Vượt hơn 700 cây số, qua những trận mưa như trút nước, thêm gần 20 cây số đường đèo khúc khuỷu, gồ ghề không một căn nhà, không đèn điện, chỉ có hai bên là bờ vực, vách núi; chiếc xe chở đầy tình yêu thương của các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 đã đến với đồng bào nghèo, khó khăn, bệnh tật tại huyện Kông Chro.
|
Để công tác khám chữa bệnh cho bà con được tốt hơn, các bác sĩ của đoàn khám từ thiện Bệnh viện Quận 2, TP.HCM thống nhất không ghé quán nghỉ ngơi. Hơn 9h đêm, hai chiếc xe chở đầy thuốc, thiết bị khám chữa bệnh vẫn “bò” chậm rãi trên con đèo vắng vẻ, thế mà mọi người vẫn kể chuyện, cười đùa xua tan sự mệt mỏi. |
|
Vượt qua khúc quanh của con đèo vào huyện Kông Chro, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh (người thứ 3, bên trái), Giám đốc Bệnh viện Quận 2 bất ngờ dừng câu chuyện đang rôm rả, ra hiệu cho xe dừng lại khi một thanh niên khoảng hơn 20 tuổi đang nằm bất tỉnh bên đường. Không ai bảo ai, các bác sĩ đồng loạt xuống xe, chuẩn bị công tác cấp cứu. |
|
May mắn, người thanh niên chỉ bị say rượu, không biết vì va chạm hay tự té ngã, ngất xỉu rồi… ngủ luôn bên đường. Mặc dù anh ta ra hiệu thông báo mình không sao, các bác sĩ nhất quyết không để anh một mình.
Bác sĩ Khanh cho rằng ngọn đèo không có đèn, anh lại ngã tại khúc đường hẹp, xe lớn đi ngang không thấy được thì rất nguy hiểm, trời đang mưa, sương xuống lạnh cũng có rất nhiều nguy cơ.
Cả đoàn quyết định mời anh lên xe, đưa về nhà. Sau một lúc ngại ngần, người thanh niên điện thoại, nói tiếng đồng bào Bana với người thân nhờ lên rước về. Xe tiếp tục lăn bánh.
|
|
Sáng sớm, hơn 500 người dân chủ yếu là đồng bào người Bana, thuộc 2 xã Yang Trung, Ya Ma và thị trấn Kông Chro đã được các y, bác sĩ tư vấn sức khỏe, khám nội tổng quát, cấp thuốc, quà miễn phí.
|
|
Bệnh của họ mắc phải phần liên quan đến thói quen sinh hoạt hằng ngày như bệnh hô hấp, đường tiêu hóa, xương khớp, huyết áp, viêm nhiễm,… |
|
Phần lớn đồng bào ở đây đều ngại đi khám bệnh, họ cố gắng chịu đựng đến khi bệnh lành hẳn thì thôi. Tuần trước, bà Đinh Thị Khuyên (Khiêng), làng Nghe Lớn té ngã từ nhà xuống đất đến nay mặt vẫn còn sưng to, con gái bà Khuyên nói rằng do bà không đi được, té ngã là chuyện bình thường. |
|
Bé trai 6 tuổi, chưa được đến trường, mẹ đi làm nương, ở nhà một mình, không hiểu vì sao bị chảy máu xối xả trên đầu, vết rách lớn đến nay mới được khám và khâu lại. |
|
Nhiều người dân sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương khớp,... đã được khám, phát thuốc để khắc phục bệnh tật.
|
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh cho biết: “Tất cả chúng tôi, từ y bác sĩ, nhân viên y tế, mạnh thường quân, các ký giả cùng với chính quyền địa phương đều chung lòng chung sức nỗ lực sẻ chia.
Hy vọng đồng bào khó khăn tại Kông Chro có một ngày thật vui và nghĩa tình. Được chăm lo phần nào sức khỏe, vật chất, tinh thần, giúp đồng bào vơi bớt nhọc nhằn, thêm niềm vui trong cuộc sống là ước nguyện chung của mọi người”.
|
|
Vì hầu hết người dân đến khám là đồng bào dân tộc thiểu số như Bana, Dao, Mông,... nên nhân viên y tế của huyện cũng đến hỗ trợ, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc.
|
Sau khi được khám, chữa bệnh, mỗi người dân còn được nhận một phần quà trị giá 200.000 đồng. |
|
|
|
Có lẽ vì thế, những nụ cười đã trở lại ở huyện vùng sâu, vùng xa Kông Chro. |
|
Bà Đinh Thị Tioi, làng Nghe Lớn, biết được trên mặt mình chỉ bị khối u lành tính có thể chữa khỏi nên rất vui vẻ. |
|
Bà Đinh Thị Hroi cho biết: "Nhà làm nương nên không đi khám bệnh đâu, xa lắm, mỗi lần đi phải con cháu bỏ nương chở đi, cũng không có tiền mua thuốc, giờ có thuốc rồi hết bệnh, khỏi sợ nữa". |
|
Em bé Bana được mẹ địu đến khám bệnh. |
|
Tại Kông Chro trẻ em khi có sức lao động đều muốn ở nhà làm nương làm rẫy, việc học tập đến nơi đến chốn rất khó khăn. |
|
Theo cô Lê Thị Thanh, giáo viên trường Kim Đồng, xã X Sro, huyện Kông Chro, số lượng trẻ đến trường ngày càng "rơi rụng" theo mùa vụ. Đến nay, cô Thanh phải dạy gộp chung lớp 3, 4 với tỉ số 28 học sinh. Sáng nào đi dạy, cô Thanh cùng các giáo viên khác cũng đến nhà từng em để "lùa" chúng đi học, dự kiến đến cuối mùa vụ, trẻ nghỉ học lên đến hơn 5%. |
|
Để động viên học sinh đến trường, năm học 2017-2018, chương trình còn tổ chức trao tặng 40 suất học bổng (500.000 đồng/suất) cho học sinh nghèo, vượt khó học giỏi trên địa bàn huyện Kông Chro. |
Ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro chia sẻ: “Đối với huyện vùng sâu vùng xa như Kông Chro, 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn hết sức khó khăn, giao thông chưa thuận lợi, việc ổn định kinh tế đã khiến đồng bào suốt ngày làm nương, làm rẫy, người dân chưa thực sự chú trọng vào việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Vì vậy, Bệnh viện Quận 2 hỗ trợ khám bệnh, phát thuốc, tặng quà và trao học bổng là việc làm hết sức ý nghĩa đối với Kông Chro. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều chuyến xe chở đầy tình người hơn nữa để bà con vơi bớt nhọc nhằn, quan tâm hơn đến sức khỏe của mình”.
Phạm An