Khu tập thể như hầm trú ẩn
Những hộ dân tại tầng 1 khu tập thể C5 Quỳnh Mai (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) phải sống trong hầm chứ không phải căn nhà. Toàn bộ tầng 1 của khu nhà này chỉ còn cao khoảng 1m. Người nào muốn đi vào, phải khom người chui qua cửa.
Ông Trần Đình Nội - 73 tuổi, cư dân ở đây - cho biết, tòa nhà này được xây từ năm 1956, đưa vào sử dụng năm 1960. Bấy giờ, tầng 1 của tòa nhà có chiều cao khoảng 3m nhưng sau quá nhiều lần nâng đường, nay chỉ còn cao 1m. Theo ông Đình Nội, các căn nhà ở tầng 1 không thể tôn nền lên tiếp nên cư dân phải sống trong hầm, thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Mọi người phải xây bậc ngăn nước để tránh nước tràn vào nhà. Các nhà ở tầng trên cũng đều bị thấm nước, chảy xuống nhà tầng dưới. Cho đến nay, chưa có nhà đầu tư nào tiếp xúc với người dân, chỉ có chính quyền địa phương làm cống thoát nước để giảm bớt tình trạng úng ngập.
|
Nhiều chung cư hư hỏng nặng nguy hiểm đến tính mạng người dân |
Theo ông Đình Nội, dù chỗ ở xuống cấp trầm trọng nhưng hầu hết người dân ở đây đều không muốn đi nơi khác định cư do địa điểm sinh sống thuận lợi, gần cơ sở y tế, trường học và hạ tầng xung quanh tốt. “Nhà nước không sửa thì chúng tôi phải góp tiền sửa lại để ở chứ bảo chuyển đi nơi khác chắc không ai chịu” - ông Đình Nội nói.
Tại tầng 1 của khu nhà tập thể này, toàn bộ phần tường bên ngoài đã bị lở hết. Cả tầng chỉ có một khu vệ sinh chung đã xuống cấp nhưng người dân vẫn phải sử dụng. Chỉ vào một góc ẩm thấp, chị Bùi Thanh Hằng cho biết, đó là khu vệ sinh của tầng 1 nhưng từ lâu rồi không ai vào đó. Hỏi về kế hoạch cải tạo chung cư cũ, chị Hằng chỉ cười chua chát: “Hàng chục năm nay, người dân ở đây kêu đủ rồi, báo chí, truyền hình cũng vào nhiều rồi nhưng có thay đổi được gì đâu”.
Hiện TP. Hà Nội còn rất nhiều chung cư cũ, đã xuống cấp trầm trọng nhưng người dân vẫn phải bám trụ sinh sống do nằm ở vị trí “đất vàng”. Bà Trần Thị Yến - trú tại khu tập thể A10-11 Nghĩa Tân, P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy - cho biết, từ năm 2013, đã có hai doanh nghiệp đến lấy ý kiến người dân để thực hiện dự án xây chung cư mới, nhưng vướng một số quy định về hệ số đền bù. “Một khó khăn khác trong việc cải tạo, xây mới chung cư là những hộ ở tầng 1 đều phản đối việc di dời, tái định cư vì họ cho rằng giá tiền đền bù quá rẻ, không thể bù lại được thu nhập hằng tháng từ việc cho thuê hoặc kinh doanh mặt bằng hiện tại.
Dân bỏ đi rồi lại quay về
Nhiều khu nhà tập thể, chung cư ở TP. Hà Nội xuống cấp mức D (nghiêm trọng) nhưng người dân vẫn không thể đi đâu. Thậm chí, sau khi thỏa thuận, người dân đã tạm di dời nhưng sau đó họ lại quay về sinh sống.
Ông Nguyễn Đức Thắng - ở khu tập thể E6, tổ dân phố 13, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng - cho biết, hai tòa nhà khu tập thể E6 và E7 được xây dựng vào những năm 1980. Từ năm 1997, hai chung cư này bắt đầu xuống cấp, toàn bộ hệ thống móng của cả hai dãy nhà bắt đầu có hiện tượng lún nứt, độ lún đo được khoảng 40-50cm. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy được hai tòa nhà bị tách ra gần 20cm. Đơn vị thi công đã cử người xuống khắc phục bằng cách vít các đố sắt lại với nhau, đồng thời nhồi xi măng vào các vết lún, nứt của móng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, tình trạng lún, nứt càng nghiêm trọng hơn trước.
|
Một chung cư cũ ở Hà Nội xuống cấp trầm trọng |
Ông Thắng cho biết thêm, sau khi họp với cư dân, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi gia đình một số tiền để đi thuê nhà ở tạm trong khi chờ xây sửa. Tuy nhiên, do không triển khai được dự án cải tạo nên chỉ sau một thời gian, hàng trăm hộ dân lại phải quay về đây sinh sống.
Tương tự, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cũng xuống cấp trầm trọng nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Anh Phan Văn Thành - ở nhà A2 của khu tập thể này - cho biết, khu tập thể này nằm trong danh sách những công trình cần cải tạo đầu tiên của TP. Hà Nội nhưng đã chục năm nay, vẫn chưa triển khai được. “Biết là sống khổ nhưng hầu hết người dân ở đây đều buôn bán ở chợ gần nhà nên không ai muốn chuyển đi và cũng không biết chuyển đi đâu” - anh Thành nói.
Không gian sống ngày càng teo tóp
Về tình trạng chung cư cũ, kiến trúc sư Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP. Hà Nội - thông tin, hầu hết diện tích căn hộ khoảng 24-28m2, được thiết kế theo mô hình sinh hoạt thời kinh tế khó khăn, yêu cầu về tính tiện nghi không cao, không gian chật chội, không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến tình trạng cơi nới tràn lan, cả không gian dưới mặt đất lẫn trên cao. Không gian chung của các khu chung cư cũ cũng không còn. Quỹ đất dành để trồng cây xanh trước đây bị chiếm dụng làm nhà ở, chỗ để xe, hàng quán, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến bộ mặt kiến trúc đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, chính quyền TP. Hà Nội cần xây dựng nhiệm vụ thiết kế, lấy ý kiến cộng đồng, tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ thiết kế. Để có nhiệm vụ thiết kế phù hợp, cần phân loại các khu chung cư hiện nay, căn cứ diện tích, vị trí, lợi thế, quy mô dân số để xác định các chỉ tiêu kỹ thuật đặc thù. Để giải quyết vấn đề vốn, cần phải có các hình thức xã hội hóa việc lập quy hoạch chi tiết và dự án thông qua lựa chọn chủ đầu tư hoặc đấu thầu. Cần công bố các đồ án quy hoạch đã lập, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ở chung cư và ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, tổ chức để hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và cộng đồng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, toàn thành phố có 76 khu tập thể cũ với 1.271 dãy nhà từ 4-6 tầng và 308 dãy nhà độc lập, quy mô dân số gần 240.000 người. Quy mô dân số tăng cao làm cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước) trong các khu tập thể cũ bị quá tải trầm trọng, đặc biệt là hệ thống thoát nước cũ xuống cấp gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
|
Bảo Khang