. Tin dữ bay về, má Tám lặng đi, miếng trầu say say đắng nghét. Má nuốt luôn vào lòng, đỏ như máu. Đêm qua, nghe tiếng súng nổ, má biết anh em an ninh về. Không ngờ đó là thằng con thứ sáu của má, cái thằng lọt lòng ngày nắng đốt, cha nó còn bận miệt dưới Tân An, vui vì tin tức khởi nghĩa lan khắp, ổng tin sắp tới ngày độc lập, ông mừng nên đặt nó là thằng Hè. Hè ơi, con về tới đất mình rồi, sao không ráng mà vô nhà với ba má…
|
Người mẹ đất thép Hội LHPN TP.Hồ Chí Minh |
Má đứng dậy, Mười Nâng níu giữ tay má. Má vẫn để yên nhưng miệng như mím chặt: - Để cho tao nhìn mặt thằng con tao.
- Tụi con sợ…
- Sợ gì, sợ tao không chịu nổi chớ gì. Thì cũng phải ráng mà chịu chớ con, đạp gai có đau thì lấy gai mà lể, đau chỗ nào, đứng lên từ chỗ ấy mà bước - Má nói tỉnh, càng tỉnh, các con má càng sợ. Phải chi má còn khóc được. Nhưng nước mắt dường như đã cạn kiệt mất rồi. Ai lại đi đo đếm chuyện sinh tử nhưng quá tam ba bận, má đành đoạn khóc con.
Lần thứ tư này, xót xa hơn nữa là sức khỏe của ông Tám Cầm yếu quá, má sợ chồng mình không chịu nổi, má bảo mấy đứa giấu ba bây. Giấu cho được ba, má phải ráng nuốt hết vào trong. Thi thoảng giữa giấc trưa, ông Tám mớ gọi tên con, bà giật mình, tưởng mình hớ. Hết hồn.
Cuối mùa khô năm 1967, trời Phước Hiệp bắt đầu chuyển, lác đác mấy hột mưa rơi xuống sân, bốc hơi ngột ngạt. Má Tám thấy khó thở, bước vội ra sân, cả tiếng thở dồn cũng không dám, ổng còn thức trong võng. Bất ngờ, Hai Thía, vợ Hai Dúng vừa qua tới. Má không nỡ khiến con dâu đau buồn, trở bước vô nhà, theo nó. Hai Thía không nói gì, run rẩy tiến về trang thờ chồng, đốt nhang rồi gục đầu vào bàn thờ:
- Má ơi, anh Hai ơi, thằng Rưng nó hy sinh rồi!
Má Tám vừa bước tới cái phản tàu dừa, má không tin vào tai mình nhưng cái dáng bộ con Hai thì làm sao mà lầm cho được. Cái gì đây, tin thằng Sáu chưa kịp ráo. Thằng Rưng, con thằng Hai Dúng, sao mà nó chết được… Má ngơ ngác từ trong bụng trong dạ. Cái gục đầu của Hai Thía xuống vai má, má giật mình, tóc con dâu má, nó bạc từ hồi nào. Rồi hai mái đầu đổ vào nhau, không biết ai đang nương tựa vào ai, ai đang đỡ nâng, cưu mang ai. Nỗi đau không ngôi, không tuổi. Nỗi đau chém phập. Cắt đứt.
Giọt nước lạnh thấm qua vai, má Tám choàng tay, vỗ vào lưng Hai Thía: - Má thương con, con thương má, thương thằng Hai, ráng nghe con!
Hai Thía nghe tới đó, khóc vùi trong lòng má Tám. Hình như cô Hai khóc luôn cho cả phần cha nó, giọt máu duy nhất, cuối cùng anh để lại trên đời, em đã không giữ lại nổi, em có lỗi với anh, anh Hai ơi…
- Bà với con Hai, mình ráng cho thằng Sáu, thằng Rưng nó đi thanh thản - tiếng ông Tám như tiếng nước mưa dội lên nóc nhà cuối mùa khô. Má Tám lặng nhìn chồng. Thì ra, ông biết hết, ông biết cả chuyện thằng Sáu Hè hy sinh. Ông biết cả chuyện bà giấu ông nên ông cũng ráng giấu bà cái sự biết ấy. Hai người già giấu cho nhau nỗi đau mất mát khi cứ lần lượt tiễn đưa những đứa trẻ.
Ông Tám ơi, trọn đời này, Tám Rành tui luôn kính trọng và mang ơn ông, ông là người cha, người thầy, người bạn đời mà tui may mắn có được. Ngay cả đớn đau, ông cũng giành mà gánh bớt cho tui, nhưng ông Tám ơi, đau đớn mất con thì ông hay tui, nào ai bớt được cho ai…
Dưới làn khói nhòe nhạt, ba con người bất động như tượng. Tượng đang nhỏ máu.
***
Chiều tối, không thấy Mười Nâng ghé qua, má sinh nghi. Tình hình sáng nay rất căng, rất ác liệt, mà má lại ở một mình. Nó biết nên bận mấy, xong việc nó cũng tranh thủ tạt qua nhìn má. Má nóng ruột, như cái hồi tụi nó chở má ra chợ Củ Chi, chẳng lẽ… Má hỏi thăm, mấy thằng nhỏ đều dạ dạ mấy tiếng rồi trốn lủi.
- Nó không về thăm tao, thì tao đi kiếm nó, tao phải kiếm nó - Má nói một mình rồi cầm cây gậy phăm phăm đi về phía hầm du kích. Từ xa, má đã thấy mấy cái đầu cúi thấp, chúng nó đang làm gì với cái tư thế mặc niệm ấy. Linh tính ngày thằng Năm Dé đâu sai, và một lần nữa, linh tính của người mẹ lại trúng, trúng ngay tim. Mười Nâng ơi, con không về với má thì má đi tìm con…
Thằng Đực nhận ra má, chạy lại, tính đỡ lấy cây gậy. Má nhìn nó, thấy hai hàng nước mắt chưa kịp lau, hốt hoảng, cuống cuồng, né tránh. Thôi rồi Mười ơi… Má buông cây gậy, nhắm mắt, thằng Đực rồi anh em chạy lại đỡ lấy má, dìu má về phía cửa hầm, để má ngồi xuống mấy mảnh ván. Má hé mắt:
- Nó nằm đâu?
Mấy đứa nhỏ nhìn nhau im lặng. Chỉ có thằng Đực còn dám lên tiếng:
- Ảnh trúng pháo! Chiều giờ tụi con đi lượm…
Má Tám mở mắt trừng trừng nhìn lên bầu trời đen thẳm, lác đác có những chấm sao xa:
- Thằng đó, tao sanh lẹ lắm, mới thấy đau đau là đã nghe tiếng nó khóc. Nó khóc lớn lắm bây ơi. Khóc lớn tiếng, khóc dai nữa, hàng giờ không chịu nín. Giờ nó cũng ra đi cũng lẹ, không đau đớn, nhưng mày làm má đau quá Mười Nâng ơi, muốn ôm con mà cũng không còn được nữa…
Du kích thường ngày gan lì dữ lắm, nay nghe má Tám khóc Mười Nâng, có đứa chịu không nổi, hộc lên một tiếng, có đứa lủi vô hầm mới khóc.
Bầu trời đen thẳm, mỗi vì sao như chứa một phần xương thịt của con trai má, lập lòe, tan biến. Má mượn đất này, nước này, máu này, lửa này để sanh con thì nay, má cũng trả con về lại với trời với bể, với đồng ruộng ao hồ, với cỏ cây, hoa trái; để từ rày, ở đâu trên mảnh đất Trại Đèn này, cũng là hình hài con, hơi thở con, nghe không thằng Mười Nâng của má… ■