LTS : Một ngày bình yên sau chiến tranh, má nhìn bóng mình trên vách, nhìn 9 bát nhang đỏ rực và bật khóc. Bao lần nghe tin con ra đi, má nuốt khan, lặng lẽ. Giờ thì má khóc mà không sợ ai buồn lo, bởi 8 đứa con hy sinh hết rồi, chồng cũng vừa mất.
Đời má là đời dân nước Việt, lặn lội, sống chết với non sông, để ngày khải hoàn, trơ trọi với nỗi đau tận cùng. Tất cả có thể bị lãng quên, nhưng nước mắt của những người mẹ tưới tắm đất đai này, mãi là câu chuyện cho ngàn đời...
Từ số báo này, báo Phụ Nữ khởi đăng chuyện về đời Mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Rành, rút từ các chương Tình yêu, Tận cùng mất mát , Máu và hoa, trong truyện ký Người Mẹ Đất Thép ( tác giả Hoàng Đình Quang)-công trình của Hội LHPN TP.HCM.
Buổi sáng ấy, một người thanh niên có vẻ Tây học, nhẹ nhàng đẩy cánh cổng trường tư thục Thái Nghĩa bước vào sân.
Đứa học trò nhỏ đang làm nhiệm vụ quét dọn mảnh sân trường, bỗng giật mình khi có người lạ bước vào. Nhìn phong thái thư sinh đĩnh đạc của người khách, nó thấy an tâm, dừng tay chổi lên tiếng:
- Chú, à, thầy kiếm ai?
Người thanh niên nhấc cái nón két đang đội đầu, giọng nhẹ nhàng:
- Thầy chủ trường đã thức dậy chưa con?
Thằng nhỏ đưa mắt vào phòng thầy chủ trường, thấy ngọn đèn đã tắt, nó đoán thầy đang rửa mặt ở lu nước đầu hiên nhà:
- Chú kiếm thầy chủ trường có việc chi không?
- Ta đến hỏi thầy chủ trường có công chuyện. Vô báo cho thầy biết, nếu thầy đã thức giấc.
Cậu trò lưỡng lự, nó muốn quét xong khoảnh sân mà hôm nay đến phiên nó được giao. Thấy vậy, người thanh niên giành cầm cây chổi chà trong tay nó, cười tươi:
- Con đưa ta quét nốt chỗ sân này cho. Đi đi.
Nghe cậu trò thuật, thầy chủ trường bật cười, rồi ngó ra ngoài sân. Một thanh niên vận đồ Tây trắng, dáng thư sinh, đang khom người quét. Những nhát chổi gọn gàng, dứt khoát của một người quen làm việc. Thầy chủ trường thong thả bước ra sân, mở lời chào đón:
- Cơn gió nào đưa anh đến với thầy trò chúng tôi sớm vậy? Người thanh niên ngẩng lên, dựa cây chổi vào bờ tường, cẩn thậ n kéo hai vạt áo, hơi cúi mình:
- Dạ. Chào thầy chủ trường. Tôi là Cầm, người Đức Hòa. Sáng nay có chút việc xin đến quấy rầy thầy.
- Khách khí quá. Mời anh vô phòng tôi, ta nói chuyện.
Sau khi dẫn thầy Cầm đi thăm nơi học hành, vui chơi của đám học trò, thầy Năm hỏi:
- À còn chuyện này, ta cũng phải bàn cho hết. Hiện giờ thầy có vợ con gì chưa? Ăn ở thế nào?
Thầy Cầm chợt đỏ mặt:
- Cám ơn thầy, tôi vẫn độc thân. Hai mươi hai tuổi, ông bà già cũng giục hối dữ lắm, mà tôi chưa định. Hiện thời tôi ở bên bển với ba má…
***
Lại còn chuyện gia thất, ba má thầy hối giục gắt, mà thầy chỉ cười trừ. Lấy ai cũng khó. Khó người, khó tánh, khó đường ăn nước ở. Con gái thị thành, chợ búa thì không phù hợp, mà dân quê thì thầy ngại kiếm tìm. Cái mác giáo chức trường tư, có khi không ai dân ruộng rẫy dám với tới.
Vậy mà, trưa nay, ăn xong, đang uống miếng trà lợt, tính quay về trường, bỗng thấy mấy gã công tử chọc ghẹo hai cô gái ngoài quán, thầy Tám thấy mình nổi chút máu Lục Vân Tiên trong người. Giữa đường thấy cảnh bất bằng, ra tay bảo vệ người ngay là một nhẽ, đằng này, cả thêm lòng cảm kích tư chất cô gái nhỏ.
Lòng cảm kích ấy thầy mang theo về nhà, lên lớp. Cả mấy hổm rày, hễ lui cui công việc thì chớ, rảnh ra là thầy lại vắt tay qua trán. Nhớ đôi mắt sáng, vầng trán rộng, bờ môi mím chặt, dứt khoát không nhận sự thết đãi vô tình. Con người tuổi nhỏ mà khí khái coi bộ ngút trời. Thầy nhớ tên cô là Rành, là kẻ ăn người ở trong nhà ông xã Hạnh, cũng không xa đây là mấy.
Buổi trưa, thầy nằm nghỉ, nghĩ ngợi mông lung. Chẳng biết duyên nợ gì hay không mà thầy mong gặp lại người con gái ấy, ngặt là không biết đường nào, nhờ cậy ai. Gặp phải nhà xã Hạnh là chốn bợ đỡ đám quan trên, me Tây, thầy ghét bội phần.
Phải rồi, thầy sực nhớ bà chủ quán hôm nọ, biết rõ thân thế nhà cô Rành. Thầy lật đật ra chợ, tìm đến quán hủ tíu. Nhưng bà chủ quán cũng chỉ biết, Rành là con ông Hai Đìa, mang tội làm quốc sự(1) bị bắt đi mất tích. Bà Hai mấy năm sau cũng qua đời vì bệnh. Thời may, bà chủ quán kiếm được ông Tư, một người làm công trong nhà ông Xã. Thầy mừng quá, chẳng giấu giếm gì, tìm ngay ông Tư hỏi chuyện:
- Chú biết nhà cô Rành ở đâu không? Người thân của cổ ai còn ai mất?
- Nó đâu có nhà cửa gì. Cha đi biệt xứ, nghe đâu làm quốc sự gì đó. Má nó mất mấy năm nay rồi.
Ông Tư cười hiền, tỏ ra thông cảm:
- Mà thầy muốn gặp con Rành hông?
Cầm đỏ mặt, lảng chuyện:
- Tôi thấy cổ quen quen, chưa kịp hỏi thì đã đi rồi. Không biết có phải cô em bên đằng má tôi không?
Nhận một đồng bạc của thầy Tám, ông Tư hẹn sẽ kiếm cớ để Rành ra ngoài cho thầy gặp.
Không biết ông Tư thu xếp kiểu gì mà khi tin báo đến chỗ thầy Tám Cầm, thầy chỉ kịp khoác vội cái áo vét rồi cứ thế mà bươn bả rời trường. Khi thầy đến, Rành đã ngồi ở cái ghế tre nơi quán nước ven đường. Đám dương xỉ lau lách quanh đó, Rành vừa ngóng người thanh niên vừa bứt mấy lá, đặng mang về ép khô chơi. Người ấy đến, nhẹ nhàng, yên ắng. Họ gặp lại nhau, như là thân quen lắm rồi. Thầy hỏi han Rành đủ chuyện, mà Rành thì chỉ biết ngồi nghe, hai má nóng phừng. Mắt vẫn sáng, trán vẫn thanh thoát nhưng Rành dịu dàng nép mình ngồi nghe người thanh niên trước mặt mình kể chuyện bôn ba. Mười bảy tuổi, Rành đủ hiểu người ấy muốn gì nhưng cô lại sợ thầy nói ra thì biết đáp sao bây giờ. Quả nhiên thầy Tám nói rành rọt:
- Tôi thương Rành. Rành có muốn làm vợ tôi không?
Rành nghe rõ lắm, nhưng mắt mở to, kinh ngạc:
- Thầy nói gì, em hông nghe…
Thầy Tám nhắc lại câu nói, Rành cúi đầu, rơm rớm nước mắt:
- Em nghèo, mồ côi cha mẹ, làm thân ở đợ. Thầy thương em, là thương thiệt hay chỉ làm phước, cho thỏa lòng? Nếu vậy thì tội nghiệp em lắm, thầy ơi…
Tám Cầm sửng sốt. Không ngờ một cô gái mười bảy tuổi, không biết chữ lại nói đến điều chạm đáy lòng thầy:
- Tôi nói có mặt trời chứng giám. Tôi không thương Rành thiệt lòng thiệt dạ, tôi không làm giống người.
- Thầy nói vậy em tin. Nhưng, hoàn cảnh em…
- Cái đó để tôi lo.
Trời ngã về chiều. Nắng tắt sớm. Thầy tiễn Rành, không dám cầm tay dù lòng đã quyến luyến dữ lắm rồi. Rành quay bước, khẽ gọi má trong tâm tưởng, má ơi, má thương con, má đi cùng con, đi cùng người ấy…
***
Trở về trường, thầy Tám có kế hoạch. Không gì bằng dựa vào thầy chủ trường, lại là chân Hương sư. Thầy Năm nói với xã Hạnh, chắc không khó.
Thầy Năm nghe nói vậy thì cũng mừng mừng, nhưng vẫn băn khoăn:
- Tôi nói thầy đừng giận. Bao nhiêu con gái trong vùng, mà chỉ gặp con Rành có một hai lần, thầy đã tương tư. Có lãng mạn quá không?
- Có lẽ là duyên số, thưa thầy. Gặp có một lần mà sao tôi thương Rành kỳ lạ. Hai đứa tôi cũng kịp tính, gá nghĩa vợ chồng, cả hai cùng về Trại Đèn, vừa giữ được đất ông bà của Rành để lại vừa tiện bề dạy học cho tôi.
Thầy Năm cười to:
- Vậy thì tôi chịu thầy rồi. Chúa nhựt nầy, để tôi cho người hẹn xã Hạnh, tôi với thầy vô nhà ổng. Thầy có gì thì chuẩn bị đi…
(1): Hai chữ “quốc sự” thời đó nhằm chỉ những người tham gia tổ chức chống lại chính quyền thực dân Pháp.