Tận diệt chim trời ở miền Tây

Kỳ 1: Bẫy lưới, câu trời bủa vây Vườn Quốc gia Tràm Chim

30/11/2020 - 07:09

PNO - Ông X. - thợ bẫy chim ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp - cho biết sau mùa nước nổi, số chim trời về quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim tăng lên rất nhiều; nếu may mắn, thợ săn chim có thể kiếm được 3 triệu đồng/ngày, tức đã bắt được hàng trăm con chim.

 

Những ngày cuối tháng 11, lần theo manh mối từ những người bán “đặc sản” chim trời tại TPHCM, chúng tôi đã về vùng Đồng Tháp Mười để truy tìm nguồn gốc của những con chim hằng ngày bị đưa lên bàn nhậu và ghi nhận: chim bị đánh bắt từ vùng giáp ranh Vườn Quốc gia Tràm Chim - khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới.

Xâm nhập “vùng tối” lúc rạng sáng

Mặt trời chưa ló dạng, chim muông còn chưa kịp thức giấc, ông X. đã có mặt trên cánh đồng nằm ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để chuẩn bị bày trận bẫy chim. Khu vực này được giới bẫy chim đặt tên là “vùng tối” vì đây là đồng ruộng nằm sát Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim. Đây là vùng giáp ranh, nên lực lượng bảo vệ của VQG không kiểm soát được.

Có ngày, thợ săn chim bắt được hàng trăm con cò để bán, kiếm đượ c khoảng 3 triệu đồng
Có ngày, thợ săn chim bắt được hàng trăm con cò để bán, kiếm được khoảng 3 triệu đồng

Nhà ở huyện Tân Hồng, chỉ cách VQG Tràm Chim vài cây số nên ông X. rành khu vực này như lòng bàn tay. Nghề săn chim trời ở quanh khu Tràm Chim cũng nuôi sống cả gia đình ông X. suốt hơn 15 năm qua.

Ông X. cho hay: “Từ hồi thanh niên, tui đã đi mần nghề này rồi, giờ đã hơn 40 tuổi. Làm nghề nào quen nghề đó, bỏ không được. Ngày xưa, chim chóc bạt ngàn trên đồng, đi một chút là bắt được cả đống. Còn bây giờ, quanh khu Tràm Chim mới nhiều chim”.

Tranh thủ lúc trời chưa sáng, ông X. bày “thiên la địa võng” trên một ruộng lúa nằm giáp ranh VQG Tràm Chim. Loại bẫy ông X. đặt là bẫy lưới giật, chuyên để bẫy cò. Loại bẫy này có hai tấm lưới được gài sát đất, khi giật dây, tấm lưới sẽ bật lên, lật úp để cò nằm gọn trong lưới.

Thợ bẫy chim ngồi cách nơi đặt lưới khoảng 15m, dùng lá cây phủ kín người. Ông X. đặt hai con cò mồi bị cột chân vào bẫy. Mỗi khi giật dây cột chân, cò mồi sẽ đập cánh để thu hút sự chú ý của đồng loại. Khi đàn cò hạ xuống, ông X. sẽ giật bẫy.

Ông X. giải thích: “Loại bẫy này rất đơn giản, nhưng cái khó là phải chọn địa điểm đặt bẫy hợp lý và đặt đúng đường bay của cò, chúng mới nhìn thấy, sà xuống. Ngoài ra, mình phải cột chân làm sao để con mồi thu hút sự chú ý của những con cò khác”.

Theo ông X., thời điểm vừa kết thúc mùa nước nổi, chỉ còn hai loài dễ bẫy nhất là chim cò và ốc sen. Hiện chim cò đang có giá khoảng 150.000 đồng/kg và ốc sen có giá khoảng 150.000 đồng/con. Hằng ngày, thợ săn chim thường chỉ đặt bẫy vào lúc sáng sớm và chiều tối. Nếu may mắn, một ngày, mỗi thợ săn có thể kiếm được 3 triệu đồng, đồng nghĩa với việc bẫy được hàng trăm con cò.

Theo những người bẫy chim, việc săn chim ở quanh VQG Tràm Chim nhiều năm nay đã bị cấm nhưng họ vẫn lén lút đặt bẫy ở vùng giáp ranh để bẫy chim trời từ VQG bay ra ngoài tìm thức ăn.

“Mình lén vô trong khu Tràm Chim, bảo vệ mới có quyền bắt, còn bẫy ở khu giáp ranh, họ thấy cũng đứng ngó chứ làm gì được đâu. Bẫy bên ngoài, chỉ sợ kiểm lâm, công an, nhưng mình bẫy lúc sáng sớm, họ dễ gì đi tuần tra” - ông N., thợ bẫy chim ở huyện Tam Nông, nói.

Ngoài cách săn chim bằng bẫy lưới giật, nhiều năm nay, người ta còn dùng loại bẫy có tên “câu trời”. Câu trời là cách đánh bắt rất nguy hại vì cò con, cò mẹ đều mắc bẫy khi bay qua. Theo ông N., người săn chim bằng câu trời dùng cần câu tre có mắc dây và lưỡi câu đặt dày đặc ở khu vực có cò thường bay qua, với số lượng 1.000 lưỡi câu/200m. Với cách đặt bẫy này, hầu hết chim trời bay qua vị trí đặt bẫy đều không thoát.

Cầm trên tay một túi chim cò sau lần thăm bẫy buổi sáng, ông N. cho biết, thương lái thu mua với giá 30.000 đồng/con cò. Với hơn 15 con cò bẫy được, trong một buổi sáng, ông N. kiếm được 450.000 đồng. Đây là mức thu nhập theo ông N. là “lương tổng thống không bằng” nên ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số chim dính bẫy hằng ngày sẽ được các thương lái đến tận nơi thu mua. Những con bị chết sẽ được mang đến các khu chợ nhỏ, lẻ gần đó bán, số khỏe mạnh sẽ được vận chuyển đến các địa phương khác tiêu thụ. 

Vô số bẫy trong VQG Tràm Chim

Ông Đặng Tiên Khoa - Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách, VQG Tràm Chim - cho biết những năm gần đây, nạn săn bắt động vật hoang dã ở VQG Tràm Chim đã giảm đi rất nhiều, nhưng do lợi ích kinh tế, một số đối tượng vẫn cố tình xâm hại động vật ở VQG: “Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ của VQG Tràm Chim đã thu giữ hơn 3.000m bẫy câu trời, 30 bình kích điện và hàng ngàn mét lưới…

Trong những vụ việc này, bảo vệ chỉ thu được tang vật chứ không bắt được người. Ban giám đốc VQG Tràm Chim cũng đã đề nghị Công an huyện Tam Nông điều tra để ngăn chặn nạn đánh bắt động vật hoang dã”.

Được biết, trước đây, VQG Tràm Chim có hạt kiểm lâm trực thuộc, phụ trách công tác bảo vệ rừng, nhưng từ tháng 9/2018, hạt kiểm lâm đã chuyển về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, việc bảo vệ VQG Tràm Chim do đội bảo vệ rừng chuyên trách đảm nhiệm.

Theo biên chế tối đa, lực lượng bảo vệ có 50 người nhưng hiện tại chỉ có 38 người. Những người này làm nhiệm vụ bảo vệ VQG 24/24 giờ ở 21 trạm/chốt và một tổ cơ động. Việc thiếu quân số là do chế độ lương, phụ cấp cho lực lượng này quá thấp, thu nhập của người có thâm niên 20 năm chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ông Khoa cho hay: “Lúc đông nhất, chúng tôi cũng chỉ có 42 người. Hiện quân số cũng biến động liên tục. Trong khi đó, diện tích toàn VQG Tràm Chim là 7.313ha. Các trạm/chốt phần lớn chỉ bố trí một người, cách nhau 4km. Trung bình mỗi trạm/chốt đảm nhiệm bảo vệ 500ha rừng, rất khó khăn”.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của VQG Tràm Chim chỉ có chức năng lập biên bản ban đầu đối với các hành vi xâm hại rừng trong phạm vi VQG, sau đó chuyển giao vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

“VQG Tràm Chim không có vùng đệm trực thuộc VQG như những nơi khác. VQG ở đây tiếp giáp với đất của dân nên rất dễ bị xâm nhập. Khi phát hiện các trường hợp săn bắt chim bên ngoài, bảo vệ gọi điện báo cho kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương chứ không tự xử lý được” - ông Khoa nêu khó khăn.

Ông Trương Thanh Hải - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng - cho biết tuyến đê bao quanh VQG Tràm Chim dài khoảng 60km, có năm xã, thị trấn phụ cận với khoảng 60.000 dân. VQG không có vùng đệm hay tường rào nên rất dễ bị xâm nhập.

Ông Hải nói: “Trong mấy chục cây số bao quanh VQG, chỗ nào người dân cũng vào được. VQG Tràm Chim có lắp mấy chục camera quan sát, nhưng người dân tránh camera bằng cách đi vào ban đêm hoặc xâm nhập ở “điểm mù” camera”. 

Thợ săn chim bày “thiên la địa võng” ở ruộng lúa giáp ranh Vườn Quốc gia Tràm Chim từ lúc tờ mờ sáng
Thợ săn chim bày “thiên la địa võng” ở ruộng lúa giáp ranh Vườn Quốc gia Tràm Chim từ lúc tờ mờ sáng

Theo ông Hải, từ đầu năm 2020 đến nay, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng đã xử lý 12 vụ xâm hại VQG Tràm Chim với các hành vi chăn thả gia súc trái phép, sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản và mua bán động vật hoang dã.

Ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Tràm Chim - cho biết đối tượng xâm nhập VQG để đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã gồm cả người dân địa phương lẫn người dân ở nơi khác đến làm ruộng theo mùa.

“Chúng tôi có lực lượng cứu hộ; khi thu giữ chim, cá đánh bắt trái phép về, chúng tôi chăm sóc một thời gian rồi thả về tự nhiên. Trong năm nay, chúng tôi đã thả về tự nhiên 400kg cá, 20 cá thể bò sát và 436 cá thể chim” - ông Hải thông tin.

Theo ông Nguyễn Tấn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp - trong năm 2020, lực lượng kiểm lâm đã xử phạt 18 vụ mua bán, chăn thả gia súc ở VQG và săn bắt động vật rừng với tổng số tiền xử phạt 52 triệu đồng. Tuy nhiên, có một số trường hợp chưa thi hành được quyết định xử phạt do người dân chủ yếu làm mướn, không có tiền nộp phạt, cũng không có tài sản để cưỡng chế. 

Không thấy sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Ông Võ Thành Ngoan - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện đã gần hết tháng 11 nhưng đàn sếu đầu đỏ vẫn chưa về VQG Tràm Chim. Năm 2019, có một đàn sếu đầu đỏ khoảng bốn con di cư về VQG Tràm Chim, trong đó có một con bị thương nặng nên được giữ lại để chữa trị, nhưng sau đó đã chết. Hiện, tiêu bản cá thể sếu đầu đỏ này được trưng bày tại VQG Tràm Chim.

Theo ông Ngoan, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc sếu đầu đỏ không về VQG Tràm Chim nhưng vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào cụ thể về vấn đề này.

Sơn Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI