Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên TPHCM.
Nơi tiễn chân Người đi
Từ Q.1, qua cầu Khánh Hội là đến đường Nguyễn Tất Thành, Q.4. Ngay số 1 Nguyễn Tất Thành chính là Bến Nhà Rồng xưa, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM.
Tòa kiến trúc kiểu Pháp từ lâu đã biểu trưng cho sự phồn thịnh của thành phố (TP) cảng Sài Gòn, nơi tàu bè ra vào nhộn nhịp bậc nhất Đông Nam Á từ thế kỷ XIX. Từ đây, ngày 5/6/1911, chàng trai có tên Văn Ba xin làm chân phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville để có điều kiện ra nước ngoài, khởi đầu hành trình cách mạng. Từ đây, TP Sài Gòn là mảnh đất tiễn chân Người đi.
|
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM - Ảnh: Tuyết Dân |
Theo lời kể của bà Trần Thị Mạo (78 tuổi), bà là người đầu tiên thuyết phục Bộ Văn hóa cho chuyển Khu di tích Nhà Rồng thành Bảo tàng Hồ Chí Minh với sự mở rộng nội dung và diện tích trưng bày. Năm 1955, cha bà từ miền Bắc gửi thư vào Bình Thuận, yêu cầu cho bà ra Hà Nội theo con đường tập kết. Sau này, bà mới biết, có hàng vạn con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc không nằm trong nội dung Hiệp định Genève (1954) mà là chủ trương của Bác Hồ. Đây là một trong những điển hình về tầm nhìn chiến lược của Bác đối với sự nghiệp lâu dài, âm thầm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho cách mạng miền Nam.
Năm 1990, bà vào công tác tại Bảo tàng Cách mạng TPHCM khi Bến Nhà Rồng chỉ là một di tích lưu niệm mang tính tượng trưng. Đầu năm 1994, bà được phân công về công tác tại đây và đề xuất tôn tạo, nâng cấp thành bảo tàng.
“Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil ở Paris dành hẳn một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Khi phái đoàn Pháp sang lấy tư liệu, tôi đang làm việc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội và đã chọn tất cả những gì trong mối liên hệ giữa Bác và nước Pháp để cung cấp cho họ. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM lâu nay đã mang đậm các đặc trưng của địa phương, nhất là tình cảm, mối quan hệ giữa Bác Hồ với miền Nam. Quá hợp tình, hợp lý để TPHCM xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm nhắc nhở trọng trách phải xứng đáng với tên gọi của TP mang tên Bác” - bà Trần Thị Mạo nói.
Di chỉ lặng lẽ
Nhà số 5 Châu Văn Liêm (tên thời Pháp là Quai Testard - khu Chợ Lớn) được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1988. Đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán - một tổ chức kinh doanh do sĩ phu tỉnh Bình Thuận thành lập năm 1906 - tổ chức đã giúp đỡ người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn. Căn nhà trên là nơi Bác sống, sinh hoạt trong thời gian lưu lại TP trong chín tháng trước ra đi tìm đường cứu nước.
Theo tài liệu do người phụ trách quản lý di tích Nhà số 5 cung cấp, năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành từ Trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào Sài Gòn và được sự giúp đỡ của các cụ Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang và Trần Lệ Chất. Bác được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Đạt - một người cháu của cụ Trương Gia Mô - ở xóm Cầu Rạch Bần, Chợ Lớn (nay là đường Cô Bắc, Q.1). Cụ Trương Gia Mô là bạn đồng liêu của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bằng uy tín và sự khôn khéo, các ông đã vận động vị công sứ Pháp cấp giấy thông hành cho Nguyễn Tất Thành với một tên mới là Văn Ba. Hai ngày sau, Bác được đưa đến ở tại Nhà số 5 này.
Trong thời gian ở Sài Gòn, Bác vừa dạy học, vừa đi làm ở Trường Thợ máy (Escole des Mécaniciens), đi bán báo ở khu vực thương cảng kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như tàu bè ra vào cảng Sài Gòn. Đây là quãng thời gian hết sức quan trọng để Bác có bước chuẩn bị về vật chất, tinh thần, phương tiện và quyết định cho việc ra đi tìm đường cứu nước.
Hiện Nhà số 5 luôn được mở cửa để đón du khách trong và ngoài nước tham quan. Khu di tích này rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương. Từ nền nhà đến trần cao 3m, chiều cao tầng lầu 4m, từ nóc đến mái cao 1m, cầu thang lên lầu bằng gỗ. Trên lầu, có ban công rộng 2m, dài 4m, cửa ra ban công bằng gỗ. Toàn bộ không gian bên trong di tích được dùng để trưng bày tư liệu, hình ảnh về Bác.
Tầng một có bàn thờ Bác Hồ và hai bên vách tường trưng bày các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, cùng lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910-1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Tréville... Gian sau có một cầu thang gỗ dẫn lên tầng hai, nơi trưng bày các tài liệu, hình ảnh, tranh minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.
Nhà số 5 được xem như chứng tích mở đầu cho trang sử cách mạng tại miền Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Trần Thị Quyên - người phụ trách quản lý di tích Nhà số 5 - cho biết làm việc ở đây, bà có cơ hội hiểu biết thêm về Bác: “Với tôi, Bác như người thân, là một “kim chỉ nam” để tôi sống, học tập và làm việc. Tư liệu về Bác phần lớn do những người có dịp tiếp xúc, thân cận với Bác kể lại”.
|
Cảm tưởng của người dân, cán bộ ghi trong sổ lưu niệm khi đến thăm di tích Nhà số 5 Châu Văn Liêm - Ảnh: Tuyết Dân |
Làm việc nhiều năm tại đây, bà Quyên ghi nhận tình cảm đặc biệt của người dân đối với Bác. Họ đến không chỉ dâng hương mà còn gửi lại một khoản tiền để nhờ bà thường xuyên mua hoa trái dâng Bác. Có người đang là sinh viên, có người đã cao tuổi vẫn thường đạp xe đến thắp nhang cho Bác.
“Qua cách họ nói chuyện, tôi cảm nhận họ rất kính yêu và am tường về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sống của Bác. Có một người lớn tuổi là Việt kiều Canada, mỗi lần về Việt Nam đều đến di tích Nhà số 5 thăm Bác. Bà cho biết, bà thích tìm đọc tài liệu về Bác và kể cho con cháu xa quê hương về Bác Hồ - một vĩ nhân. Cuộc sống nơi đất khách lắm khi không được như ý, hình ảnh Bác đã giúp gia đình bà có sức mạnh vượt qua khó khăn. Tết năm nay, bà đưa các con về Việt Nam, dẫn đến thắp hương cho Bác” - bà Quyên kể.
Mỗi năm, Nhà số 5 Châu Văn Liêm đón trung bình 3.000 lượt khách và di tích này như một khoảng lặng để du khách hướng nhìn về lịch sử.
Không gian của tinh thần hòa hợp, hòa giải
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - nêu một cái nhìn về sự tương đồng trong tính cách của Bác Hồ với con người TPHCM. Đó là sự cởi mở, phóng khoáng, dễ dàng tiếp cận cái mới. Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất thành rất Nam bộ. Bác vào ở trụ sở Liên Thành chín tháng nhưng nhanh chóng hòa nhập.
“Trước hết, tại sao chúng ta đặt ra Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và tại sao lại bắt đầu từ TPHCM? Đó là vì chính người thanh niên Nguyễn Tất Thành trước đây, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từ TP này ra đi tìm đường cứu nước. Bác ra đi chỉ với tấm lòng yêu nước và nhiệt huyết của mình để tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Do vậy, khái niệm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải được hiểu rộng, gồm cả không gian vật chất lẫn tinh thần, đúng hơn là hệ sinh thái Hồ Chí Minh” - bà nói.
Theo bà, muốn hiểu Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở tầm lớn hơn, phải bắt nguồn từ trụ cột văn hóa của Bác Hồ. Trong bối cảnh hiện nay, đó chính là tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, được thể hiện rất rõ trong tinh thần Hồ Chí Minh, tinh thần đi ra thế giới học hỏi, tìm cái hay, tinh túy để mang về quê hương. Ngày xưa, Bác đi tìm một chủ thuyết để phù hợp với hoàn cảnh cứu nước. Giờ đây, người Việt Nam, bằng tinh thần yêu nước, hòa hợp, hòa giải, phải vì quê hương mà trở về để kiến quốc.
“Đối với công dân tương lai, thế hệ trẻ, tôi thấy Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn phải thể hiện được tinh thần Bác Hồ ra đi với hai bàn tay trắng và tinh thần tự học. Chúng ta phải khơi gợi được điều này. Giới trẻ phải có tinh thần học hỏi mãnh liệt, nhất là trong nền kinh tế tri thức hiện nay, để phát triển bản thân và địa phương mình, đất nước mình” - bà nói.
Một trong những giá trị nữa để xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là tinh thần dân tộc. Do đó, ở góc độ vật chất, bà Quách Thu Nguyệt đề xuất, nên khôi phục lại mô hình con tàu Đô đốc Amiral Latouche Tréville ngay tại Bến Nhà Rồng. Trong không gian vật chất cụ thể đó, cần thể hiện tinh thần hòa hợp, hòa giải, kiến quốc. Vị thế Việt Nam giờ đã khác, bên cạnh sức mạnh nội lực, nếu tập hợp được sức mạnh từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì đất nước sẽ phát triển rất nhanh, rất mạnh. Điều này phải được thể hiện bằng chính sách cụ thể.
Học Bác sống tiết kiệm, giúp đỡ người khó khăn Mùa hè năm 1962, bà Nguyễn Thị Xuyến 15 tuổi. Một hôm, bà đang cùng chơi với các bạn trong sân Trường Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội thì một chiếc xe màu đen dừng lại. Từ trên xe, Bác Hồ bước xuống vẫy tay chào. “Cả đám chúng tôi mừng rỡ, đồng thanh kêu to “A, Bác Hồ” rồi thi nhau chạy đến nhào vào vòng tay của Bác” - bà kể. | Bà Nguyễn Thị Xuyến (khoanh tròn) trong bức ảnh “Bác Hồ với học sinh” - Ảnh tư liệu |
Theo bà, Bác đến thăm trường nhưng không thông báo trước, không có bất kỳ sự chuẩn bị nào và đoàn cũng chỉ có bốn người. Vẫn bộ quần áo giản dị, Bác trò chuyện với học sinh, thăm từng ngõ ngách của trường, dặn dò học sinh cố gắng học giỏi, chăm ngoan. Bác còn nói: “Các cháu là thế hệ tương lai của đất nước. Đất nước có giàu mạnh, phát triển hay không, chính là nhờ các cháu”. Lớn lên, đi bộ đội, có lần về thăm nhà, vô tình đi ngang qua cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Hà Nội, bà Xuyến hạnh phúc khi thấy mình trong tấm ảnh Bác chụp với thiếu nhi treo ngay sảnh. Đó là hình chụp hôm Bác đến thăm trường. Sự giản dị của Bác được bà Xuyến khắc ghi trong tim. Giờ sống ở TPHCM, thỉnh thoảng, bà Xuyến đến Nhà số 5 Châu Văn Liêm thắp hương, qua Bến Nhà Rồng tham quan bảo tàng và mỗi khi xem các đồ dùng của Bác, bà đều không cầm được nước mắt. Thấm nhuần tư tưởng và cách sống của Bác, bà Xuyến cho hay, năm 1975, khi vào Nam, bà được Nhà nước cấp cho một căn nhà ở đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1, nhưng bà thấy căn nhà quá lớn: “Tôi nghĩ, mình chỉ có vợ chồng và hai đứa con mà sống trong căn nhà đó thì phí nên tôi xin đổi lại căn nhà khác trong Chợ Lớn. Khi được đổi nhà, tôi thấy nó vẫn quá lớn nên lại xin đổi một căn nhà khác trong khu tập thể gần Bưu điện Q.5”. Hiện bà Xuyến đã nghỉ hưu. Từ nhiều năm qua, bà sống rất tiết kiệm. Bà chia lương hưu ra nhiều phần, một phần dành để phòng khi ốm đau, một phần gửi vào các nhà chùa có chăm sóc trẻ mồ côi, một phần đưa các con để lo cơm nước, phần còn lại góp vào các quỹ vì người nghèo, thiên tai, bão lũ, bảo vệ biển đảo… của địa phương. |
Quốc Ngọc - Tuyết Dân
(Còn nữa)