Kon Tum: 2 người tử vong, 3 người nhập viện sau bữa tiệc, nghi do ngộ độc Botulinum

06/03/2021 - 15:47

PNO - Sau khi ăn chung bàn tiệc, 2 người tại Kon Tum đã tử vong, 3 trường hợp khác phải nhập viện trong đó có 1 trường hợp nguy kịch.

 

5 người ngộ độc trong đó có 2 người tử vong tại Kon Tum nghi do khuẩn Botilinum (ảnh minh họa)
5 người ngộ độc trong đó có 2 người tử vong tại Kon Tum nghi do khuẩn Botilinum (ảnh minh họa)

Ngày 6/3, Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa hội chẩn qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth đối với ca bệnh đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum. 

Theo đó, bệnh nhân nam (25 tuổi, dân tộc M'nông, làm nghề nông, trú tại xã Măng Cành, huyện KonPlong) được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Kon Tum ngày 2/3 trong tình trạng khó thở. Bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều và bệnh gan.

Trước đó, ngày 17/2, bệnh nhân cùng 4 người nữa ăn chung một bàn tiệc, sau đó có cùng biểu hiện, đau đầu, nôn ói, khó thở. Hiện đã có 2 trường hợp nặng tử vong vì suy hô hấp, 2 trường hợp đang được điều trị tại Khoa Nội tổng hợp và trường hợp này có biểu hiện bệnh muộn nhất và nặng nhất, hiện đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức.

Cũng theo thông tin người nhà cung cấp, cách hôm nhập viện 1 ngày, bệnh nhân có ăn thịt trâu được nấu chín. 22g cùng ngày, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện nôn ói, nhìn mờ, đau đầu, yếu tay chân, người nhà phải dìu, sau đó được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện KonPlong và sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.

Thông qua hệ thống Telehealth, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã khai thác rất kỹ các yếu tố về thực phẩm, tiền sử bệnh, diễn biến… để loại trừ các nguyên nhân gây ngộ độc. Cũng qua hệ thống Telehealth, TS. Nguyễn Văn Tuận - Chuyên gia về điện cơ và thần kinh cũng đã trực tiếp hướng dẫn cho các đồng nghiệp tại Kon Tum để thực hiện kỹ thuật điện cơ, kích thích lặp lại nhiều lần trên bệnh nhân nhằm phát hiện tổn thương thần kinh cơ điển hình trong các trường hợp ngộ độc Botulinum.

Sau khi nghe ý kiến phân tích của các chuyên gia, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhận định, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng. Có 5 người ăn thì 4 người bị trước, trong đó 2 người đã tử vong và đây là trường hợp cuối cùng có biểu hiện bệnh sau 13 ngày.

Qua lâm sàng và các bằng chứng đang có hiện các chuyên gia nghiêng nhiều về ngộ độc thịt (ngộ độc Botulinum). Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, xử lý ban đầu của các các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum rất chính xác. Tuy nhiên, Hội đồng hội chẩn yêu cầu Bệnh viện đa khoa Kon Tum làm thêm một số xét nghiệm liên quan đến chuyên ngành chống độc như cấy phân, xét nghiệm dịch dạ dày…. để có thêm căn cứ khẳng định chẩn đoán ngộ độc thịt.

Ngay sau đó, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử chuyên gia chống độc mang theo thuốc giải độc Botulinum vào Kon Tum để trực tiếp hỗ trợ, cứu chữa cho bệnh nhân. 

Vi khuẩn Clostridium Botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường.

Trong điều kiện thuận lợi, vi khuẩn này tiết ra độc tố Botulinum. Đây là chất độc thần kinh cực mạnh, sau khi ăn được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.

Biểu hiện của ngộ độc: sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ, lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân. Đặc biệt bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và vẫn tỉnh táo.

Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục. 

Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong. Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc Botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay, đây là cụ ông 70 tuổi, trú tại Hà Nội.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI